Doanh nghiệp FDI lợi nhuận cao nhưng “nộp thuế” ít nhất

Theo Báo cáo các chỉ tiêu chủ yếu đánh giá mức độ phát triển doanh nghiệp của các thành phố trực thuộc trung ương năm 2017 và giai đoạn 2010 – 2016 do Tổng cục Thống kê công bố sáng 6/2, doanh nghiệp đầu tư trực tiếp nước ngoài (DN FDI) có tốc độ tăng doanh thu nhanh nhất trong các thành phần kinh tế. Doanh thu năm 2016 của DN FDI đạt 4,8 triệu tỷ đồng và mức tăng doanh thu trung bình của giai đoạn 2010-2016 đạt tới 23%.

Dù có số lượng DN, lao động, vốn chiếm tỷ lệ không cao nhưng DN FDI tạo ra lợi nhuận lớn nhất so với các thành phần kinh tế còn lại. Năm 2016, các doanh nghiệp FDI tạo ra 327,4 nghìn tỷ đồng lợi nhuận (chiếm 45,9% lợi nhuận của toàn bộ DN).

“Với lợi nhuận tạo ra lớn nhất nhưng DN FDI lại có tỷ lệ đóng góp vào ngân sách nhà nước (NSNN) thấp nhất trong các thành phần kinh tế, với 250,9 nghìn tỷ đồng năm 2016”, ông Phạm Đình Thuý, Vụ trưởng thống kê Công nghiệp, Tổng cục Thống kê (GSO) cho biết.

Theo ông Thuý, có nhiều nguyên nhân khiến việc đóng góp ngân sách của khu vực FDI ít. Đầu tiên, do chính sách thu hút FDI nên các DN FDI thuộc lĩnh vực sản xuất sản phẩm công nghệ cao như lắp rắp, phân phối sản phẩm viễn thông, linh kiện điện tử được miễn giảm nhiều loại thuế, trong đó có thuế thu nhập DN.

“Nhiều DN như Samsung Bắc Ninh, Samsung Thái Nguyên được miễn giảm thuế thu nhập DN trong nhiều năm liền. Thậm chí, có trường hợp, DN FDI đóng thuế thu nhập DN trong vòng 30 năm chỉ bằng một nửa số thuế thu nhập DN trong nước phải đóng (DN trong nước đóng thuế thu nhập DN tới 22%/năm)”, ông Thuý lấy ví dụ.

Hơn nữa, nhiều DN FDI trong ngành công nghệ cao được miễn thuế nhập khẩu. Ngoài chính sách thuế do nhà nước quy định, để thu hút DN FDI, nhiều địa phương có chính sách miễn giảm thuế. Trước đây, Bộ KH&ĐT quản lý chung về FDI, các địa phương có chính sách ưu đãi chung. Nhưng sau khi phân cấp về địa phương, mỗi nơi có mức thu hút khác nhau. Ngoài các ưu đãi, một số DN FDI còn lách luật, chuyển giá mà cơ quan nhà nước chưa phát hiện ra hoặc chưa có chế tài xử phạt.

“Để giải quyết hạn chế của khu vực FDI, chúng tôi kiến nghị Chính phủ, bộ ngành rà soát chặt chẽ để khống chế việc các địa phương cho ưu đãi vượt mức để thu hút dự án FDI, nhằm tạo công bằng cho các khu vực kinh tế”, ông Thuý nói./.

“Ảo hóa” quy mô vốn doanh nghiệp – kiểm soát thế nào? VOV.VN – Dù số lượng doanh nghiệp tăng kỷ lục trong 2 năm gần đây nhưng thực tế có bao nhiêu DN đang hoạt động và đóng góp hiệu quả vào nền kinh tế?

Nguy cơ DN FDI thâu tóm toàn bộ hệ thống thương mại

Bài viết mới