Thông tin trên được Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng cho biết tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 1/2018 chiều tối ngày 2/2.
Nghị định mới đã giảm tới 90% sản phẩm hàng hoá phải công bố theo hướng phân cấp cho địa phương, doanh nghiệp tự công bố. Bên cạnh đó, Nghị định còn giúp cho các bộ không bị chồng chéo lên nhau trong việc quản lý.
Ông Mai Tiến Dũng cho biết một sản phẩm thay vì bị 3,4 bộ quản lý như trước đây thì nay sẽ không còn nữa. “Một sản phẩm socola không còn phải chịu sự kiểm tra quá nhiều giữa các bộ”, ông nói.
Nghị định 15 cũng cho phép cắt giảm được 2,8 triệu ngày công, ước tính khoảng 2.500 tỷ đồng, theo tính toán của CIEM. Bộ trưởng Dũng cho hay Nghị định sẽ có hiệu lực từ 2/2.
Trước đó, Bộ trưởng Dũng cũng đã nhấn mạnh các lĩnh vực trong nền kinh tế đã có sự chuyển biến tích cực.
Cụ thể, trong những ngày cuối năm 2017, đầu năm 2018, Việt Nam liên tiếp đón nhận nhiều tin vui trên nhiều lĩnh vực từ kết quả phát triển kinh tế-xã hội năm 2017 cho tới kết quả thi đấu của đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam.
“Có thể nói, ngay tháng đầu năm, đội tuyển bóng đá U23 Việt Nam vừa làm nên kỳ tích giành ngôi Á quân Châu Á cho thấy sự tuân thủ trong chỉ đạo, tính kỷ luật cao, niềm tin, ý chí sắt đá và tinh thần đoàn kết đã mang lại thành công của U23 Việt Nam.
Với niềm cảm hứng dâng trào, cùng với sự đoàn kết, sự nỗ lực phi thường, ý chí quyết tâm, với sự sáng tạo và niềm tin của toàn dân tộc ta, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ cũng tin tưởng, không chỉ bóng đá, đất nước Việt Nam sẽ tiếp tục tạo ra nhiều kỳ tích mới trong phát triển kinh tế – xã hội”, ông nói.
Trong tháng 1/2018, chỉ số PMI tăng đến 53,4 điểm, cao nhất ASEAN, cao hơn cả Hàn Quốc, Trung Quốc, điều này thể hiện niềm tin lớn của người tiêu dùng và xã hội. Trong khi bình quân của ASEAN chỉ 50,2 điểm.
Chỉ số sản xuất toàn ngành công nghiệp tăng 20,9% so với cùng kỳ năm 2017 (cùng kỳ 2017 tăng 0,7%, do thời gian nghỉ Tết Nguyên đán năm nay không trùng vào tháng Một như năm 2017 và là thời điểm các doanh nghiệp tập trung sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu tiêu dùng trong dịp Tết). Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo vẫn là điểm sáng của ngành và tăng với mức cao nhất 23,8% (cùng kỳ 2017 tăng 4,7%).
Chỉ số sản xuất công nghiệp của một số địa phương có quy mô công nghiệp lớn cũng bật tăng mạnh: Thành phố Hồ Chí Minh tăng 15% (cùng kỳ tăng 3,8%); Hà Nội tăng 14,7% (cùng kỳ tăng 4,3%); Bắc Ninh tăng 47,2% (cùng kỳ giảm 6,1%); Thái Nguyên tăng 15,8% (cùng kỳ tăng 13,6%); Hải Phòng tăng 31,3% (cùng kỳ tăng 12%); Quảng Ninh tăng 29% (cùng kỳ giảm 3,6%); Quảng Nam tăng 26,3% (cùng kỳ tăng 1,4%);…
Sản xuất nông nghiệp nhìn chung ổn định, diện tích rừng trồng tập trung tăng 3,5% (cùng kỳ giảm 1,3%), sản lượng thủy sản tăng 4,1% (cùng kỳ tăng 0,8%).
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tăng 9,5% so với cùng kỳ năm trước, nếu loại trừ yếu tố giá, thì tăng 8,38% (cùng kỳ tăng 6,7%). Khách quốc tế đạt trên 1,4 triệu lượt (cùng kỳ trên 1 triệu), tăng 42% (cùng kỳ tăng 23,6%).
Tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và doanh nghiệp quay trở lại hoạt động trong tháng lên gần 15,4 nghìn doanh nghiệp (cùng kỳ có 14,6 nghìn DN). Vốn đầu tư thực hiện từ ngân sách Nhà nước tăng 13,9%. Vốn FDI thực hiện đạt trên 1 tỷ USD, tăng 10,5%.
Đặc biệt, kim ngạch hàng hóa xuất khẩu đạt 19 tỷ USD (cùng kỳ đạt 14,6 tỷ USD), tăng mạnh với mức tăng 33,1%, khu vực kinh tế trong nước tăng 31,6% xấp xỉ mức tăng 33,7% của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài.