Những ngày gần đây, người hùng của đội tuyển U23 Việt Nam – thủ môn Bùi Tiến Dũng – đang ở trong tâm điểm của vụ ồn ào giữa FLC Thanh Hóa, Câu lạc bộ bóng đá chủ quản của Dũng, và Orion Football Total (OFT) trực thuộc công ty truyền thông Orion Media của ông Hiếu Orion – một chuyên gia nổi tiếng trong lĩnh vực truyền thông.
Theo đó, FLC Thanh Hóa cho rằng OFT đơn phương ký kết với Bùi Tiến Dũng hợp đồng để xây dựng thương hiệu cho cầu thủ này là việc ‘lợi dụng hình ảnh của Dũng’, đã vi phạm nghiêm trọng hợp đồng lao động đã có từ trước giữa FLC Thanh Hóa và Tiến Dũng. Trong khi đó, ông Hiếu Orion lại cho rằng câu lạc bộ Thanh Hóa không hề sở hữu hình ảnh của Tiến Dũng.
Bùi Tiến Dũng rất ‘có giá’ sau giải U23 Châu Á
Hơn nữa, vị này còn cho rằng nỗ lực mà OFT đang làm với các cầu thủ Việt Nam như Dũng chính là cách làm chuyên nghiệp của các nền bóng đá quốc tế: Tạo ra các đơn vị đại diện cho cầu thủ – “kẻ đối đầu trực tiếp với các Câu lạc bộ và các công ty quảng cáo để giành quyền lợi về cho cầu thủ” (theo như ông Hiếu viết), qua đó các cầu thủ có thể yên tâm đá bóng mà không phải lo lắng về chuyện tài chính.
Nhìn ra nước ngoài thì quả thực, ‘đại diện cầu thủ’ đã thực sự trở thành một nghề nghiệp không thể thiếu với các cầu thủ bóng đá. Đây là vị trí sẽ giúp cầu thủ giải quyết tất cả vấn đề ngoài chuyên môn của mình như sẽ chuyển nhượng đến đâu, ký hợp đồng quảng cáo với ai, giá bao nhiêu… Mỗi cầu thủ sẽ đều cần đến một người đại diện, và càng chuyên nghiệp, cầu thủ ấy sẽ càng chỉ cần tập trung trả lời duy nhất một câu hỏi ‘làm sao để tôi đá hay hơn?’.
Hãy lấy ví dụ về một huyền thoại đương đại của túc cầu thế giới – Cristiano Ronaldo. Trên chặng đường từ một chàng trai đá bóng ở Lisbon, cho đến lúc sang Manchester rồi chuyển tới Madrid để trở thành một ngôi sao thể thao có giá trị thương hiệu cao hàng đầu thế giới, người ta không thể không kể tới người đã giúp Ronaldo trong những công việc ‘bên lề’.
Đó là người đàn ông thường được gọi dưới cái tên Ricky. Là bạn thân với Ronaldo suốt 13 năm, Ricky chính là người mang về cho Ronaldo rất nhiều hợp đồng quảng cáo lớn. Ricky cũng chính là người quản lý cho Ronaldo, giúp cho siêu sao này luôn có thể tạm quên đi những ồn ào của cuộc sống người nổi tiếng và tập trung vào sự nghiệp bóng đá.
Không chỉ đưa báo giá, người ‘đại diện hình ảnh cho cầu thủ’ sẽ mang đến rất nhiều tiền tài cho cầu thủ ở cuộc sống ngoài sân cỏ!
Ngày 11/7/2016, khi đội tuyển Bồ Đào Nhà vượt qua đội chủ nhà Pháp trong những giờ phút của hiệp phụ và mang về chức vô địch Euro đầu tiên trong lịch sử, người ta đã tôn vinh Ronaldo, nhân tố chính đã tạo nên sự thành công của đội bóng Nam Âu trong cả giải đấu.
Thế nhưng lúc đó, người ta cũng thấy Ronaldo, trong nước mắt, đã chạy đến ôm chầm lấy người đầu tiên là một người đàn ông ngồi gần băng ghế huấn luyện. Đó chính là Ricardo Refuge (Ricky) – Người đàn ông 37 tuổi lúc đó đang đảm nhận chức vụ Giám đốc tiếp thị của hãng đồ thể thao Nike ở Bồ Đào Nha và đồng thời cũng là người quản lý của Ronaldo.
Ronaldo chạy đến ôm lấy Ricky sau chức vô địch Euro 2016
Phải nói rằng, để đạt được thành quả như hiện tại, ngoài tài năng chơi bóng thiên bẩm và nỗ lực phấn đấu không ngừng nghỉ của riêng Ronaldo, anh đã nhận được sự trợ giúp đắc lực của Ricky. Dần dần, vượt ra cả một người đại diện hình ảnh, người quản lý, Ricky trở thành bạn thân nhất của Ronaldo. Anh đã đồng hành cùng CR7 từ lúc mới được biết đến cho tới khi ở đỉnh cao thế giới.
Ricky lúc đầu cũng là một cầu thủ bóng đá của lò đào tạo trẻ Porto nhưng sau đó, đến năm 21 tuổi, anh quyết định giải nghệ sớm để chuyển hướng sang nghề tiếp thị thể thao. Sau đó, Ricky đã quen biết Ronaldo vào năm 2003 với tư cách một chuyên viên PR. Anh nhận thấy tiềm năng của CR7 (khi đó mới là một tài năng trẻ của Sporting Lisbon) và bắt đầu kết thân cũng như đưa tên tuổi của Ronaldo lên một tầm cao mới nhờ những mối quan hệ hợp tác làm ăn của mình.
Nhờ việc được hãng Nike tuyển dụng vào vị trí Giám đốc tiếp thị phụ trách thị trường Bồ Đào Nha, người đàn ông 37 tuổi này đã mang về cho Ronaldo những bản hợp đồng quảng cáo béo bở với hãng đồ thể thao số 1 thế giới với những khoản lợi nhuận kếch xù.
Kiêm luôn chức vụ người quản lý riêng của Ronaldo, Ricky cũng có vai trò quan trọng trong việc đánh bóng tên tuổi của siêu sao người Bồ khi hợp tác với nhiều hãng đồ hiệu “sang chảnh” trên khắp thế giới. Hầu như những hợp đồng quảng cáo của Ronaldo đều được qua tay Ricky. Tất nhiên, người quản lý này phải biết cách sắp xếp bởi với một cầu thủ đỉnh cao như Ronaldo, sự nghiệp quần đùi áo số vẫn là quan trọng nhất.
2 người bạn thân thiết
Chưa hết, trong khi CR7 rất bận rộn với việc luyện tập và thi đấu để duy trì phong độ cao trong thời gian dài thì anh cần một người trợ lý ăn ý, một hậu phương vững chắc để giúp mình lo liệu những vấn đề bên lề chuyên môn, phát triển kinh doanh để nâng tầm thương hiệu của mình.
Và người đó không ai khác cũng chính là Ricky Refuge. Hiện này, Ricky là người đã và đang làm rất tốt việc đưa các thương hiệu trong các lĩnh vực bất động sản, khách sạn, đồ lót hay nước hoa của Ronaldo ngày càng được biết đến nhiều trên thế giới.
“Đó là một công việc khó khăn và nhiều thách thức, nhưng hiện tại Refuge đang làm rất tốt vì sự nhiệt tình khi giúp đỡ người bạn thân nhất của mình và cả một phong cách chuyên nghiệp hàng đầu cả trong và ngoài sân cỏ” – một nguồn tin thân cận với Ronaldo chia sẻ về vai trò của Ricky.
Phải nói rằng, tuy người đàn ông này khá kín tiếng với báo chí nhưng ông chính là người tạo nên sự thành công cho một Ronaldo ngoài sân cỏ – thương hiệu Ronaldo ở những thước phim quảng cáo, những chuỗi cửa hàng thời trang hay nhà hàng. Những đóng góp trong suốt nhiều năm qua của Ricky vào hình ảnh huyền thoại trên mọi mặt lúc này của Ronaldo là không hề nhỏ chút nào.
Đứng đằng sau những thương vụ chuyển nhượng giá trị nhiều chục triệu USD của Ronaldo là ‘siêu cò’ Jorge Mendes, thế nhưng để có một Ronaldo thành công cả trong lẫn ngoài sân cỏ như lúc này thì phần lớn sự đóng góp thuộc về Ricky Refuge. Vì thế, là không ngạc nhiên khi thấy anh này chính được coi là ‘cánh tay đắc lực’ của Ronaldo.
Nhưng đôi khi cũng phá hỏng sự nghiệp của họ: David Beckham và chiếc giày bay…
Kể câu chuyện như trên để thấy rằng đối với một nền bóng đá chuyên nghiệp, một vai trò đại diện hình ảnh, người quản lý đối với cầu thủ là vô cùng quan trọng. Sự chuyên nghiệp của một nền bóng đá sẽ thể hiện ở mọi mặt, tử chuyện trong sân cỏ cho đến ngoài sân cỏ khi các hình ảnh các cầu thủ đến được với người hâm mộ.
Tuy nhiên, điều gì cũng có 2 mặt của nó. Tại các nền bóng đá chuyên nghiệp, người ta cũng đã chứng kiến không ít tình huống các đơn vị đại diện cho cầu thủ vì ham những món lợi ngoài sân cỏ mà khiến cho các cầu thủ không thể tập trung thi đấu, qua đó có thể đánh mất chính mình.
Một ví dụ điển hình là vào năm 2003, ngôi sao bóng đá người Anh David Beckham khi đó đã không chỉ được giới mộ điệu tung hô vì là một người thuộc thế hệ vàng 99 của Manchester United. Anh được truyền thông thế giới biết đến nhiều hơn ở vẻ điển trai hút hồn, ở chuyện tình ái với cô người mẫu Victoria hơn mình 1 tuổi và những shot hình chụp ảnh quảng cáo đầy táo bạo. Người ta cho rằng David Beckham không thể nổi tiếng nhanh như vậy nếu không có sự gật đầu ‘tạm bỏ quên chuyên môn, đi tìm kiếm danh vọng’ của những người quản lý cầu thủ này.
Tuy nhiên, huấn luyện viên Alex Ferguson lại không hề thích điều đó. Những mâu thuẫn giữa thầy trò xảy ra ngày một nhiều và lên đến đỉnh điểm ở cú nèm giày của vị huấn luyện viên vào khóe mắt Beckham trong phòng thay đồ.
Sau đó, David Beckham sau đó được chuyển tới Real Madrid ngay lập tức. Trong suốt thời gian sau này trong sự nghiệp quần đùi sao số, dù giá trị thương hiệu đã tăng lên liên tục, David Beckham gần như không thể giữ được một vị trí quan trọng trong đội hình của các đội bóng mình chuyển tới như hồi còn ở Manchester United. Tuy nhiên, anh cũng chưa bao giờ được coi là huyền thoại của làng túc cầu, mặc dù đã vô cùng nổi tiếng.