“Lửa” thị trường thử đầu “lạnh” NĐT

Giải mã 2 phiên giảm sốc

Theo thống kê, sau 2 phiên giao dịch ngày 5 và 6-2, vốn hóa của TTCK bị sụt giảm hơn 300.000 tỷ đồng (tương đương 14 tỷ USD). Tính đến hết phiên giao dịch ngày 6-2, vốn hóa TTCK Việt Nam đạt 3,61 triệu tỷ đồng (tương đương 160 tỷ USD) và bằng 73% GDP. 2 phiên sụt giảm này khiến VN Index đánh mất hơn 93 điểm (tương đương 8,6%) xuống sát mốc 1.000 điểm.

Giảm mạnh nhất là nhóm CP có vốn hóa lớn, nhiều mã mất đến 14% giá trị sau 2 phiên giao dịch. Nếu những phiên trước, nhóm CP có vốn hóa lớn đóng góp mạnh vào đà tăng của VN Index, phiên giao dịch ngày 6-2, nhóm CP này gồm GAS, VNM, BID, VER, PLX, CTG, VJC, SAB, VPB, VCB đóng góp 14,16 điểm giảm cho VN Index.

Tính đến thời điểm cuối năm 2017, giá trị danh mục của NĐTNN trên TTCK Việt Nam là 32,9 tỷ USD (tăng 90% so với cuối năm 2016). Trong bối cảnh như vậy, có thể nói sự nhạy cảm của TTCK Việt Nam không nằm ngoài tâm lý chung của TTCK thế giới.

ÔngTrần Văn Dũng,

Chủ tịch UBCKNN

Theo lý giải của giới phân tích, nguyên nhân chính khiến TTCK “đỏ lửa” trong 2 phiên giao dịch vừa qua do tác động tâm lý từ sự suy giảm của TTCK thế giới trước đó. Chẳng hạn, Dow Jones giảm 1.175 điểm (tương đương 4,6%), S&P giảm 113,19 điểm (tương đương 4,1%), Nikei giảm 1.078 điểm (tương đương 4,76%), Hang Seng giảm 1.649 điểm (tương đương 5,12%).

TTCK lao dốc còn bắt nguồn từ nhận định cho rằng Cục Dự trữ Liên bang Hoa Kỳ (FED) nhiều khả năng sẽ nâng lãi suất cơ bản đồng USD sớm hơn và cao hơn so với kỳ vọng trước đây. Cùng lúc đó, việc lợi suất trái phiếu tăng cao đang khiến dòng tiền rút ra khỏi TTCK. Lợi suất trái phiếu chính phủ Hoa Kỳ thời hạn 10 năm trong phiên gần nhất đã có lúc tăng lên mức 2,883%, và sau đó giảm xuống mức 2,72%.

Cùng với sự đi xuống của TTCK thế giới, áp lực điều chỉnh của TTCK Việt Nam còn đến từ áp lực điều chỉnh tâm lý với mức đỉnh cũ 1.170 của thị trường. Ngoài ra, áp lực một phần đến từ hiện tượng rút vốn khỏi TTCK để chuyển qua các đợt thoái vốn nhà nước lớn. Và cuối cùng là lo ngại của NĐT về dòng vốn từ các quỹ ETF sẽ bị rút ra để chốt lời danh mục đầu tư tại Việt Nam, cộng với áp lực margin của các CTCK sau các phiên giảm giá mạnh.

“Lửa” thị trường thử đầu “lạnh” NĐT - Ảnh 2.

NĐT cần tỉnh táo

Ngay sau 2 phiên giảm sốc này, lãnh đạo UBCKNN đã có những phát ngôn nhằm trấn an tâm lý NĐT. Ông Trần Văn Dũng, Chủ tịch UBCKNN, cho rằng NĐT cần bình tĩnh, tỉnh táo, tránh giao dịch theo tâm lý đám đông trong bối cảnh TTCK thế giới giảm điểm. Trên thực tế, tình hình kinh tế vĩ mô của Việt Nam đang phát triển rất tốt. Các chỉ số như GDP, CPI, lãi suất đều đạt hoặc được giữ ở mức ổn định theo kế hoạch đề ra của Chính phủ.

Tình hình sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp niêm yết trong năm 2017 khá khả quan. Số công ty niêm yết có lãi 481/511 công ty, chiếm khoảng 94% tổng số công ty niêm yết. Doanh thu thuần của công ty niêm yết theo ngành năm 2017 tăng 19,11% (tính toàn thị trường). Trong đó có các ngành có tăng mạnh về doanh thu như bất động sản (tăng 34,19%), ngành tài chính ngân hàng tăng 24,88%. Nếu xét về lợi nhuận sau thuế, mức tăng trưởng chung toàn thị trường đạt 26,43%.

Riêng ngành tài chính ngân hàng tăng rất mạnh (62,58%), bất động sản và xây dựng tăng lần lượt 39,77% và 31,88%. Các chỉ tiêu sinh lời như ROE và ROA đều tăng cao hơn so với năm trước. ROE của 2017 tăng 24% so với ROE của 2016, ROA của 2017 tăng gần 7% so với của năm 2016.

Cũng theo ông Dũng, dù thị trường giảm mạnh nhưng thanh khoản thị trường không hề sụt giảm trong 2 ngày qua, thậm chí còn rất tốt. Giá trị giao dịch trong ngày 6-2 đạt trên 17.000 tỷ đồng trên sàn HOSE và HNX. Riêng với khối ngoại vẫn duy trì mua ròng trong cả 2 phiên.

Đặc biệt phiên ngày 6-2, NĐTNN mua ròng hơn 4.200 tỷ đồng trên TTCK và hơn 273 tỷ đồng trên thị trường trái phiếu. Tính đến hết tháng 1, NĐTNN đã mua ròng trên thị trường CP chứng chỉ quỹ với tổng giá trị trên 9.600 tỷ đồng và 700 tỷ đồng trái phiếu. Trong 4 phiên giao dịch đầu tháng 2, NĐTNN tiếp tục mua ròng hơn 5.000 tỷ đồng trên TTCK và 319 tỷ đồng trái phiếu.

Thị trường hoảng loạn với những phiên giảm sốc có thể lạ lẫm với NĐT, nhưng khi tâm lý đã dần quen đây lại là cơ hội cho NĐT mua CP với giá rẻ. Tuy nhiên, theo CTCK Rồng Việt (VDSC), thị trường có thể sẽ phân hóa mạnh nên khi lựa chọn bắt đáy thì những CP có nền tảng cơ bản tốt nên được ưu tiên.

“Sau cơn mưa trời lại sáng”

Phiên giao dịch ngày 7-1 chứng kiến sự hồi phục mạnh mẽ của thị trường trong bối cảnh NĐT tranh nhau gom hàng sau 2 phiên bán tháo trước đó. Chốt phiên, VN Index tăng 28,95 điểm (tương đương 2,86%) lên 1.040,55 điểm. Toàn sàn HOSE có 246 mã tăng, trong đó có 35 mã tăng trần, so với 58 mã giảm và 33 mã đứng giá. HNX Index cũng tăng mạnh 3,99 điểm (tương đương 3,45%) lên 119,62 điểm. Đáng chú ý, nhiều mã CP không có người bán nên thanh khoản của thị trường tụt giảm mạnh với tổng giá trị giao dịch trên cả 2 sàn đạt 7.460 tỷ đồng.

Theo ông Nguyễn Duy Hưng, Chủ tịch HĐQT CTCK Sài Gòn (SSI), thị trường tăng nhanh khi xuất hiện yếu tố ảnh hưởng sẽ xảy ra điều chỉnh sốc là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên giá giảm là cơ hội để NĐT lựa chọn những CP có nền tảng tốt. Nền kinh tế của chúng ta đang tăng trưởng mạnh và bền vững chắc chắn không thể xảy ra khủng hoảng nội tại vào thời điểm này. 2018 vẫn là năm phát triển tốt của TTCK.

Mới đây, Ngân hàng UBS đưa ra nhận định, cho rằng Việt Nam quá lôi cuốn để có thể bỏ qua. Dự báo, Việt Nam có thể đạt được kịch bản GDP tăng trung bình 7,2%/năm trong nửa thập niên tiếp theo và khẳng định nền kinh tế Việt Nam đang tăng trưởng bền vững, không quá nóng. Lý do, UBS đưa ra nhận định trên là Việt Nam tăng trưởng mạnh mẽ nhưng vẫn kiểm soát tốt lạm phát. Đây là yếu tố khác biệt so với những thời kỳ tăng trưởng mạnh trong quá khứ luôn đi kèm với lạm phát ở mức rất cao.

Căng thẳng phiên giao dịch 09/02: Phiên quyết định có nên thoát khỏi thị trường hay không

Bài viết mới