Kinh nghiệm quy hoạch đô thị ở Nhật Bản

Trường hợp của Tokyo

Trước khi trở thành nơi ở của 13 triệu cư dân, Tokyo từng là một làng chài nhỏ có tên Edo với cư dân thưa thớt và khung cảnh yên bình, thơ mộng của một làng quê. Vào cuối thế kỷ XII, Edo được gia đình Edo chọn làm nơi định cư, xây dựng các lâu đài và thành quách. Ngày nay, dấu vết của những thành lũy xưa vẫn còn tồn tại.

Đến năm 1630, Edo có dân số khoảng 150 nghìn người. Phố xá bắt đầu hình thành với những ngôi nhà nằm san sát. Trong thế kỷ tiếp theo, làng chài nhỏ nhanh chóng phát triển và trở thành khu đô thị lớn nhất thế giới. Vào năm 1721, Edo có dân số lên tới 1 triệu người.

Đến thế kỷ XVIII, Edo trở thành Thủ đô của Nhật Bản. Trong suốt thời gian đó, TP này được hưởng thái bình và thỏa sức phát triển.

Tháng 01/1873, người ta xây dựng các công viên ở Tokyo, tạo ra sự thay đổi mạnh mẽ về diện mạo cũng như lối sống người dân. Cuối thế kỷ XIX, TP đã trở thành trung tâm văn hóa và thương mại lớn của Nhật Bản. Thời kỳ này, nó cũng có một cái tên mới là Tokyo.

Giai đoạn đầu thế kỷ XX cũng là thời điểm công nghiệp hóa bắt đầu tại Tokyo nói riêng và Nhật Bản nói chung. Diện mạo TP nhanh chóng thay đổi và trở nên hiện đại hơn so với nhiều thế kỷ trước đó. Thậm chí, Tokyo còn là nơi sản sinh những kế hoạch khổng lồ nhằm hiện đại hóa đô thị. Một trong số đó là hệ thống đường sắt đầy tham vọng, giúp người dân đổ tới đây sống ngày càng nhiều. Thế kỷ XX, Tokyo cũng phát triển hệ thống kênh rạch để tạo thuận lợi cho vận chuyển hàng hóa. Nhà kho, nhà máy cũng mọc lên nhiều xung quanh các con kênh nhằm tận dụng lợi thế của chúng.

Ngày nay, Tokyo vẫn là TP đông đúc và sầm uất nhất thế giới với dân số ước tính lên tới 13,5 triệu người. Từ một làng chài nhỏ, Tokyo hiện nay có vô số những tòa nhà chọc trời, bao gồm những công trình cao bậc nhất thế giới.

Tokyo của Nhật Bản đã có thời gian phải đối mặt với thời kỳ đô thị hóa nhanh chóng. Bên cạnh những thành tựu trong phát triển đô thị, quốc gia này cũng gặp phải nhiều thách thức nhưng cuối cùng họ đã thành công nhất định trong phát triển đô thị.

Và các đô thị nói chung

Sau thế chiến thứ 2, Nhật Bản bước vào thời kỳ phát triển và đô thị của Nhật Bản cũng phải đối mặt với các vấn đề mà đô thị Việt Nam hiện đang gặp phải như dân số tập trung quá đông ở đô thị, giao thông công cộng, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, ô nhiễm môi trường…

Nhiều TP trong những năm 1960 – 1980, dân số đột nhiên tăng. Hậu quả của sự gia tăng đột biến về dân số đã dẫn tới đô thị phát triển không kiểm soát được, thiếu nhà ở, cơ sở hạ tầng không đáp ứng kịp, ô nhiễm môi trường tăng nhanh, ùn tắc giao thông… Để giải quyết các vấn đề tồn tại đầy thách thức trong quá trình phát triển đô thị, Nhật Bản đã đi từ quy hoạch.

Tại Nhật, quy hoạch được xem là một chương trình quảng bá xúc tiến đầu tư nghiêm túc. Sau khi quy hoạch hoàn chỉnh, sẽ được công bố rộng rãi trước công chúng, đặc biệt về quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch hạ tầng. Mục đích của việc này là để các nhà đầu tư và nhân dân cùng tham gia thực hiện.

Điểm đặc biệt nhất trong quy hoạch đô thị Nhật Bản là trong các chương trình phát triển đô thị có quy định tối thiểu 40% dự án phải ưu tiên cho địa phương quản lý thực hiện. Khi quy hoạch được lập nên, cần lấy ý kiến cộng đồng rất nhiều lần, đảm bảo 70% tự nguyện chấp thuận thì quy hoạch đó mới được phê chuẩn.

Khi quy hoạch đó được phê chuẩn, được sự đồng thuận thì sẽ được chuyển tải thành các quy định (gọi là chính sách phát triển đô thị) được chính quyền đô thị thực hiện. Đây là công cụ pháp lý tương đương một văn bản dưới luật. Khi bản quy hoạch được phê duyệt sẽ trở thành công cụ chính thức để thực hiện quy hoạch. Khi đó sẽ được thông báo và quảng bá rộng rãi đến cộng đồng và có hiệu lực từ ngày được chính thức công bố.

Sau khi các đồ án quy hoạch được phê duyệt, các dự án do chính quyền thành phố/chính quyền địa phương đảm nhiệm. Các dự án do Bộ Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch (MLIT) phê duyệt/ thẩm định trình Chính phủ phê duyệt, tỉnh sẽ tiến hành triển khai thực hiện quy hoạch.

Quy hoạch đô thị có 3 sản phẩm chính: Quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch hạ tầng và danh mục các dự án phát triển.

Quy hoạch sử dụng đất chủ yếu trong các đồ án quy hoạch đô thị, xác định đề xuất hai khu vực cơ bản: khu vực khuyến khích phát triển đô thị và khu vực kia là hạn chế phát triển. Các khu vực này được chia nhỏ từng lô với các quy định chặt chẽ về thiết kế kỹ thuật công trình đô thị.

Quy hoạch các quận/huyện vô cùng quan trọng trong quản lý phát triển đô thị. Quy hoạch này có nội dung liên quan đến thiết kế kỹ thuật đô thị, đưa ra những nguyên tắc và hướng dẫn xây dựng đô thị hoặc hướng dẫn bảo tồn/giữ gìn cho từng khu vực đô thị. Vì vậy, quy hoạch quận, huyện cũng có thể xem là phần bổ sung chi tiết cho quy hoạch sử dụng đất toàn thành phố. Quy hoạch này đảm bảo sử dụng đất có hiệu quả đặc biệt với các khu vực chuyển đổi chức năng và các khu vực đất trống trong đô thị.

Các dự án phát triển đô thị gồm: dự án phát triển khu dân cư đô thị và các dự án xây dựng hạ tầng. Tùy theo từng trường hợp cụ thể có thể giao cho các đối tác có đủ tiềm lực về tài chính và chuyên môn thực hiện.

Các dự án này đều yêu cầu đảm bảo chất lượng môi trường đô thị và làm hài lòng các nhóm lợi ích tham gia phát triển. Dự án phát triển khu dân cư đô thị được phân thành 2 loại: Dự án phát triển đô thị mới gắn với các khu công nghiệp, khu kinh tế và dự án tái phát triển khu dân cư hiện có.

Việc cấp phép chuyển đổi chức năng sử dụng đất, đền bù giải phóng mặt bằng, xây dựng các công trình kiến trúc đều rất được coi trọng. Để hạn chế tình trạng sử dụng đất thiếu kiểm soát, việc cấp phép đầu tư cho tư nhân được kiểm duyệt rất nghiêm ngặt. Các khu vực đã lập dự án khả thi với quy hoạch 1/500 được chuyển tải thành quy chế với các quy định trong sử dụng đất mang tính bắt buộc.

Các quy định về thiết kế kỹ thuật đô thị cho phép mềm dẻo hơn nhưng vẫn tuân thủ theo các quy chuẩn và các quy định của quy hoạch chung đô thị. Chính quyền đô thị tại địa phương triển khai các hạng mục trong quy hoạch được duyệt phù hợp với phân công về quản lý của Nhà nước. Hạ tầng đường sá với ít nhất 4 làn xe, các dự án cải tạo nâng cấp các khu dân cư đô thị có quy mô ít nhất 50ha do cấp tỉnh quản lý thực hiện.

Việc lập quy hoạch và lập các dự án đô thị trực thuộc 2 tỉnh hoặc nhiều hơn sẽ được phê duyệt bởi bộ MLIT. Cán bộ tham gia xây dựng chính sách được tuyển dụng từ các ban ngành có liên quan đến quy hoạch, xúc tiến đô thị hóa hoặc quản lý xây dựng.

Dự án cấp vùng và quốc gia sẽ được thực hiện bởi các cơ quan tầm cỡ quốc gia phối kết hợp với TCty lớn ví dụ như TCty Đường bộ Nhật đảm nhận. Các dự án khác được thực hiện trên có sở có đồng thuận của bộ MLIT và chính quyền địa phương. Các đơn vị tham gian thực hiện dự án có thể là tổ chức Nhà nước, doanh nghiệp tư nhân và các Cty cổ phần thực hiện.

Ngày nay, Nhật Bản đã thành công trong xây dựng đô thị nhỏ gọn, thân thiện môi trường, giảm lượng CO2, phát triển đô thị trung tâm, đồng thời tiến hành chiến lược thông minh thu gọn các vùng ngoại ô, đạt được đô thị bền vững.

Bài viết mới