Thời khắc mà những bức tường thành vững chắc trên phố Wall bắt đầu lung lay xảy ra vào khoảng 8h30 sáng thứ Sáu tuần trước (theo giờ Mỹ). Đó là khi Bộ Lao động Mỹ công bố báo cáo cho thấy mức lương trung bình 1 giờ đã tăng 2,9% trong tháng 1 vừa qua, mạnh hơn dự báo.
Trong khi đó là tin rất tốt cho những người lao động Mỹ vốn đã phải chịu đựng cả 1 thập kỷ tiền lương không hề nhúc nhích. Tuy nhiên thị trường tài chính lại không nghĩ như vậy. Thay vì vui mừng, các nhà đầu tư nhận ra mình sắp phải đối mặt với nỗi sợ hãi lớn nhất: áp lực từ tăng trưởng tiền lương đang lớn dần lên, có thể đẩy lạm phát tăng vọt và phủ bóng đen lên nền kinh tế. Điều này cũng đồng nghĩa Cục dự trữ liên bang (Fed) sẽ phải tăng lãi suất nhanh hơn so với dự báo, dập tắt đà tăng được nuôi dưỡng bởi lãi suất thấp đã kéo dài gần 9 năm của thị trường chứng khoán.
Ngay lập tức các thị trường tài chính đã phản ứng với sắc đỏ ngập tràn phố Wall. Kể cả khi lợi suất trái phiếu đã được kiểm soát, thị trường cổ phiếu vẫn phải gánh chịu tổn thất lớn. Tồi tệ hơn, coi tin tốt là tin xấu chính là 1 dấu hiệu rất xấu báo hiệu đà bán tháo sẽ chưa thể dừng lại.
Theo Eric Winograd, chuyên gia kinh tế đang làm việc tại AllianceBernstein, tiền lương đã tăng nhanh hơn rất nhiều so với dự đoán, cộng thêm những báo cáo tài chính chưa được công bố đầy đủ của các doanh nghiệp tạo ra bằng chứng rõ ràng rằng xu hướng tăng lương là bền vững. Thậm chí tiền lương được dự báo sẽ còn tăng nhanh hơn trong trung hạn.
Chuyên gia này cũng dự báo Fed sẽ tăng lãi suất 4 lần trong năm 2018 chứ không phải 3 lần như dự định.
Trong khi đó thị trường vẫn chưa sẵn sàng cho giai đoạn “hậu tăng lãi suất”.
“Chúng ta đang nhanh chóng tiến tới điểm mà tại đó thị trường chứng khoán không còn được hỗ trợ bởi lãi suất thấp nữa. Các đợt tăng lãi suất gần đây cho thấy điều kiện tài chính đang bị thắt chặt, và đó là nguyên nhân cổ phiếu khó có thể giữ vững được mức giá trị như hiện nay”, Winograd nói.
Chỉ trong tuần này, chỉ số Dow Jones đã có tới 2 phiên giảm hơn 1.000 điểm. Sau khi giảm 1.032 điểm khi phiên giao dịch hôm qua kết thúc, chứng khoán Mỹ đã chính thức rơi vào trạng thái điều chỉnh.
Vẫn có những chuyên gia, ví dụ như Joseph LaVorgna của Natixis, phủ nhận quan điểm cho rằng tiền lương tăng không thực sự tạo ra áp lực lạm phát. Tuy nhiên, chí ít thì đến thời điểm hiện tại thị trường vẫn đang tin vào điều đó.