Đừng chỉ tung hô các cầu thủ, hãy cảm ơn cả những ông bầu đã dốc hết tâm sức, tiền của vào bóng đá để chúng ta có được thế hệ vàng hôm nay

U23 Việt Nam vừa lập kỳ tích khi giành ngôi vị Á quân tại giải bóng đá U23 Châu Á. Đội tuyển của chúng ta đã chiến đấu ngoan cường và chỉ chịu thất bại trong những giây cuối cùng, trong một ngày thời tiết vô cùng khắc nghiệt.

Người hâm mộ đã tung hô các cầu thủ, đã nói lời cảm ơn, đã đứng dọc 2 bên đường từ Nội Bài về trung tâm thủ đô để chào mừng. Tuy nhiên, sẽ thật thiếu sót nếu chúng ta không gửi lời tri ân tới các ông bầu, những người không có mặt trên chiếc xe bus 2 tầng nhưng đã hiện diện và âm thầm thay đổi bộ mặt nền bóng đá cả chục năm nay.

Bầu Đức – Hoàng Anh Gia Lai

Trong danh sách cầu thủ được triệu tập cho vòng chung kết U23 châu Á vừa qua, Câu lạc bộ Hoàng Anh Gia Lai – trung tâm đào tạo HAGL Arsenal JMG đóng góp tới 6 cái tên, gồm các cầu thủ Nguyễn Công Phượng, Lương Xuân Trường, Vũ Văn Thanh, Nguyễn Văn Toàn, Nguyễn Phong Hồng Duy và Châu Ngọc Quang.

Có thể nói, HAGL Arsenal JMG chính là lá cờ đầu của phong trào đào tạo bóng đá trẻ tại Việt Nam. Năm 2007, ông Đoàn Nguyên Đức đã sang tận London để bắt tay với CLB Arsenal và Nhà quản lý – HLV Arsene Wenger, để mang về Việt Nam quy trình đào tạo trẻ theo chuẩn châu Âu.

Trong suốt 10 năm qua, bầu Đức đã phải tiêu tốn khoảng 4-5 triệu USD mỗi năm cho học viện. Và cho dù hoạt động kinh doanh của Hoàng Anh Gia Lai gặp rất nhiều khó khăn, bị nhiều người nói là chơi “ngông”, làm chuyện vô bổ, bầu Đức vẫn nuôi quyết tâm theo đuổi tới cùng nghiệp bóng. Bầu Đức cho biết, niềm hạnh phục của ông là có những chiều ngồi xem các em đá bóng, gác lại công việc bộn bề sang một bên.

Đừng chỉ tung hô các cầu thủ, hãy cảm ơn cả những ông bầu đã dốc hết tâm sức, tiền của vào bóng đá để chúng ta có được thế hệ vàng hôm nay - Ảnh 1.

“Xem lũ trẻ thi đấu” – niềm vui của bầu Đức

Không chỉ trau dồi kĩ năng bóng đá, “những đứa trẻ của bầu Đức” còn luôn giữ được lối hành xử đẹp cả trên sân cỏ và ngoài đời. Các cầu thủ được dạy tiếng Anh bài bản, có thể giao tiếp với trọng tài quốc tế, trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài mà không cần phiên dịch viên, điều mà không nhiều cầu thủ tại Việt Nam làm được.

Bên cạnh sự kiên trì với đào tạo bóng đá trẻ, chính Bầu Đức còn là người có công lớn đưa huấn luyện viên Park Hang Seo về dẫn dắt đội tuyển Việt Nam, giúp đội tuyển “lột xác”, từ vị trí bị loại ngay từ vòng bảng Sea Games đã tiến thẳng tới trận chung kết U23 Châu Á.

Bầu Hiển – Câu lạc bộ Hà Nội

Ông Đỗ Quang Hiển (Bầu Hiển) là Chủ Tập đoàn T&T và là chủ ngân hàng SHB. Đây là 2 đơn vị đứng sau 2 câu lạc bộ là Hà Nội và SHB Đà Nẵng. Tại vòng chung kết U23 châu Á năm nay, Câu lạc bộ Hà Nội có 6 cái tên góp mặt, tương đương số lượng của HAGL, gồm các cầu thủ Nguyễn Quang Hải, Đoàn Văn Hậu, Nguyễn Thành Chung, Đỗ Duy Mạnh, Phạm Đức Huy và Trương Văn Thái Quý. Ngoài ra, SHB Đà Nẵng có 3 đại diện được lên tuyển là Nguyễn Tiến Dụng, Hà Đức Chinh, Đặng Ngọc Tuấn.

Như vậy, “gà nòi” của bầu Hiển có tới 9 cầu thủ. Các lò đào tạo của Bầu Hiển không nổi tiếng với truyền thông nhưng lại là lực lượng đóng góp lớn nhất cho đội tuyển. Quang Hải, người ghi 5 bàn thắng tại giải đấu vừa qua đã gia nhập “lò” đào tạo trẻ Hà Nội T&T khi mới 9 tuổi vào năm 2006.

Đoàn Văn Hậu, cầu thủ sinh năm 1999 trúng tuyển vào T&T năm 13 tuổi, trước khi dự vòng chung kết U23 Châu Á cũng đã góp mặt tại U20 World Cup và đều có một vị trí vững chắc trong đội hình.

Duy Mạnh, Đức Huy cũng đang thuộc biên chế của Hà Nội T&T và là 2 cầu thủ có đóng góp cực kỳ quan trọng trong hệ thống phòng ngự của HLV Park Hang Seo.

Đừng chỉ tung hô các cầu thủ, hãy cảm ơn cả những ông bầu đã dốc hết tâm sức, tiền của vào bóng đá để chúng ta có được thế hệ vàng hôm nay - Ảnh 2.

Bầu Hiển và Quang Hải.

Những mùa giải vừa qua, các câu lạc bộ của Bầu Hiển vừa duy trì thành tích tốt tại V-League vừa đảm bảo công tác đào tạo trẻ. Những cái tên như Quang Hải, Duy Mạnh, Văn Hậu đều được đôn lên đội một và nhanh chóng trở thành cầu thủ chủ lực cảu câu lạc bộ.

Mặc dù có đóng góp rất lớn với bóng đá nước nhà, nhưng bầu Hiển hiếm khi xuất hiện trước công chúng để nhận công lao về mình

Bầu Quyết – FLC Thanh Hóa

FLC Thanh Hóa đóng góp 2 cái tên trong lần tập trung lần này, trong đó có cái tên nổi bật – Thủ môn Bùi Tiến Dũng. Người ta nói, thủ môn là một nửa của đội bóng và quả thật, U23 Việt Nam chưa chắc đã đi đến trận chung kết nếu người đứng trong khung thành không phải là Bùi Tiến Dũng. Trong cả 2 loạt đá penalty tại vòng tứ kết và bán kết trước Iraq và Qatar, Bùi Tiến Dũng đều có những pha cản phá thành công và nếu tính cả tình huống cản penalty trong trận gặp Hàn Quốc, Bùi Tiến Dũng đã có tới 4 lần thành công.

Đi sau so với Bầu Đức, Bầu Hiển, nhưng ông Trịnh Văn Quyết cũng đang đưa FLC Thanh Hóa đi theo con đường đào tạo trẻ. Những năm gần đây, các lứa U11, U13, U15 và U17 của FLC Thanh Hóa đều giành quyền vào VCK tất cả giải quốc gia – nhiều hơn bất kỳ thời điểm nào của giai đoạn trước khi FLC đầu tư vào bóng đá Thanh Hóa.

Đừng chỉ tung hô các cầu thủ, hãy cảm ơn cả những ông bầu đã dốc hết tâm sức, tiền của vào bóng đá để chúng ta có được thế hệ vàng hôm nay - Ảnh 3.

Ông Trịnh Văn Quyết.

Bầu Vượng – PVF

Tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch Tập đoàn Vingroup là người kín tiếng nhất trong số các ông bầu của bóng đá Việt Nam. Không bao giờ trực tiếp ra mặt, không sở hữu đội bóng nào, nhưng chính Bầu Vượng là người đứng sau trung tâm đào tạo chất lượng nhất hiện nay: Trung tâm đào tạo bóng đá trẻ PVF, với tầm nhìn không chỉ dừng lại ở Sea Games hay Châu Á, mà là giấc mơ World Cup.

Cách làm bóng đá của bầu Vượng cũng khác hoàn toàn so với các ông bầu khác. Với tài sản hàng tỷ đô của mình, bầu Vượng dư sức sở hữu riêng một câu lạc bộ để thi đấu tại V-League, nhưng ông không làm như vậy, mà chọn cách làm bóng đá trẻ.

PVF của bầu Vượng được thành lập từ cuối năm 2008 và bắt đầu tuyển chọn các tài năng trẻ từ năm 2009. Sau một thời gian đóng đô tại TPHCM, PVF đã chuyển về Văn Giang, Hưng Yên với cơ sở vật chất hiện đại. Thậm chí, Vingroup còn mới các huyền thoại bóng đá Paul Scholes, Ryan Giggs về huấn luyện cho đội bóng, bắt tay với nhiều người làm bóng đá chuyên nghiệp tại giải Ngoại Hạng Anh.

Các cầu thủ của PVF sau khi học tập, rèn luyện ở đây sẽ được thi đấu ở các câu lạc bộ của V-League và Giải hạng nhất quốc gia. Tại vòng chung kết U23 Châu Á, Bùi Tiến Dụng, Hà Đức Chinh, Trương Văn Thái Quý đều là những cái tên xuất thân từ PVF.

Đừng chỉ tung hô các cầu thủ, hãy cảm ơn cả những ông bầu đã dốc hết tâm sức, tiền của vào bóng đá để chúng ta có được thế hệ vàng hôm nay - Ảnh 4.

PVF khai trương trung tâm tại Văn Giang, Hưng Yên.

Bầu Đức – ‘Người cha’ vĩ đại nhưng thầm lặng đứng sau chiến thắng của U23 Việt Nam

Bài viết mới