Theo ghi nhận của phóng viên Tiền Phong, tại cửa khẩu Tân Thanh tình hình xuất nhập khẩu vẫn bình thường; trong đó có khoảng 250 xe container được thông quan bán hàng sang Trung Quốc mỗi ngày. Tuy vậy, vẫn còn khoảng 400-500 xe tải cỡ lớn chở Dưa hấu, xoài, thanh long, chuối nối dài chực chờ làm thủ tục xuất khẩu. Thượng tá Nông Quang Tám, Đồn trưởng Biên Phòng Tân Thanh cho biết, hai ngày hôm nay, lực lượng chức năng của ta và Trung Quốc thống nhất làm thêm 2 tiếng đồng hồ, kéo dài đến 21 giờ đêm. Tuy vậy, do năng lực tiếp nhận hàng hóa của bạn cũng chỉ có giới hạn từ 250 đến 300 xe/ngày; trong khi đó, doanh nghiệp của ta ồ ạt chở hàng đến thì khó tránh khỏi sự ùn ứ.
Bà Kim Dung, một thương gia người Lạng Sơn chuyên buôn bán hàng hoa quả sang Trung Quốc cho biết: Trung Quốc đất rộng, có mấy vùng khí hậu, cũng trồng đủ các loại cây trái. Thời điểm ở Trung Quốc vào mùa vụ thu hoạch trái cây, thì không sang Việt Nam thu mua nữa. Có những thời điểm Việt Nam bán hoa quả được giá cao là vì không “đụng” với mùa của Trung Quốc.
Bà Kim Dung nhận định, việc xuất khẩu hàng nông sản qua biên giới Việt – Trung đa phần thương lái Việt Nam tự thu gom hàng và trực tiếp chở sang chợ đầu mối Trung Quốc bán. “Số lượng hàng Việt Nam xuất sang hơi nhiều một chút là bị họ ép giá xuống. Dân mình cố giữ giá và đưa giá lên, có nhiều chủ hàng phải đợi cả tuần mới bán được xe hàng. Rồi có lúc buộc phải bán đổ, bán tháo, lỗ cả vốn để đưa xe về cho nhanh”. Bà Dung nói.
Giám đốc Sở Công thương Lạng Sơn Vũ Hồng Thủy giải thích thêm: Do thời tiết rét đậm, nhiệt độ hạ thấp, nên không chỉ ở Lạng Sơn mà cả bên phía Trung Quốc nhiệt độ cũng giảm sâu, có băng tuyết, nên ảnh hưởng đến giao thông vận tải và khả năng tiếp nhận hàng hóa. Vì vậy, để tránh thiệt hại do hàng hóa bị ùn ứ tại cửa khẩu, các doanh nghiệp có nhu cầu xuất khẩu nông sản sang bên giới cần theo dõi chặt chẽ các thông tin, để điều tiết ra cửa khẩu một cách hợp lý.
Theo tìm hiểu của Tiền Phong, phía Trung Quốc đưa ra những chính sách cửa khẩu và thu thuế riêng cho từng vùng lãnh thổ và các doanh nghiệp Việt Nam buộc phải theo sự “phân vùng” của họ. Ví dụ, Tổng cục kiểm nghiệm kiểm dịch Quảng Tây chỉ định đối với mặt hàng dưa hấu, chỉ nhập khẩu qua cửa khẩu Pò Chài và thị trấn Bằng Tường (Trung Quốc) (đối diện với cửa khẩu Tân Thanh), khi xảy ra ách tắc hoa quả, doanh nghiệp Việt Nam không thể xuất hàng bán sang các cửa khẩu khác.
Ngoài ra, Trung Quốc dùng những “chiêu” đánh vào thuế xuất nhập khẩu để buộc doanh nghiệp hai nước Việt- Trung phải tuân theo. Ví dụ, một xe tải đông lạnh trái măng cụt của Việt Nam xuất sang Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), họ đánh thuế 100 triệu đồng. Cũng xe măng cụt này, nếu chuyển sang xuất ở cửa khẩu Cốc Nam (cách Hữu Nghị mấy cây số), Trung Quốc áp thuế chỉ 30 triệu đồng.
Thượng tá Nông Quang Tám, Đồn trưởng đồn Biên phòng Tân Thanh xác nhận điều này và cho biết, các ngành chức năng tỉnh Lạng Sơn đã nhiều lần sang đàm phán, kiến nghị Trung Quốc cho xuất hàng nông sản tại các cửa khẩu khác như: Cốc Nam (huyện Văn Lãng), Hữu Nghị (huyện Cao Lộc), Chi Ma (huyện Lộc Bình). Phía bạn ghi nhận, xem xét nhưng đến nay vẫn chưa có hiệu quả.