Thị trường tiền số lại tiếp tục trải qua một ngày thứ 6 tồi tệ: một loạt đồng tiền lớn giảm giá hơn 10%, bitcoin chọc thủng đáy 9.000 USD.
Một trong những lý do khiến thị trường chao đảo đó là tether (USDT) và những cáo buộc xung quanh đồng tiền này.
Theo Bloomberg, Bitfinex và công ty Tether đã bị Uỷ ban Thương mại Hàng hoá Tương lai Mỹ yêu cầu hầu toà.
Được đánh giá là động lực đẩy giá bitcoin trong thời gian qua, lo lắng USDT sẽ sụp đổ ảnh hưởng mạnh đến thị trường tiền số toàn cầu.
Tether là gì?
Theo tuyên bố từ nhóm sáng lập, USDT được xem là đồng đô la trong thế giới tiền số. Nhà đầu tư có thể mua đồng USDT từ nhiều nguồn sau đó chuyển lên các sàn để tiến hành giao dịch. Và khi cần họ có thể đổi các đồng tiền số khác thành USDT và sau đó đổi ra tièn mặt. Do được neo với USD nên việc đổi từ USDT sang tiền mặt dễ hơn nhiều so với việc đổi từ các đồng tiền số khác. Ý tưởng này khiến nó trở nên bền vững hơn hầu hết các đồng tiền số có biến động mạnh mẽ khác trên thị trường.
Tether được thành lập vào năm 2015. Khi đó mỗi người sẽ trả 1 USD để có 1 USDT. Tuy nhiên, hồ sơ Paradise tiết lộ Tether được thành lập từ năm 2014 và do chính sàn giao dịch Bitfinex thành lập.
Theo Coinmarketcap, thế giới hiện nay có 2,2 tỷ USDT đang được lưu thông.
Ai tạo ra tether?
Tether được phát hành bởi một công ty có tên là Tether Limited, trực thuộc quyền quản lý của pháp luật Quần đảo Virgin Anh và được thành lập tại Hong Kong.
Nhiều tin đồn cho rằng Jan Ludovicus van der Velde – CEO Bitfinex là người thao túng giá bitcoin và tether.
Tại sao phải sử dụng tether?
Nhà đầu tư trên các sàn giao dịch trong đó có Bitfinex sẽ sử dụng USDT để mua vào các đồng tiền số khác, như bitcoin.
Tether Limited lập luận rằng việc sử dụng USDT thay vì USD để mua vào tiền số cho phép người dùng chuyển tiền mặt ra vào sàn giao dịch một cách an toàn, nhanh chóng và rẻ tiền. Ngoài ra, các sàn giao dịch thường có mối quan hệ không mấy thân thiện với ngân hàng, do vậy sử dụng USDT là một cách để hạn chế điều đó.
“Người dùng biết rõ rủi ro khi giữ tiền mặt trên sàn giao dịch sẽ có rủi ro như thế nào. Trong khi số lượng những vụ vỡ nợ ngày càng tăng, để tiền trong ví chung của sàn rất nguy hiểm. Như đã đề cập trước đây, chúng tôi tin rằng việc sử dụng tether làm cho người dùng bớt rủi ro hơn khi dùng tiền mặt trên sàn giao dịch”, công ty này tuyên bố trên website.
Vấn đề của USDT là gì?
Thứ nhất, thị trường xuất hiện nhiều lo lắng về mối quan hệ không rõ ràng giữa tether và sàn giao dịch Bitfinex. Cụ thể trong tháng 11/2017, một tài khoản mạng xã hội có tên Bitfinexed đã cáo buộc Bitfinex đã “in” ra 30 triệu đồng USDT mà không có USD làm tài sản đảm bảo và sử dụng số USDT này để mua bitcoin và một số đồng tiền số khác.
Trong tháng 1, công ty này tiếp tục bơm ra 850 triệu đồng USDT vào thị trường. Nicholas Weaver – chuyên gia nghiên cứu cao cấp tại viện khoa học máy tính quốc tế Berkeley, California nhận định: “Chỉ trong vòng vài tháng, một số lượng lớn đồng tether đã được tạo ra. Nó đã được đưa lên sàn Bitfinex và dùng để mua vào bitcoin cũng như một số đồng tiền khác. Điều này, tôi cho rằng là nguyên nhân đẩy giá lên cao”.
Một chuyên gia phân tích kỹ thuật giấu tên khác cũng rút ra nhận định rằng: “Việc in thêm tether có tác động đáng kể đến thị trường. 48,8% đà tăng giá của bitcoin xảy ra trong khoảng thời gian là 2 giờ sau khi sự ra đời của tether trên Bitfinex”.
Bitcoin vừa thêm một lần thủng đáy 8.000 USD, cơn ác mộng vẫn chưa có hồi kết