Chỉ còn ít ngày nữa là đến Tết Nguyên đán Mậu Tuất 2018, gia đình ông Nguyễn Văn Mạnh ở thôn Vọng Trì (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang) phải huy động toàn bộ nhân lực để chăm sóc cho ruộng hoa cúc nhằm chuẩn bị thu hoạch bán Tết. Ông Mạnh là một trong số hơn 100 hộ dân ở Phú Mậu chịu thiệt hại nặng khi hoa màu vụ Tết bị mưa lũ tàn phá.
Nhiều chủ vườn hoa ở Huế dựng nhà lưới, thắp đèn điện để giữ nhiệt độ giúp hoa nở đúng vụ Tết. |
“Gia đình tôi đã đầu tư công sức để làm đất, mua giống trồng 5 sào hoa cúc và nhiều diện tích hoa đồng tiền, ly ly, vạn thọ nhưng khi vừa trồng được một thời gian thì mưa lũ ập đến khiến hoa đều bị bật gốc, thối rễ. Sau lũ lụt, gia đình tôi buộc phải làm lại đất và trồng lại các loại hoa giống ngắn ngày. Năm nay thời tiết cuối năm có mưa rét nhưng nhờ chăm sóc kỹ nên vườn hoa vạn thọ và hơn 300 chậu cúc của gia đình đã hé nụ, đơm hoa chuẩn bị xuất ra thị trường nên gia đình rất phấn khởi”, ông Mạnh nói.
Cùng với người trồng hoa thôn Vọng Trì, nông dân các thôn Thanh Tiên, Mậu Tài, Tiên Nộn, xã Phú Mậu cũng đã nỗ lực vực dậy những vườn hoa tiêu điều sau mưa lũ.
Đặc biệt trong vụ hoa Tết năm nay, được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương nên HTX trồng hoa Phú Mậu đã đầu tư công nghệ trồng nhiều giống hoa mới như lan mokara (Thái Lan), ly ly (Hà Lan), tuy lip (Đài Loan) mang lại hiệu quả kinh tế cao.
Chúng tôi ghé thăm nhà ông Lê Văn Liêm ở xã Phú Mậu và chứng kiến hàng trăm gốc lan các loại do ông chăm sóc đang bung nở đón Tết. Theo ông Liêm, năm 2015, ông được UBND huyện Phú Vang hỗ trợ trồng thí điểm 500 gốc lan mokara trên diện tích 150m2. Nhờ kinh nghiệm trồng lan và được tập huấn kỹ thuật đầy đủ nên gia đình ông Liêm đã phát huy tốt mô hình trồng hoa ngoại theo công nghệ mới này…
Ông Nguyễn Văn Trai, Phó Chủ tịch UBND xã Phú Mậu, cho hay: “Bước vào vụ hoa Tết năm nay, dù phải hứng chịu các đợt lũ liên tiếp khiến nhiều hộ gia đình ở địa phương thiệt hại hàng chục ngàn gốc hoa, song bà con nông dân đã nỗ lực hồi sinh và chăm sóc vườn hoa truyền thống trên diện tích 10ha để phục vụ thị trường Tết. Hiện phần lớn các vườn hoa của đã bung nở kịp bán Tết, chỉ còn một số vườn người dân đang thắp đèn điện và sử dụng các biện pháp để tăng nhiệt độ, giữ ấm cho hoa khi thời tiết mưa rét nhằm giúp hoa nở đúng vào dịp Tết để kịp tiêu thụ cho khách hàng”.
Theo lãnh đạo Phòng NN&PTNT huyện Phú Vang, vụ hoa Tết 2018 năm nay, toàn huyện trồng gần 20ha các loại, tập trung ở xã Phú Mậu, Phú Dương và Phú Thanh. Trong khi đó, vào những ngày cận Tết, chủ các vườn hoa ở các làng hoa truyền thống, tập trung xứ Huế như Thủy Thanh, Thủy Vân (thị xã Hương Thủy); Quảng Thọ, thị trấn Sịa (huyện Quảng Điền); Hương Hồ (thị xã Hương Trà); Phú Mỹ, Phú Dương (huyện Phú Vang)… cũng đang chạy đua với thời gian để thu hoạch những vườn hoa đã nở cung ứng ra thị trường Tết, đồng thời chăm sóc những vườn hoa chưa kịp hé nụ do ảnh hưởng của thời tiết.
Ông Hồ Vang, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Thừa Thiên- Huế cho biết, trong năm 2017, mưa lũ đã khiến nông dân toàn tỉnh thiệt hại hơn 1.000ha rau màu và hàng chục hécta hoa vụ Tết.
Tuy nhiên, để hồi sinh và vực dậy các làng hoa truyền thống nên từ sau đợt lũ, người dân đã tiến hành trồng mới 130ha hoa, rau màu các loại và gần 100.000 chậu hoa phục vụ Tết.
Đến nay, khi Tết Nguyên đán Mậu Tuất đang cận kề thì những vườn hoa của bà con nông dân đã được phục hồi và kết nụ đơm hoa rực rỡ. Và dự báo người trồng hoa Tết xứ Huế sẽ đón Tết cổ truyền tươi vui hơn nếu hoa năm nay được thu mua với giá cao.