Kiểm toán đất đô thị, kiến nghị tăng thu 4.000 tỷ đồng

Theo kết luận Kiểm toán Nhà nước, quá trình kiểm toán việc quản lý đất tại các tỉnh, trong đó có Hà Nội, Đồng Nai, TPHCM, Thanh Hóa…cho thấy, việc phê duyệt quy hoạch, điều chỉnh quy hoạch sử dụng đất của các địa phương chưa sát nhu cầu, tình hình sử dụng đất thực tế.

Cùng với đó, chất lượng lập, thẩm định, phê duyệt quy hoạch chi tiết còn yếu kém. Từ đó dẫn đến quá trình triển khai thực hiện dự án phải điều chỉnh nhiều lần do trùng lắp quy hoạch với các dự án khác hoặc không phù hợp với quy hoạch chung.

Đáng lưu ý, một số dự án phê duyệt, điều chỉnh quy hoạch nhưng không tiếp thu đầy đủ ý kiến các bộ, ngành chức năng dẫn đến một số chỉ tiêu không phù hợp quy định; quy hoạch 1/500 không tuân thủ quy hoạch 1/2000 được duyệt dẫn đến phá vỡ quy hoạch chung.

Việc điều chỉnh quy hoạch của một số dự án tại các thành phố lớn không căn cứ vào định hướng quy hoạch chung, còn bất cập. Đa số theo xu hướng tăng số tầng, vượt quá số tầng và chiều cao tầng theo quy định, tăng diện tích sàn, chia nhỏ diện tích căn hộ hoặc bổ sung chức năng nhà ở vào các lô đất thương mại, văn phòng, giảm diện tích công cộng, cây xanh.

Cũng theo Kiểm toán Nhà nước, một số địa phương không thực hiện lựa chọn chủ đầu tư theo hình thức đấu thầu dự án hoặc đấu giá quyền sử dụng đất mà ban hành văn bản công nhận chủ đầu tư theo hình thức chỉ định thầu.

Điều này vi phạm Luật Đấu thầu và các quy định hiện hành, dẫn đến không xác định được giá thị trường; giá đất xác định theo các phương pháp do địa phương lựa chọn thường thấp hơn giá thị trường, dẫn đến thất thoát ngân sách nhà nước.

Từ thực trạng trên, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 8.300 tỷ đồng, trong đó tăng thu ngân sách nhà nước của các dự án được kiểm toán gần 4.000 tỷ đồng; kiến nghị các địa phương xem xét xử lý hoặc xác định lại tiền sử dụng đất, tiền thuê đất tăng thêm mà Kiểm toán Nhà nước tạm xác định là hơn 4.300 tỷ đồng.

Kiểm toán Nhà nước cũng đề nghị Bộ TN&MT nghiên cứu, hướng dẫn áp dụng một phương pháp xác định giá đất tối ưu nhằm tránh mỗi địa phương, đơn vị áp dụng tùy tiện các phương pháp khác nhau.

Đất đô thị TP.HCM sẽ được quy hoạch mở rộng lên khoảng 270.000 – 290.000 ha

Bài viết mới