Trong phiên đấu giá hôm thứ ba (6/2), chỉ số giá sữa trên sàn thương mại toàn cầu đã tăng 5,9% – mức tăng mạnh nhất kể từ tháng 11/2016. Như vậy, giá sữa đã tăng tổng cộng 13,5% kể từ đầu năm 2018 đến nay. Giá trung bình đạt 3.553 USD/tấn.
Fonterra nhà sản xuất sữa lớn trên thế giới đã giảm chào bán trên sàn thương mại 2.750 tấn sữa bột gầy, 1.000 tấn bơ nhưng tăng 3.450 tấn sữa béo khan do nhu cầu thị trường ở mức cao.
Trước nguồn cung này, giá sữa béo khan chỉ tăng 0,5% đạt 6.581 USD/tấn, trong khi giá sữa bột gầy tăng 7,2% đạt 1.932 USD/tấn và bơ tăng 7,9% đưa mức tăng của giá bơ từ đầu năm đến nay là 17,9% đạt 5.277 USD/tấn.
Đã có 188 nhà thầu tham dự và 22.197 triệu tấn sữa được bán trong phiên.
Trước đó, tình hình thời tiết tại New Zealand đã có sự cải thiện khi mưa lớn tại một số khu vực giúp cho độ ẩm tăng mạnh ở số vùng bị khô hạn tại miền Nam, mặc dù sản lượng sữa giảm do các cơn bão. Tuy nhiên, giá các sản phẩm sữa trong phiên hầu như không có phản ứng trước các tác động của bão, khi giá sữa bột nguyên kem giao tháng 3/2018 chốt phiên giao dịch ngày thứ hai (16/1) đạt 3.230 USD/tấn, tăng 6,6% kể từ đầu năm 2018.
Nguồn: Clal.it
Nguyên nhân giá sữa tăng do nguồn cung thiếu hụt tại New Zealand – nước có sản lượng sữa lớn trên thế giới, khi đang phải đối diện với thời tiết bất thường. Sản lượng sữa tại đây giảm đã hỗ trợ giá cho các sản phẩm sữa bột nguyên kem và tách kem bởi New Zealand là nguồn cung chính. Tỷ giá giữa đồng đôla New Zealand và USD đã hồi phục trở lại trong khi giảm xuống còn 0,7273 NZD/USD hôm 16/1/2018.
Tại EU, vào cuối năm 2017 đã xảy ra tình trạng khủng hoảng bơ sữa, cầu vượt cung và giá bán lẻ đã tăng gần 20% so với cùng kỳ năm 2016. Bên cạnh đó, những lời kêu gọi hạn chế nguồn cung từ các HTX như FrieslandCampina của Hà Lan, NFU của Anh và Ủy viên châu Âu Phil Hogan đang làm dấy lên hy vọng kìm hãm tăng trưởng sản lượng. Đáng chú ý, việc EU tạm ngừng cơ chế can thiệp thu mua sữa bột gầy, vốn là nguyên nhân tạo nên kho dự trữ gần 400.000 tấn để tránh giảm giá.
Phiên đấu giá tiếp theo sẽ diễn ra vào ngày 20/2 tới.
Tại thị trường Việt Nam, sau hơn 1 tháng các dòng thuế nhập khẩu điều chỉnh về 0% theo cam kết trong khuôn khổ 10 hiệp định Thương mại tự do (FTA) Việt Nam đã ký kết, giá sữa không có nhiều biến động. Ghi nhận tại thị trường bán lẻ, giá các loại sữa ổn định. Tuy các hãng sữa không giảm giá gốc nhưng thường xuyên tổ chức các chương trình để kích cầu, với nhiều hình thức ghi hình khuyến mãi trên bao bì có lợi cho người tiêu dùng.
Theo số liệu mới nhất từ Tổng cục Hải quan, tháng đầu năm 2018 kim ngạch nhập khẩu sữa và sản phẩm từ sữa của Việt Nam giảm 1,7% so với tháng cuối năm 2017 xuống 77 triệu USD nhưng tăng 3,3% so với tháng 1/2017. New Zealand tiếp tục là thị trường nhập chủ lực của Việt Nam, chiếm 29,3% tổng kim ngạch, nhưng so với năm 2016 thì tốc độ nhập từ thị trường này giảm 10,87% tương ứng với 22,6 triệu USD.
Còn trong tháng 1/2018 Việt Nam tăng nhập khẩu sữa từ thị trường Philipinnes, tuy chỉ với 976,1 nghìn USD, nhưng tăng gấp hơn 8,7 lần cùng kỳ năm trước. Ngoài ra, nhập từ các thị trường như Thái Lan, Pháp cũng tăng mạnh gấp hơn 2 lần mỗi thị trường. Ngược lại, nhập từ thị trường Australia giảm mạnh 66,82% với 1,9 triệu USD.