Bộ tài chính cũng không nắm rõ
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện cả nước có xấp xỉ 40 quỹ/loại quỹ tài chính (Trung ương có trên 20 quỹ; địa phương có khoảng trên 20 quỹ/loại quỹ), chủ yếu do các bộ, ngành quản lý. Mục đích hoạt động của các quỹ khá đa dạng, từ hỗ trợ đầu tư phát triển, hỗ trợ doanh nghiệp, giải quyết việc làm, đến hỗ trợ hoạt động môi trường, trợ giúp pháp lý, xoá đói giảm nghèo… Nhiều quỹ được thành lập trên cơ sở các luật chuyên ngành, như Quỹ Bảo trì đường bộ (Luật Giao thông đường bộ), Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa (Luật Doanh nghiệp), Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ (Luật Khoa học và công nghệ), Quỹ Bảo hiểm xã hội…
Hiện các quỹ được giao cả cho bộ ngành trung ương lẫn địa phương quản lý, như Bộ LĐ-TB&XH quản lý 4 quỹ (Quỹ bảo trợ trẻ em, Quỹ hỗ trợ Việc làm ngoài nước, Quỹ khắc phục hậu quả bom mìn, Quỹ đền ơn đáp nghĩa). Còn tại địa phương, mỗi địa phương lại có số lượng quỹ khác nhau, như Quảng Ninh có tới 21 quỹ, An Giang 20 quỹ, Điện Biên 9 quỹ, Ninh Bình 8 quỹ… Đa số các tỉnh đều có quỹ hỗ trợ nông dân, quỹ hỗ trợ phụ nữ phát triển, quỹ mái ấm công đoàn…
minh họa: khều
UBND tỉnh An Giang đánh giá, dù địa phương có 20 quỹ ngoài ngân sách, nhưng do chưa có quy định cụ thể về tổ chức hoạt động các quỹ, nên có quỹ hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên (quỹ bảo vệ môi trường), có quỹ theo mô hình tổ chức tín dụng, có quỹ lại theo mô hình đơn vị sự nghiệp công (quỹ bảo trợ trẻ em).
“Có quỹ không hoạt động theo quy định của Luật Ngân sách mà theo các quy định riêng, thực tế này dẫn tới khó khăn trong hoạt động, quản lý nhà nước với các quỹ, hạn chế tính đầy đủ, chính xác của việc đánh giá chi tiêu”, tỉnh An Giang đánh giá. Tỉnh này cũng kiến nghị không nên thành lập mới các quỹ không có khả năng tài chính độc lập, đặc biệt hạn chế lập quỹ có nguồn tài trợ từ ngân sách. Trong khi đó, nhiều địa phương trong nhiều năm không dám chi lương, thưởng cho cán bộ quản lý quỹ, do chưa có quy định rõ ràng.
Theo báo cáo giám sát của Ủy ban Tài chính – Ngân sách của Quốc hội, bên cạnh những đóng góp tích cực của các quỹ tài chính ngoài ngân sách, vẫn còn nhiều vấn đề tồn tại phải giải quyết. Trong đó, điển hình là nhiều quỹ được thành lập với mục tiêu ngoài ngân sách, nhưng thực tế lại dựa vào nguồn ngân sách nhà nước cấp hằng năm, khiến nguồn lực ngân sách bị phân tán.
Cùng đó, nhiều quỹ có chức năng hoạt động trùng với chức năng của ngân sách nhà nước. Trong nhiều trường hợp, bộ máy quản lý các quỹ chủ yếu là cán bộ quản lý nhà nước chuyển sang, trong khi đây là các tổ chức tài chính phi ngân hàng, đòi hỏi nghiệp vụ quản lý tài chính rất cao và sâu, nên năng lực quản lý, điều hành quỹ còn hạn chế, kém hiệu quả. Ngoài ra, cơ chế kiểm soát quỹ còn yếu kém, việc kiểm tra, giám sát chưa thường xuyên, hiệu quả, chưa phân rõ trách nhiệm quản lý quỹ.
Việc nhiều bộ, ngành được giao quản lý quỹ ngoài ngân sách (có những bộ có 2-3 quỹ), khiến Bộ Tài chính cũng khó nắm rõ bức tranh tổng thể hoạt động tài chính của các quỹ này. Vì vậy, khi bàn thảo và thông qua Luật Ngân sách nhà nước 2015, Quốc hội đã bổ sung quy định hạn chế lập thêm các quỹ tài chính ngoài ngân sách mới. Tuy nhiên, thực tế, khi Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (2017) được Quốc hội thông qua vẫn có thêm 2 quỹ mới (Quỹ Bảo lãnh tín dụng và Quỹ Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa).
Thích dùng quỹ để ban phát
Theo một cán bộ Bộ Tài chính, do các quỹ tài chính ngoài ngân sách hoạt động theo các quy định chuyên ngành, nên chính bộ này cũng không quản lý trực tiếp phần lớn các quỹ. Chỉ riêng một số quỹ quy mô lớn như Quỹ Bảo hiểm xã hội, Quỹ Bảo trì đường bộ… Bộ Tài chính có đại diện trong hội đồng quản lý quỹ. “Mục tiêu chung là các quỹ tài chính phải tự chủ tài chính, quỹ nào trùng với nhiệm vụ ngân sách nhà nước sẽ dần loại bỏ”, vị cán bộ trên cho hay. Cùng đó, Bộ Tài chính đã có kiến nghị Thủ tướng về việc sáp nhập, hợp nhất các quỹ tài chính có mục tiêu hoạt động tương tự nhau để giảm bộ máy, nâng cao năng lực và hiệu quả hoạt động. Tuy vậy, Bộ Tài chính cũng thừa nhận, việc này không dễ, do nhiều quỹ thành lập theo các luật chuyên ngành, muốn thay đổi phải sửa luật.
Theo vị cán bộ trên, thực tế các bộ ngành đều có xu hướng muốn thành lập các quỹ tài chính do mình quản lý. Điều này được lý giải là tài chính của các quỹ được dùng chi cho các bộ, ngành, địa phương khác, nên qua đó các bộ quản lý quỹ sẽ có quyền ban phát, thay vì xin ngân sách nhà nước.
Mới đây, Văn phòng Chính phủ đã có văn bản truyền đạt ý kiến của Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ yêu cầu: Các bộ, ngành được giao xây dựng các luật quản lý chuyên ngành không được kèm theo quy định về việc thành lập quỹ tài chính ngoài ngân sách. Trường hợp cần thiết thành lập quỹ tài chính mới phải đảm bảo có khả năng tài chính độc lập; nguồn thu, nhiệm vụ chi không trùng với ngân sách nhà nước. Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cũng yêu cầu các bộ, ngành, địa phương tăng cường giám sát, công khai, minh bạch nguồn tài chính của các quỹ, xử lý nghiêm vi phạm.
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện quỹ bảo hiểm xã hội (bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp), quỹ sắp xếp doanh nghiệp Trung ương, quỹ bảo trì đường bộ và các quỹ đầu tư phát triển ở địa phương là các quỹ có vốn, nguồn thu và nhiệm vụ chi lớn nhất, chiếm trên 95% tổng nguồn lực tài chính các quỹ ngoài ngân sách.