Tuy nhiên, xung quanh những thuận lợi kể trên xuất phát từ giá bán và doanh thu từ alumin tăng đã phần nào bớt đi gánh nặng về năm tài chính của tập đoàn thì việc tiêu thụ than lại gặp cản trở và số dư tồn kho lớn được cho là trên 10 triệu tấn than.
Tiêu thụ vẫn bấp bênh
Trong vài năm trở lại đây, vấn đề tiêu thụ than của Tập đoàn Công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam thường khá chật vật, khiến than tồn kho vào cuối năm tăng mạnh, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, thu nhập của hàng vạn lao động.
Có nhiều nguyên nhân khiến lượng than tồn kho của TKV luôn ở mức cao, là bởi chi phí giá thành sản xuất/tấn than khá lớn; thất thoát và bộ máy quản lý cồng kềnh; tài nguyên xuống sâu và khai thác khó khăn hơn, trong khi nguồn than nhập khẩu phong phú, thuận lợi và có giá thành luôn thấp hơn than trong nước từ 10-15USD/tấn. Một nguyên nhân nữa được TKV chỉ ra rằng: Năm 2017 là năm có lượng mưa bão kỷ lục, khiến EVN tập trung mua điện từ các nhà máy thủy điện; than cung cấp cho các nhà máy nhiệt điện giảm 7 triệu tấn so với đăng ký và 4 triệu tấn so với kế hoạch giao…
Tình hình này khiến nhiều đơn vị sản xuất luôn tồn một lượng lớn than trong nhiều tháng liên tục. Qua khảo sát, chỉ riêng Kho vận Đá Bạc đang còn tồn kho xấp xỉ 5 triệu tấn; Cty than Hòn Gai (trên 450.000 tấn); Cty than Vàng Danh (trên 400.000 tấn)… Theo tìm hiểu của Lao Động, rất nhiều đơn vị sản xuất của TKV có lượng than tồn kho cao vào lúc này. Nhiều đơn vị phải duy trì sản xuất cầm chừng do không bán được than, khiến thu nhập của người lao động (NLĐ) sụt giảm, dẫn đến phải thường xuyên nhận lương, trợ cấp tạm ứng từ tập đoàn (mẹ) để duy trì sản xuất.
Đánh giá về mặt hạn chế, TKV chỉ ra rằng, loại than tồn kho chủ yếu bán cho sản xuất điện; dự báo nhu cầu than còn chưa lường hết diễn biến thị trường khiến công tác chỉ đạo, điều hành bị động; nhận thức sản xuất theo cơ chế thị trường (sản xuất những gì thị trường cần) của một số đơn vị chưa thay đổi, còn nặng về tư duy sản xuất những gì mình có sẵn; lượng than tồn kho lớn, nhưng hàm lượng chủng loại than chất lượng nhỏ…
Trong kế hoạch năm 2018, TKV đặt ra chỉ tiêu kinh doanh khai thác và tiêu thụ 36 triệu tấn than (tính cả 500.000 tấn nhập khẩu). Để đạt được việc đó, ngoài tăng năng suất, giảm chi phí giá thành, nâng cao giá trị hòn than cạnh tranh với than nhập khẩu; tinh giảm lao động (gián tiếp), đẩy mạnh cơ giới hóa, tự động hóa. Và quan trọng là xử lý lượng tồn kho như toan tính xuống còn 8 triệu tấn than (giảm trên 2 triệu tấn so với năm 2017) có thành hiện thực hay không?. Đây là vấn đề khiến ngành than không khỏi trăn trở và bế tắc trong nhiều năm qua.
Không giảm được than tồn kho theo chỉ đạo Thủ tướng
Mặc dù hoàn thành toàn diện các mặt sản xuất kinh doanh, nhưng theo số liệu TKV đưa ra trong năm 2017 đối với sản xuất, kinh doanh than cho thấy, tập đoàn này vẫn đạt tiêu thụ 35,6 triệu tấn, sản xuất than nguyên khai 35 triệu tấn và đạt và vượt kế hoạch (đã điều chỉnh giảm trong năm). Điều nhắc đến quan trọng là TKV còn tồn kho chính thức bao nhiêu triệu tấn than? thì trong báo cáo số liệu lại không hề đưa ra.
Như vậy, nhiều câu hỏi đặt ra là phải chăng TKV đang cố lẩn tránh “con số nhạy cảm” này để rồi thoái thác chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ?. Trong cuộc làm việc với Tổ công tác của Thủ tướng Chính phủ kiểm tra Tập đoàn công nghiệp Than – Khoáng sản Việt Nam vào tháng 6.2017, con số đưa ra tồn kho thời điểm đó còn hơn 9 triệu tấn, khiến người đứng đầu Chính phủ (Thủ tướng) phải bận tâm.
Tại buổi làm việc, một trong 5 nhiệm vụ quan trọng hàng đầu là Thủ tướng yêu cầu TKV quan tâm xử lý giải quyết lượng than còn tồn đọng lớn nêu trên. Đây là bài toán rất khó với lãnh đạo TKV và cũng là trở ngại lớn nhất ảnh hưởng đến sự ổn định, phát triển của ngành than. Bởi cho đến lúc này, nguồn thu lớn nhất của tập đoàn này vẫn dựa vào hòn than là chính.
Trong nhiều cuộc họp tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn về sản xuất than với tỉnh Quảng Ninh và các bộ, ngành gần đây, số liệu báo cáo của TKV về lượng than tồn kho đang còn hiện hữu trên 10 triệu tấn và nếu không có bài toán hóa giải sẽ là một thách thức nghiêm trọng đến hoạt động tài chính của tập đoàn. Như vậy, mọi phương kế của TKV nhằm đưa than tồn kho về mức hợp lý (7-8 triệu tấn của năm 2017) như theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ là khó khả thi.