Theo Sở Giao thông Vận tải TP.HCM, đây là tuyến đường huyết mạch, nằm trong nhóm các dự án trọng điểm mà TP.HCM ưu tiên đầu tư để giảm ùn tắc giao thông. Công trình có chiều dài 15,7 km với 16 làn xe, do Công ty CP Đầu tư hạ tầng kỹ thuật TP.HCM (CII) đầu tư theo hợp đồng BOT.
Theo chủ đầu tư, đến nay dự án vẫn còn vướng rất nhiều mặt bằng, ảnh hưởng nghiêm trọng đến tiến độ thi công. Ông Nguyễn Thành Nam, Giám đốc Công ty CP Đầu tư và xây dựng Xa lộ Hà Nội (thuộc Công ty CII) cho biết, mặt bằng vướng nhiều nhất là trên địa bàn quận 9. Đến giữa tháng 9/2017, vẫn còn 41 hộ chưa bàn giao mặt bằng.
Cụ thể, đoạn đường song hành Xa lộ Hà Nội đoạn từ cầu Rạch Chiếc đến trạm thu phí qua phường Phước Long A vẫn còn 3 hộ, phường Tân Phú còn 28 hộ (400m đoạn từ cầu vượt trạm 2 đến Khu du lịch văn hóa Suối Tiên).
Xa lộ Hà Nội là tuyến đường huyết mạch, là cửa ngỏ kết nối TP.HCM với các tỉnh, thành phía Đông. Khu vực này dù được đầu tư mở rộng nhưng tình trạng kẹt xe ngày một nghiêm trọng.
Dự án đang bị chậm tiến độ do công tác đền bù giải phóng mặt bằng.
Cũng theo chủ đầu tư, vừa qua đoạn đường 2,2km từ nút giao Tân Vạn đến dự án Nút giao ĐHQG xuất hiện một số vị trí lún. Đến nay, đơn vị thi công đã khắc phục triệt để hằn lún được khoảng gần 1km đoạn trước bến xe Miền Đông mới.
Các đoạn hư hỏng nhẹ còn lại nhà thầu đang tiếp tục duy tu để đảm bảo an toàn giao thông. Riêng, hạng mục bổ sung thi công nút giao còn vướng khoảng 400m đường dẫn hầm chui với 10 hộ chưa giao mặt bằng. Hiện do vướng công tác bồi thường giải phóng mặt bằng nên khối lượng thi công chỉ mới đạt khoảng 73%.
“Nhiều đoạn đường song hành Xa lộ Hà Nội đã hoàn thành nhưng vẫn còn một số vị trí chưa thể thi công do vướng mặt bằng. Do vậy, tuyến đường song hành bị gián đoạn không khai thác hết hiệu quả để giảm tải cho tuyến đường hiện hữu”, ông Nam cho hay.
Theo dự kiến ban đầu, TP.HCM sẽ bố trí ngân sách để thực hiện toàn bộ công tác bồi thường giải phóng mặt bằng của dự trên địa bàn và tỉnh Bình Dương. Tuy nhiên, mặt bằng ở Bình Dương còn bị ảnh hưởng bởi dự án metro Bến Thành-Suối Tiên.
Do đó, TP.HCM chủ trương tách dự án bồi thường giải phóng mặt bằng trên địa bàn tỉnh Bình Dương thành dự án riêng để giải phóng mặt bằng, phục vụ cho cả dự án mở rộng Xa Lộ Hà Nội và tuyến metro số 1 với tổng số tiền khoảng 1.825 tỉ đồng.
Một vấn đề khác, theo UBND TP.HCM, do chưa được cấp Giấy chứng nhận đầu tư, phụ lục hợp đồng chưa ký kết chính thức nên chủ đầu tư dự án chưa huy động được vốn vay, chỉ mới đáp ứng được 550 tỉ đồng cho Ban đền bù giải phóng mặt bằng huyện Dĩ An, Bình Dương.
Do đó, UBND TP.HCM cơ bản thống nhất với đề xuất của CII về cập nhật thời gian hoàn thành tiến độ dự án trong năm 2018.
Toàn cảnh tuyến đường nhìn từ trên cao, đoạn đã được hoàn thành từ cầu Sài Gòn đến cầu Rạch Chiếc.
Cả tuyến đường vẫn chưa hoàn thành đồng bộ, hiện vẫn còn nhiều vị trí chưa bàn giao mặt bằng nên đoạn đường song hành chưa thể nối liền mạch qua địa bàn quận 2, quận 9…
Đoạn thi công hầm mở trước khu du lịch Suối Tiên (ngã tư Thủ Đức về nút giao Đại học Quốc gia TP.HCM).
Do vướng một phần dự án thi công tuyến metro số 1 Bến Thành – Suối Tiên nên dự án vẫn đang chờ mặt bằng.