Những ngày gần đây, hầu hết các ngân hàng thương mại cổ phần tư nhân trên thị trường tham gia vào cuộc đua khuyến mãi cho người gửi tiền để hút vốn.
Thậm chí từ khi đội tuyển U23 Việt Nam được lọt vào vòng chung kết châu Á, nhiều ngân hàng còn tranh thủ đẩy lãi suất huy động lên cao, với những cuộc đua “lãi suất vô địch”. Điển hình VPBank tự tin rằng họ có lãi suất tiền gửi kỳ hạn 6 tháng “vô địch” khi tăng một mạch từ 7,2%/năm lên 7,7%/năm. Nếu khách hàng đến gửi sớm còn được nhận thêm tiền mặt là 100 nghìn đồng. Các mức lãi suất khác cũng được cộng thêm theo chương trình của ngân hàng, trong đó đảm bảo mức lãi dưới 6 tháng tuân theo trần của NHNN. SeABank, NCB cũng tranh thủ tung ra các chương trình tăng lãi suất hút tiền gửi tương tự trong dịp này.
Trước đó, các ngân hàng đều triển khai gói quà tặng cho người gửi tiền trị giá từ vài tỷ đến hàng chục tỷ đồng nhân dịp Tết đến xuân về. Quà tặng có thể là cộng thêm lãi suất, có thể là bằng quà tặng hiện vật, cũng có thể bốc thăm trúng thưởng…
Trong khi đó ở các ngân hàng thuộc nhóm “big4” lại khá tĩnh lặng với mức lãi suất, mà như lời của một vị khách VIP đến giao dịch ở BIDV chia sẻ, là “thấp đến mức chán không buồn gửi” – thấp hơn các ngân hàng khác trên dưới 1 điểm phần trăm.
Tưởng mức lãi suất 4,3%/năm cho kỳ hạn 1 và 2 tháng, rồi 4,8%/năm cho kỳ hạn 3 tháng là đã quá thấp không thể hạ hơn nữa thì mới đây Vietcombank lại điều chỉnh mức lãi suất tiền gửi 1 tháng và 2 tháng xuống chỉ còn 4,1%/năm, từ mức 4,2%/năm trước đó.
BIDV có một thời gian (hồi tháng 11/2017) nâng lãi suất tiền gửi kỳ hạn ngắn thêm 0,5 – 0,6 điểm phần trăm, tức đang từ 4,3% lên 4,8% cho kỳ hạn 1 tháng, rồi từ 4,8% lên 5,4%/năm cho kỳ hạn 3 tháng – nhưng sau đó một tháng là tháng 12/2017 cũng vội vàng điều chỉnh giảm về mức cũ cho bằng Agribank và VietinBank.
Trong hệ thống hiện nay, Vietcombank là ngân hàng huy động tiền gửi lãi suất thấp nhất, trong khi đó VietinBank, BIDV và Agribank có mức lãi niêm yết khá tương đồng nhau và ở vị trí thấp thứ hai. Nhóm ngân hàng tư nhân niêm yết lãi suất cao hơn từ 1,2 đến 1,4 điểm phần trăm, trong đó lãi suất kỳ hạn dài có ngân hàng đẩy lên trên 8%/năm. Khoảng cách này tính ra mức chênh lệch tương đối cũng tới 20 – 30%.
Lấy một ví du đơn giản, nếu mang cùng một khoản tiền đi gửi ở ngân hàng có lãi suất 5,5%/năm được 1 triệu đồng tiền lãi, thì khi mang tới mấy ngân hàng lớn chỉ được khoảng trên dưới 700 nghìn đồng. Thế nhưng, cũng lại như một nghịch lý, là giao dịch tại các ngân hàng Nhà nước nắm quyền chi phối vẫn vô cùng sôi động. Một thống kê từ báo cáo tài chính năm 2017 cho thấy, tiền gửi của dân cư và tổ chức vào nhóm các ngân hàng này tăng mạnh so với tốc độ tăng trưởng tín dụng. Riêng 4 ngân hàng này cũng đang chiếm hơn nửa tổng số tiền gửi của toàn bộ nền kinh tế.
Chia sẻ với chúng tôi, chủ tịch hội đồng quản trị của một ngân hàng nói rằng, tiền gửi vào các ngân hàng như họ nhiều quá cũng chẳng vui mừng vì các ngân hàng bị hạn chế bởi tỷ lệ dư nợ trên huy động vốn. Huy động vốn nhiều mà không cho vay được thì chỉ làm cho ngân hàng thiệt thêm bởi phải chi trả tiền lãi suất không hề nhỏ. Đó cũng là lý do dù dịp này các ngân hàng đang thi nhau đẩy lãi suất lên cao để hút vốn thì các ngân hàng lớn lại dửng dưng.
Một ý kiến chuyên gia khác thì cho rằng, trong hoạt động ngân hàng hiện nay, yếu tố uy tín giữ vai trò rất lớn, và đó là lý do khiến các ngân hàng lớn, lâu năm có lợi thế hơn trong việc hút tiền gửi dù họ kém cạnh tranh về lãi suất.
Tuy nhiên theo một cán bộ phụ trách bán lẻ công tác tại một ngân hàng nước ngoài, thì khách hàng sẽ ngày càng thông thái hơn, họ sẽ không đặt quá nặng yếu tố uy tín, mà sẽ trọng chất lượng sản phẩm và dịch vụ. Do vậy các ngân hàng cần chú trọng hơn vào yếu tố này để giữ chân khách hàng cũng như hút thêm khách mới.
Trên thực tế, nhiều người bày tỏ rằng họ không thoải mái khi đến một số điểm giao dịch của các ngân hàng có yếu tố Nhà nước vì chất lượng phục vụ còn kém, giao dịch còn rất đông, phải chờ đợi mất thời gian. Còn ở các ngân hàng nhỏ hơn, đặc biệt là nhóm ngân hàng đang nổi lên ở vị trí dẫn đầu nhóm tư nhân, khách hàng cảm giác được mình chính là “thượng đế” hơn hẳn khi được phục vụ nhanh chóng, thái độ của nhân viên niềm nở, chuyên nghiệp.
Cũng theo lời vị cán bộ phụ trách mảng bán lẻ nói trên, vấn đề về thái độ và chất lượng phục vụ có thể không đáng bận tâm với các ngân hàng đang có lợi thế trên thị trường, song nếu cứ để yên như vậy thì sớm muộn cũng sẽ trở thành vấn đề lớn cản đà đi lên của chính họ.