Ngay từ đầu năm 2018, NHNN đã ban hành văn bản yêu cầu các TCTD thực hiện cung tín dụng đúng chỉ đạo của NHNN, tiếp tục nâng cao chất lượng tín dụng… đồng thời lưu ý các TCTD kiểm soát tốt lĩnh vực cho vay tiêu dùng thông qua việc giám sát chặt chẽ sử dụng vốn.
Tổng giám đốc OCB ông Nguyễn Đình Tùng cho rằng sự “nhắc nhở” của NHNN là cần thiết.
Theo ông, lý do nào NHNN đưa ra lưu ý trên?
Hiện nay, tín dụng tiêu dùng có rất nhiều khái niệm khác nhau nên rất dễ dẫn đến việc sử dụng vốn vay không đúng mục đích. Trước tình hình tăng trưởng khá nóng của thị trường địa ốc, chứng khoán… bản thân chúng tôi cũng rất cảnh giác đối với vấn đề này. Điều mà ngân hàng lo nhất là sau đợt sốt giá thị trường rất dễ rơi vào trạng thái đóng băng, giảm giá mạnh. Song thực tế, chỉ một mình ngân hàng không thể kiểm soát hết được dòng chảy vốn.
Ví dụ như ngân hàng cho vay một khách hàng kinh doanh sắt thép và đã kiểm soát đúng mục đích là họ mua nguyên liệu sắt thép. Nhưng đến công đoạn thứ hai của DN này, sau khi sản xuất thành phẩm sắt thép họ bán cho đại lý phân phối. Đến đây khâu kiểm soát vốn ngân hàng gặp khó. Vì không loại trừ khả năng đại lý này khi chưa đến hạn thanh toán đã mang tiền đi đầu tư chứng khoán, bất động sản…
Nếu thị trường ổn, đến hạn thanh toán thì họ trả đầy đủ vì kiếm lời được. Nhưng nếu thị trường đóng băng, họ không bán được hàng hoặc bán lỗ, không đủ tiền trả nhà cung cấp là khách hàng của ngân hàng. Đến lúc đó, DN vay vốn ngân hàng chắc chắn sẽ gặp khó khăn trong trả nợ. Đó là hiệu ứng dây chuyền. Nên đối với người làm ngân hàng tất cả các loại cơn sốt đều đáng sợ.
Do đó, tôi cho rằng chỉ đạo và lo lắng của NHNN là hoàn toàn chính xác nên các ngân hàng phải rà soát lại hoạt động cho vay tiêu dùng
Như vậy vấn đề là ở khả năng kiểm soát rủi ro khi thị trường có biến động?
Đúng vậy. Bởi thực tế, vay mua nhà là nhu cầu thực của người dân và đa dạng hóa hình thức tiết kiệm của họ. Ví như, người dân có khoản tiết kiệm thay vì gửi ngân hàng họ lại muốn mua ngôi nhà khang trang hơn. Tuy nhiên, do chưa bán được căn nhà đang ở nên họ vay ngân hàng để mua căn mới. Khi nào bán được họ sẽ trả nợ. Hoặc có thể họ không bán nhà đó mà sử dụng tiền tiết kiệm hàng tháng để trả gốc lãi ngân hàng trong 10 – 15 năm tùy khả năng tài chính của khách hàng. Trong giới hạn như vậy, ngân hàng cho vay dựa vào nguồn thu nhập ổn định thì khó có thể đầu cơ. Cho nên cách thức đi làm vay tiền, mua nhà đất rồi dùng thu nhập thường xuyên để trả nợ cho ngân hàng vẫn là hợp lý và tiếp tục được duy trì.
Vậy, theo ông, giải pháp nào hạn chế được việc sử dụng vốn sai mục đích trong cho vay tiêu dùng?
Tôi nghĩ rằng cần phải có đồng bộ chính sách từ nhiều ngành khác nhau chứ không riêng ngân hàng. Ví dụ, nếu như chủ trương hạn chế thanh toán không dùng tiền mặt được toàn xã hội thực hiện nghiêm túc thì việc kiểm soát dòng tiền sẽ hiệu quả hơn rất nhiều. Ngoài ra, quy định sử dụng hóa đơn cũng cần chặt chẽ hơn. Vì cho vay tiêu dùng chủ yếu đáp ứng nhu cầu cá nhân mua sắm các phương tiện vật dụng phục vụ trong đời sống gia đình. Nếu khách hàng mua hàng hóa có hóa đơn đầy đủ, nghiêm túc, ngân hàng căn cứ trên cơ sở đó kiểm tra sẽ đánh giá việc cho vay đã đúng mục đích chưa, nếu phát hiện không đúng, ngân hàng dừng khoản vay và thu nợ trước hạn ngay.
Về phía ngân hàng, đối với sản phẩm cho vay tiêu dùng cũng cần thay đổi cách tiếp cận đa dạng hơn. Tôi cho rằng, hạn chế dùng tiền mặt, hệ thống hóa đơn chứng từ, thu nhập minh bạch… là những vấn đề nền tảng. Nếu nền tảng giải quyết tốt thì các sản phẩm dịch vụ ngân hàng sẽ vận hành tốt.
Xin cảm ơn ông!