Trung Quốc hiện là nước sản xuất nhựa lớn nhất thế giới (xét cả nguyên liệu nhựa và sản phẩm nhựa). Tốc độ luôn giữ được nhịp tăng, bởi nhu cầu tăng cao của những nhà sản xuất ô tô, điện thoại di động và bao bì thực phẩm, những ngành có mức tiêu thụ sản phẩm nhựa cao. Trong khi đó, Trung Quốc tuy là quốc gia sản xuất nguyên liệu lớn nhất thế giới, nhưng chỉ đứng thứ 9 về xuất khẩu loại nguyên liệu này do nhu cầu tiêu thụ trong nước của Trung Quốc là rất lớn.
Mặc dù đứng đầu về sản lượng sản xuất nhưng Trung Quốc cũng đứng đầu về nhập khẩu nguyên liệu nhựa trong những năm qua. Số liệu thống kê từ Untrade cho thấy, mỗi năm Trung Quốc nhập khẩu khoảng 40 triệu tấn nguyên liệu nhựa, chiếm 20% tổng lượng nhập khẩu nguyên liệu toàn cầu, chủ yếu từ những thị trường Hàn Quốc, Đài Loan, Saudi Arabia, Nhật Bản (những khu vực sản xuất nguyên liệu nhựa lớn toàn cầu và Đông Bắc Á). Nguyên liệu nhựa sản xuất trong nước chủ yếu của Trung Quốc là PVC (phục vụ cho công nghiệp xây dựng) trong khi PE, PP, PS chủ yếu phải nhập khẩu.
Đối với Việt Nam, Trung Quốc là thị trường xuất khẩu chủ lực nhóm hàng nguyên liệu nhựa. Theo số liệu thống kê mới đây của TCHQ, năm 2017 Việt Nam đã xuất khẩu 476,5 nghìn tấn nguyên liệu nhựa, trong đó Trung Quốc chiếm 50% tỷ trọng đạt 236,9 nghìn tấn và 179,5 triệu USD, tăng 99,87% về lượng và 76,09% về kim ngạch so với năm 2016. Giá xuất bình quân đạt 757,62 USD/tấn.
Việc không nhập khẩu phế liệu nhựa của Trung Quốc sẽ khiến nước này phải nhập khẩu hạt nhựa nguyên liệu để sản xuất nhựa.
Theo thống kê, mỗi năm Trung Quốc nhập khoảng 7,3 triệu tấn hạt nhựa, trị giá hàng tỷ USD. Điều này mở ra một thị trường rất lớn để xuất khẩu vào Trung Quốc. Đây cũng là thời điểm để các doanh nghiệp nhựa tái sinh Việt Nam mở rộng năng lực sản xuất. Ngoài ra, khi các nước Châu Âu bị chặn nguồn bán phế liệu vào Trung Quốc thì các doanh nghiệp Việt Nam lại càng có thêm cơ hội để hợp tác với những doanh nghiệp từ châu Âu.
Mặc dù đây là một cơ hội lớn, nhưng thách thức cũng không nhỏ bởi nguy cơ dẫn đến cuộc cạnh tranh khốc liệt về giá hạt nhựa giữa các doanh nghiệp trong nước là điều rất dễ xảy ra.
Hiện nay, nhiều doanh nghiệp trong nước cũng đang tập trung thu gom và đầu tư hết nguồn vốn để tăng năng lực sản xuất, điều này cũng có thể dẫn đến phá sản nếu Trung Quốc ngừng mua hàng. Một nguy cơ nữa cũng phải kể đến đó là việc ô nhiễm môi trường nếu mất kiểm soát.
Để tránh quá phụ thuộc vào các thị trường truyền thống, các doanh nghiệp Việt Nam nên tìm đến các thị trường ngách tiềm năng. Trong năm 2017, ngoài những thị trường xuất khẩu chủ lực, Việt Nam tăng xuất khẩu sang các thị trường như: Đài Loan (Trung Quốc), Nhật Bản với lượng xuất tăng mạnh gấp hơn 2,2 lần mỗi thị trường so với 2016, mặc dù chỉ đạt tương ứng 8,9 nghìn tấn và 12 nghìn tấn. Ngoài ra, năm 2017 có thêm thị trường mới đó là Italy và Bồ Đào Nha với lượng xuất đạt 1,3 nghìn tấn và 36 tấn.
Mặc dù xuất khẩu nguyên liệu nhựa, nhưng Việt Nam cũng chưa tự chủ được nguồn nguyên liệu. Năng lực sản xuất ngành nhựa lên tới 10 tỷ USD, nhưng chỉ xuất khẩu được 3 tỷ USD mỗi năm và lại nhập khẩu đến 6-7 tỷ USD, đó là chênh lệch rất lớn. Phế liệu chính là sự sáng tạo cần thiết trong việc tìm kiếm nguyên liệu nhằm giảm thiểu việc nhập khẩu nhựa. Tuy nhiên, cần phải lựa chọn kỹ lưỡng nguồn phế liệu, phải chọn những loại phế liệu sạch và nhanh chóng hoàn thiện các mô hình tái chế phế liệu hiện đại để chủ động trong công tác sản xuất, kinh doanh.
Để làm được điều này, một doanh nghiệp nhựa lớn tại Việt Nam đã kêu gọi các doanh nghiệp nhựa khác tham gia vào sàn giao dịch nhựa, chợ buôn bán nhựa và khu công nghiệp sản xuất nhựa công nghệ cao do doanh nghiệp này tổ chức. Sàn giao dịch sẽ đi vào hoạt động từ tháng 2/2018 sau khi doanh nghiệp này đàm phán với Hiệp hội nhựa Trung Quốc ngày 19/1. Riêng khu công nghiệp sản xuất nhựa công nghệ cao thì đang được xây dựng với quy mô 181 ha ở tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu.
Trước đề xuất này, Chủ tịch Hiệp hội Nhựa Việt Nam rất ủng hộ việc phát triển một cách bền vững và chuyên nghiệp.
Cung cầu nguyên liệu nhựa trên toàn cầu từ 2016-2020 vẫn được ICIS dự báo tích cực. Tỷ lệ tăng tiêu thụ polymer hàng năm đạt 3,5-4,0% tới năm 2030.
Nguyên liệu PVC được dự báo sẽ tăng ổn định trong ngắn hạn, được thúc đẩy từ nhu cầu xây dựng tại những khu vực đang phát triển và sự phục hồi của những thị trường bão hòa, đặc biệt là Mỹ. Sự tăng ổn định của thị trường nhà ở tại những quốc gia đang phát triển cũng giúp duy trì tỷ lệ tăng 3% đối với EPS (nhu cầu sử dụng tấm lợp trần và tấm cách nhiệt).
Nhu cầu tiêu thụ tại châu Á được dự báo vẫn duy trì ở mức tăng mạnh do động lực tăng từ Trung Quốc, Ấn Độ và ASEAN.