Năm 2018, bắt đầu thu hồi đất sân bay Long Thành

Nguồn tin Pháp Luật TP.HCM cho biết ông Đinh Quốc Thái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai, vừa có tờ trình gửi Thủ tướng Chính phủ về đề nghị phê duyệt Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất , bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành .

Tái định cư cho hơn 4.800 hộ dân

Theo tờ trình, bắt đầu từ năm 2018 đến 2020, tỉnh Đồng Nai tiến hành thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ , tái định cư một lần cho toàn bộ dự án. Tổng diện tích đất thu hồi của dự án gần 5.400 ha, trong đó ưu tiên giải phóng mặt bằng diện tích 1.165 ha thuộc giai đoạn 1 của dự án. Tổng số hộ dân bị thu hồi đất toàn dự án là 4.864 hộ với hơn 15.500 nhân khẩu và 26 tổ chức sử dụng đất.

UBND tỉnh Đồng Nai cho biết kết quả số liệu điều tra, khảo sát và lấy ý kiến của người dân bị thu hồi đất của dự án cho thấy 100% hộ đều có nhu cầu nhận đất tái định cư tại khu Lộc An – Bình Sơn và khu Bình Sơn. Tỉnh Đồng Nai khẳng định khu tái định cư đảm bảo cho người dân có điều kiện sống bằng hoặc tốt hơn so với hiện tại. Đồng thời việc quy hoạch xây dựng hai khu tái định cư còn hướng tới xây dựng đô thị mới trên địa bàn tỉnh Đồng Nai, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế-xã hội tỉnh Đồng Nai nói riêng và vùng kinh tế trọng điểm phía Nam nói chung, nhất là sau khi Cảng hàng không quốc tế Long Thành được đưa vào khai thác, hoạt động.

Theo UBND tỉnh Đồng Nai, việc thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư có tổng mức đầu tư gần 23.000 tỉ đồng. Trong đó, xây khu tái định cư hơn 4.000 tỉ đồng, tái lập hạ tầng ngoài ranh giới cảng hàng không gần 480 tỉ đồng, bồi thường hỗ trợ và tái định cư gần 18.000 tỉ đồng, đào tạo nghề giải quyết việc làm là 388 tỉ đồng…

Năm 2018, bắt đầu thu hồi đất sân bay Long Thành - Ảnh 1.

Hội đồng đánh giá xếp hạng của Bộ GTVT xem xét phương án kiến trúc nhà ga hành khách Cảng hàng không quốc tế Long Thành. Ảnh: V.LONG

Cho phép dân canh tác tạm

Việc thu hồi đất của dự án diễn ra trên diện tích lớn và kéo dài nên UBND tỉnh Đồng Nai đề xuất trong thời gian chưa đầu tư xây dựng các hạng mục công trình Cảng hàng không quốc tế Long Thành, tỉnh xây dựng phương án khai thác, sử dụng quỹ đất ngắn hạn đã được thu hồi.

Cảng hàng không quốc tế Long Thành nằm trên địa bàn sáu xã của huyện Long Thành, Đồng Nai, cách TP.HCM 40 km theo hướng Đông Bắc, cách TP Biên Hòa 30 km theo hướng Đông Nam, gần đường cao tốc TP.HCM – Long Thành – Dầu Giây, gần thị trấn Long Thành, cách cửa ngõ vào huyện Nhơn Trạch (khu đô thị phụ cận TP.HCM) 5 km.

Cụ thể, cho phép các hộ gia đình, cá nhân bị thu hồi đất nông nghiệp được phép canh tác, sản xuất trên đất thu hồi cho đến khi chủ đầu tư có yêu cầu sử dụng. Tương tự, các tổ chức kinh tế, các doanh nghiệp, các hợp tác xã thuê đất hằng năm để sử dụng vào các mục đích sản xuất nông nghiệp (trồng cây ngắn ngày, chăn nuôi), làm bãi tập kết hàng hóa và các loại hình kinh doanh ngắn hạn khác cũng được sử dụng tạm đất thu hồi, chỉ được xây dựng tạm lán, trại; không được bồi thường , hỗ trợ khi chủ đầu tư thu hồi để thi công các hạng mục, công trình cảng hàng không.

Đối với diện tích đất vườn cây cao su của Công ty TNHH MTV Tổng Công ty Cao su Đồng Nai đã được bồi thường nhưng chưa giải phóng mặt bằng vẫn tiếp tục được khai thác. Tuy nhiên, phải bàn giao mặt bằng ngay khi chủ đầu tư yêu cầu đất sạch. Trong thời gian tiếp tục được khai thác, đơn vị này phải trả tiền thuê đất hằng năm theo quy định.

Về đào tạo nghề, UBND tỉnh Đồng Nai đã chỉ đạo Sở LĐ-TB&XH làm việc với các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh về định hướng đào tạo nghề cho người lao động trong vùng bị ảnh hưởng. Bên cạnh đó, người lao động sẽ được hỗ trợ một khóa đào tạo nghề nghiệp, đồng thời được ưu tiên giới thiệu việc làm và tổ chức lại cuộc sống, ổn định thu nhập cho lao động thuộc hộ gia đình bị thu hồi đất; hỗ trợ chính sách về giáo dục…

Xử lý nghiêm việc lợi dụng bồi thường để trục lợi

Tháng 11-2017, Quốc hội chính thức thông qua nghị quyết về Báo cáo nghiên cứu khả thi dự án thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư Cảng hàng không quốc tế Long Thành.

Trước khi thông qua, ông Vũ Hồng Thanh, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, đề nghị Chính phủ lưu ý thêm một số vấn đề như lo ngại phát sinh thêm kinh phí thực hiện dự án, đặc biệt đảm bảo tính công bằng về giá bồi thường giữa các hộ gia đình. Trong đó, rà soát để bảo đảm tính chính xác của số liệu liên quan đến công tác bồi thường, hỗ trợ, tái định cư như cơ cấu diện tích đất thu hồi, diện tích thiết kế các lô đất nền tái định cư, suất vốn đầu tư. “Đồng thời quy định rõ suất tái định cư tối thiểu và thiết kế diện tích lô đất tái định cư tối thiểu tại các khu tái định cư nhằm bảo đảm phù hợp với nhu cầu và khả năng chi trả của người có đất bị thu hồi…” – ông Vũ Hồng Thanh nêu rõ.

Về hỗ trợ hộ gia đình bị ảnh hưởng thu nhập, ông Vũ Hồng Thanh cho biết Ủy ban Thường vụ Quốc hội giao Chính phủ rà soát, quy định mức hỗ trợ cụ thể bảo đảm hiệu quả, công bằng, hài hòa với các dự án đã thực hiện trên địa bàn. Ngoài ra, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Chính phủ chỉ đạo các cơ quan hữu quan xử lý nghiêm các hành vi vi phạm, lợi dụng chính sách để trục lợi.

Bài viết mới