Có lần ngồi nhậu với anh bạn Vũ Nguyên Thành, tôi đã hợm hĩnh hỏi: “Em thấy mình cũng giỏi mà sao không thành công bằng người?”. Tôi nghĩ đây cũng là câu hỏi thường trực của nhiều bạn.
Tưởng ông bạn sẽ an ủi động viên là cứ kiên nhẫn, từ từ rồi đâu sẽ có đó, hoặc cùng lắm là giải thích bằng số mệnh, nào ngờ lại nói thẳng: “Có giỏi gấp mười mà không biết hạn chế các Limiting Factor thì mãi vẫn thế thôi. Mức độ thành công của người lãnh đạo không phụ thuộc vào độ giỏi – giỏi là đương nhiên, là điều kiện cần – mà phụ thuộc vào các yếu tố giới hạn của anh ta”.
Tiến sĩ Vũ Nguyên Thành là chuyên gia về công nghệ sinh học. Theo anh bạn, hình ảnh kỳ lạ nhất của thế giới sinh vật có lẽ là bức ảnh qua kính hiển vi điện tử của một virus đang tung ra chiếc vòi dài với chiều ngang chỉ mảnh cỡ vài phân tử, đầu vòi có móc nhọn, móc qua màng tế bào để xâm nhiễm vào cơ thể một con vi khuẩn, trông hệt như chiến thuyền Viking tung móc câu để đội cướp biển nhảy sang cướp các thương thuyền. Có điều ở đây không hiểu virus đã bắt chước đội Viking hay ngược lại.
Anh Thành giải thích về Limiting Factor của một hệ sinh vật. Để dễ hiểu lấy tạm hình ảnh một cây non đang lớn. Cây chỉ có thể phát triển và trưởng thành tốt nếu có đầy đủ các yếu tố cần thiết, là đất, phân bón, nước… để cung cấp dưỡng chất, là ánh sáng và khí trời để quang hợp. Nếu chỉ một trong các yếu tố đó bị hạn chế ắt cây sẽ không lớn được, còi cọc, thậm chí có thể chết. Ví dụ nếu thiếu nước thì dù có tăng cường các yếu tố khác như cho thật nhiều ánh sáng, hay bón nhiều phân… cây vẫn chỉ lớn được đến một giới hạn được xác lập bởi chính yếu tố thiếu nước.
Tổng quát hơn, năng lực của một hệ thống không bao giờ vượt qua và luôn bị khống chế chính bởi yếu tố giới hạn của hệ thống đó, cho dù các yếu tố khác trong hệ thống không bị giới hạn.
Lấy thêm một ví dụ. Bạn có chai La Vie đựng được 1 lít. Nếu chiếc chai bị một lỗ dò ngang thân (chính là yếu tố giới hạn cho khả năng trữ nước của chai), nước sẽ chảy ra và khả năng chứa nước của chai chỉ còn lại ngang mức xấp xỉ với vị trí lỗ dò trên thân. Chai có thể chứa được không tới nửa lít.
Nói vậy để hiểu rằng mỗi người chúng ta, cho dù năng lực có tốt đến đâu nhưng vẫn sẽ bị những yếu tố giới hạn khống chế, và làm phung phí đi tài năng, như nước bị trào đi vậy. Điều này giải thích tại sao nhiều người hồi đi học rất thông minh, thi cử giỏi giang không kém ai, nhưng ra đời không thành công như bạn bè cùng trang lứa. Giải thích theo Limiting Factor thì có thể anh ta giỏi về năng lực nghề nghiệp, nhưng lại bị những yếu tố giới hạn, như tính cách chẳng hạn, mà các bạn anh ta – những người đang thành công hơn không vướng phải.
Đối với nhân sự, mỗi người đều có thể có hàng tá những tính cách mang tính Limiting Factors giới hạn sự thành công của mình: tính vô trách nhiệm, tính luộm thuộm, vô kỷ luật, thiếu kế hoạch, hay sai hẹn, ngại giao tiếp, thích nhậu nhẹt, hay bông lơn, thiếu hài hước, tính sợ Tây, hấp tấp vội vàng, quá chân thật, ngây thơ, quá ít nói hay kiệm lời, tính nói quá nhiều, thích chém gió, tính suồng sã, tính dặt dẹo, thiếu khả năng diễn đạt, tính lắng nghe kém, tính hiếu thắng, tính sợ đám đông, lười nhác, ngủ muộn, tính hay chỉ trích, trù dập, tính bài bạc, tính tham lam, ganh ghét, tính ngại giao hệ giao tiếp,…
Một bạn lập trình giỏi nhưng luộm thuộm và thiếu kỷ luật rất khó thăng tiến. Một bạn bán hàng đầy kỹ năng nhưng luôn sai hẹn hẳn không thể thành công. Và một người uyên bác, tầm nhìn rộng nhưng thiếu kỹ năng diễn thuyết hoặc lười quan hệ chắc chắn không thể trở thành một lãnh đạo tốt.
Đối với nhân viên, việc phát huy các sở trường của mình sẽ là quan trọng hơn vì yếu tố giới hạn của các nhân viên sẽ được bổ khuyết bởi đồng nghiệp và hạn chế tối đa thông qua kỹ năng làm việc nhóm. Nhưng đối với lãnh đạo, thường là những kẻ cô đơn, việc hạn chế tiến tới loại bỏ các yếu tố giới hạn lại chính là chìa khóa cho các bước thành công tiếp theo.
Đối với một tổ chức, người lãnh đạo chính là yếu tố giới hạn của tổ chức đó. Một công ty sẽ chỉ phát triển được đến ngưỡng bị hạn chế bởi tầm của CEO. Khi đó, công ty chỉ có thể phát triển lên một tầm khác khi thay CEO mới, hoặc CEO cũ phải tự hạn chế hoặc loại bỏ được các yếu tố giới hạn đang cản trở bản thân và qua đó, cản trở cả tổ chức.
Không phải ai cũng có thể nhìn ra yếu tố giới hạn của mình, nhưng dù sao nhìn ra được còn là dễ. Để hạn chế hoặc loại bỏ hẳn nó mới là điều khó khăn, đòi hỏi một nghị lực phi thường mà ít người làm được. Những người đó thường dễ có thành công lớn.
Còn bạn, bạn biết yếu tố giới hạn của mình là gì chưa?
* Bài viết thể hiện quan điểm cá nhân của tác giả