Mặc dù Bitcoin đã chạm đáy 7.000 USD vào thứ hai vừa rồi, nhưng nhiều người vẫn tin tưởng rằng đồng tiền này sẽ đạt mức 50.000 USD/đồng vào năm 2018.
Vào thứ hai vừa rồi, Bitcoin được giao dịch với mức giá dưới 7.000 USD/đồng, giảm 64% so với mức đỉnh; tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư vẫn băn khoăn liệu đây có thực sự là “ngày tàn” của tiền số, hay Bitcoin sẽ hồi sinh trở lại.
Những ngày vừa qua, nhiều người đã chia sẻ những mất mát của mình trên Twitter và Reddit và những cảm nhận khi tận mắt chứng kiến hàng ngàn đô la đầu tư “bốc hơi” chỉ trong vài ngày.
Tuy nhiên, Bitcoin, loại tiền số đã từng tăng giá trị 1.800% trong năm 2017, lại được biết đến với tính chất không ổn định.
Mặc dù nhiều khách hàng cảm thấy lo ngại trước thực trạng tiền số hiện nay, nhưng các chuyên gia về trị trường tiền số lại có nhiều quan điểm dài hạn hơn khi bàn về khả năng hồi sinh của Bitcoin. Holding, hay ‘HODLING” theo ngôn ngữ của những người đam mê tiền số, đòi hỏi sự kiên nhẫn và lòng quyết tâm. Và mặc dù Bitcoin xuất hiện chưa lâu, nhưng nhiều tín đồ của loại tiền số này chỉ ra rằng tới nay Bitcoin chưa bao giờ thất bại trong việc “hồi sinh từ cõi chết”.
Dự đoán 50.000 USD
Anthony Pompliano, cựu quản lý sản phẩm tại Facebook, hiện đang là đối tác quản lý tại Full Tilt Capital, một công ty đầu tư mới thành lập có trụ sở tại North Carolina. Công ty này chuẩn bị dồn toàn bộ khoản vốn 25 triệu USD tiếp theo để thành lập một startup tiền số.
Pompliano cho biết công ty ông tập trung vào đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng và công nghệ tiền số thay vì đầu tư cho các loại tiền số không ổn định. Với ông, sự khủng hoảng của Bitcoin là một phần tất yếu trong chu kỳ thị trường. Ông dự đoán Bitcoin sẽ chạm mức 50.000 USD trong năm 2018.
Pompliano cho biết: “[…] một trong những khía cạnh giá trị của Bitcoin chính là khi xuất hiện một thứ gì đó có thể giết chết nó, nó không chết và nó sẽ quay trở lại và mạnh mẽ hơn. Tôi nghĩ rằng đặc điểm đó của Bitcoin là vô cùng mạnh mẽ nhưng lại không được đánh giá cao.”
Theo Pompliano, một phần nguyên nhân đằng sau sự bất ổn của Bitcoin cũng chính là những lực lượng thị trường theo chu kỳ khiến chỉ số Dow Jones sụt giảm 1.700 điểm chỉ trong hai ngày. Tuy nhiên, Bitcoin được giao dịch trên toàn thế giới và có thể biến động khi một công ty hoặc một quốc gia nào đó quyết định ủng hộ hoặc ban hành lệnh cấm giao dịch Bitcoin. Điều này cho thấy trong thế giới tiền số, các chu kỳ thị trường, gồm cả tích cực và tiêu cực, diễn ra nhanh hơn.
Pompliano cũng cho biết trong lịch sử, người ta đã chứng minh rằng rất khó để các nhà đầu tư bán lẻ riêng lẻ tính toán chu kỳ thị trường. Vì vậy, ông thường nói với những người xung quanh rằng nếu họ muốn mua một loại tài sản, hay mua nó, dự trữ nó và đừng để ý đến nó. Theo ông, “không nên cố gắng giao dịch các loại tài sản bất ổn như tiền số trong ngày.”
Đầu tư cho công nghệ thay vì tiền số
Robin O’Connell, giám đốc doanh thu tại sàn giao dịch Uphoad, ít lạc quan hơn khi nói về giá Bitcoin; nhưng ông cũng cho rằng tiền số sẽ không “chết yểu”.
Theo O’Connell, bất cứ ai nói rằng tiền số hiện đã chạm đáy, thì đó chỉ là dự đoán của họ. Bản thân Uphold tin rằng tiền số sẽ vẫn tồn tại, và tới một ngưỡng nào đó, nó sẽ tự phục hồi.
Các nhà phê bình Bitcoin thường phàn nàn rằng không có thứ gì bảo đảm cho giá trị của Bitcoin. Tuy nhiên, O’Connell không đồng ý với điều này. Ông cho rằng những vấn đề Bitcoin đã khắc phục được, ví dụ như chuyển tiền quốc tế và các hợp đồng thông minh trên cơ sở blockchain, đã chứng minh lợi ích của tiền số và giá trị của chúng.
O’Connell cho biết, với ông, sự thành công của tiền số không phụ thuộc vào số lượng người đặt cược rằng tiền số sẽ tăng giá; thay vào đó, chính những điều trên là các nền tảng cơ bản cho biết tiền số có thành công hay không.
Vào thứ hai vừa rồi, khi các loại tiền số trượt giá mạnh, nhiều tín đồ của Bitcoin đã lên tiếng biện hộ cho loại tiền số này trên Twitter.
Tuy nhiên, có lẽ nhân vật có phản ứng hợp lý nhất trước tình hình này là nhà đầu tư mạo hiểm Fred Wilson. Ông từng viết về đầu tư tiền số trong quá khứ.
Trong một cuộc phỏng vấn với Business Insider, khi được hỏi về nguyên nhân gây ra khủng hoảng tiền số hiện nay, về khả năng phục hồi của tiền số và liệu mọi người có thể rút ra bài học gì sau những tuần tiền số giảm giá vừa qua, Wilson đã trả lời bằng một email đầy châm biếm:
“1/ Tôi không biết gì cả
2/ Tôi không biết gì cả
3/ của thiên trả địa”