Theo chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du, giảng viên chính sách công tại Chương trình Giảng dạy kinh tế Fulbright, đa số DA đầu tư từ vốn nhà nước đều không hiệu quả. Nguyên nhân của việc kém hiệu quả là mâu thuẫn về mặt lợi ích. Thông thường, người điều hành, người có vị trí trong việc đưa ra quyết định đầu tư DA có thể được lợi trong việc quyết định hợp đồng, lựa chọn công nghệ… DA càng có vấn đề về chất lượng và kém hiệu quả thì người quyết định dự án càng tiềm ẩn nguy cơ trên.
Theo ông Du, đến nay Việt Nam có 12 DA đắp chiếu và trước nữa có những “con tàu chìm” Vinalines, Vinashin. Với những dự án này, những người triển khai thực tế không có động cơ làm cho tốt. Vì vậy, nếu bây giờ tiếp tục “cứu”, DA muối mỏ Kali có nguy cơ lại rơi vào vết xe đổ như các dự án khác.
“Mọi người cứ lấy lí do đã đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng nếu dừng lại sẽ mất. Đây là cái cớ để kéo dài DA. Bởi nếu dừng lại sẽ quy trách nhiệm, còn tiếp tục đầu tư theo kiểu còn nước còn tát, có thể kéo dài thời gian và để lâu mọi thứ hóa bùn. Cơ quan chức năng phải giải quyết câu chuyện rõ ràng, phải đánh giá lại hiệu quả DA khi đầu tư tiếp, chứ không tính đến hơn 1.400 tỷ đồng đã bỏ ra”.
Chuyên gia kinh tế Huỳnh Thế Du
Vị chuyên gia kinh tế này cho rằng, cách giải quyết với DA hiện nay là giải quyết “chi phí chìm”. Số tiền đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng đã đầu tư được coi như “chi phí chìm” không tính tới, mà phải tính phương án tiếp tục đầu tư sẽ được lợi bao nhiêu, không tiếp tục đầu tư mất bao nhiêu? Nếu tiếp tục đầu tư được lợi hơn khả năng mất đi thì đầu tư tiếp, nếu đầu tư tiếp mà kết quả xấu thì dừng lại. Đó là nguyên lý chung để xử lý DA rơi vào tình trạng đắp chiếu. Đồng thời, cơ quan chức năng phải quy trách nhiệm về khoản đầu tư 1.400 tỷ đồng đã bỏ ra.
“Mọi người cứ lấy lí do đã đầu tư hơn 1.400 tỷ đồng nếu dừng lại sẽ mất. Đây là cái cớ để kéo dài DA. Bởi nếu dừng lại sẽ quy trách nhiệm, còn tiếp tục đầu tư theo kiểu còn nước còn tát, có thể kéo dài thời gian và để lâu mọi thứ hóa bùn. Cơ quan chức năng phải giải quyết câu chuyện rõ ràng, phải đánh giá lại hiệu quả DA khi đầu tư tiếp, chứ không tính đến hơn 1.400 tỷ đồng đã bỏ ra”, ông Du cho biết.
Theo ông Huỳnh Thế Du, người đầu tư, cụ thể là Vinachem, phải bỏ tư tưởng “đâm lao phải theo lao”, nếu tiếp tục đầu tư, cơ hội thành công không cao, tốt nhất là dừng DA. Bởi DA không hiệu quả mà cứ đầu tư thêm thì tình trạng trục lợi, tham nhũng lại tăng thêm, gây tốn kém, gia tăng thất thoát. Hơn nữa, cơ quan chức năng khó quy trách nhiệm cá nhân gây ra thua lỗ bởi có nhiều quyết định, chủ trương thực hiện chồng nhau.
Vinachem báo cáo gì về kết quả khảo sát dự án muối mỏ?
Theo tìm hiểu của PV Tiền Phong, để hoàn tất việc vẽ ra dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali với tổng vốn đầu tư hơn 10.000 tỷ đồng tại Lào, trong báo cáo gửi các cơ quan chức năng và trong đề án, Vinachem cho hay, kết quả tiến hành thăm dò trên diện tích 10 km2 của khu mỏ muối Kali tại huyện NongBok đã thu được kết quả tốt về trữ lượng muối kali, kali magnesium và natri. Để đánh giá tổng thể khu mỏ và tăng thêm tài nguyên phục vụ cho dự án khai thác lâu dài nguồn nguyên liệu này, về sau Vinachem lập đề án mở rộng thăm dò muối mỏ tại huyện NongBok trên diện tích 196,5 km2. Tập đoàn cũng thuê Liên danh nhà thầu Incodemic – Intergeo – Liên đoàn Vật lý Địa chất tiến hành thực hiện gói thầu về thăm dò muối mỏ tại huyện NongBok. Việc chọn liên danh nhà thầu nói trên cũng xuất phát từ việc Liên đoàn Intergeo đã tiến hành khảo sát địa chất lập bản đồ và phát hiện muối kali trong vùng mỏ Nongbok Khammouan vào những năm 80 của thế kỷ trước.
Kết quả báo cáo sau đó cho thấy, liên danh đã đo đạc địa hình, đo vẽ địa chất, khoan thăm dò, đo địa vật lý và đo địa chấn dọc 3 lỗ khoan. Sau hơn 3 tháng thi công thực địa và hơn 2 tháng xử lý văn phòng gói thầu I.1 của liên danh đã được hoàn thành đúng tiến độ, chất lượng đạt yêu cầu. Bản báo cáo cho hay, công tác đo địa vật lý các lỗ khoan thăm dò được tiến hành từ ngày 4/2/2010 đến 20/5/2010. Kết quả đo địa vật lý dọc lỗ khoan đã xác định được các dị thường tương ứng với các loại đất đá và quặng khác nhau có trong vùng nghiên cứu; xác định được tập quặng muối kali có hàm lượng công nghiệp với chiều dày khoảng 11,0m tại lỗ khoan LKVIII18; 8m tại lỗ khoan LKIX20; 11m tại lỗ khoan LK38.
Từ những kết quả báo cáo thăm dò này cho thấy, việc khai thác dự án là khả thi và có hiệu quả, Vinachem đã tiến hành các bước chuẩn bị dự án sau đó và thực hiện mở thầu các gói thầu khác nhau. Tại các lễ ký mở thầu cũng như ký hợp đồng vay vốn sau đó vào năm 2015, đại diện Vinachem cũng như lãnh đạo Bộ Công Thương thời kỳ đó cho hay, dự án khai thác và chế biến muối mỏ Kali tại tỉnh Khammouan (Lào) là một dự án đặc biệt quan trọng, cung cấp phân bón Kali cho Việt Nam thay thế hàng nhập khẩu.
Theo tính toán, dự án có công suất dự kiến 320.000 tấn/năm và đến năm 2020 dự kiến đạt 1 triệu tấn/năm. Khi hoàn thành, Việt Nam và Lào sẽ giảm đáng kể lượng phân bón kali nhập khẩu, tiết kiệm không nhỏ nguồn ngoại tệ cho hai nước. Dự án này cũng được kỳ vọng sẽ giải quyết tình trạng thiếu muối công nghiệp và muối chất lượng cao ở Việt Nam.