Shark Phú thời chưa có Sunhouse: Chàng trai gốc Nghệ đi buôn từ thời sinh viên, “cãi” bố mẹ bỏ việc nhà nước ổn định, sang “lăn lộn” ở công ty nước ngoài

Con nhà gốc Nghệ hiếu học

Ông Phú chia sẻ, ông sinh ra ở một làng quê cạnh thị xã Hà Đông, thuộc tỉnh Hà Tây cũ. Thủa nhỏ, bố mẹ ông trồng rất nhiều hoa và làm rất nhiều nghề phụ để nuôi được con cái học hành. Như bao gia đình cùng thời kì đó, điều kiện kinh tế nhà ông Phú rất khó khăn. Từ nhỏ ông đã cùng gia đình làm thêm rất nhiều việc từ chăn nuôi, làm đậu phụ, vừa đi học vừa làm thêm để trang trải cuộc sống, học tập.

Trong thời kỳ đất nước manh nha ý tưởng mở cửa, khi thị trường bắt đầu có TV, ông Phú bắt đầu hiểu được thế giới bên ngoài và dấy lên trăn trở “Tại sao chúng ta nghèo đến vây?”. Trong đầu cậu thanh niên trẻ bắt đầu có những ý thức tìm hiểu tại sao mình lại nghèo.

Ông Phú học giỏi các môn tự nhiên, từng có ước mơ thành nhà toán học hay nhà khoa học nổi tiếng. Lên cấp 3, dấu hỏi về cái nghèo đưa ông Phú chuyển hướng muốn thi kinh tế. Sau này ông Phú thi vào trường Kinh tế quốc dân.

Mẹ ông vốn là người Hà Đông, còn bố ông là người Nghệ An. “Trong người xứ Nghệ luôn mang trong mình tư tưởng mong muốn con cái phải được học hành và có ý chí rất mãnh liệt“, ông Phú chia sẻ về bố mình. Theo ông đấy là lý do dù điều kiện hoàn cảnh gia đình rất khó khăn, sinh ra ở nơi không có điều kiện học tập nhiều, nhưng bố mẹ ông rất quan tâm đến chuyện học hành của các con. Bố mẹ ông Phú thậm chí còn thuê gia sư, kèm cặp riêng trong giai đoạn ông Phú chuẩn bị thi vào đại học.

“Đấy cũng là lý do khiến tôi có những bước thay đổi cơ bản, bước ngoặt trong cuộc đời sau này”, ông Phú cảm kích. Ông Phú chia sẻ cả làng ông ngày đó chỉ có mình ông đỗ đại học, cả trường cấp 3 ông học cũng chỉ có vài ba người.

“Đỗ đại học là vinh dự rất lớn. Ôn thi đại học gần như bố mẹ đã dành toàn bộ điều kiện cũng như thời gian để tôi học. Trong lúc mình ngồi học, mình nhìn thấy bố mẹ rất vất vả, ví dụ như mẹ dậy từ 4 giờ sáng để làm nghề phụ. Hay như bố tôi đi làm về vẫn một mình làm vườn, không cho tôi tham gia mà yêu cầu tôi phải học. Chính những điều đó làm tôi trăn trở rất nhiều”. Chàng trai trẻ tập trung vào việc học, thi đỗ với điểm rất cao.

Tuy nhiên sau khi vào đại học, ông Phú cho rằng những điều học được, đọc được không thỏa mãn những trăn trở, câu hỏi của mình thời gian đó.

Sau khi vào đại học 1 năm, ông Phú thay đổi rất nhiều. Bước ngoặt rất lớn là khi mẹ ông không còn làm nghề phụ và mua một gian hàng ở chợ Ngã Tư Sở. Đây là bước đầu tiên ông Phú đi vào con đường khởi nghiệp kinh doanh. Lúc này, có người anh ở nước ngoài gửi một thùng hàng đủ các thứ từ Liên Xô về và ông Phú có nhiệm vụ đi bán thùng hàng này cho mẹ. Từ đó ông Phú biết chỗ mua chỗ bán rồi dần dần mở rộng ra bán hàng cho những người xung quanh có sẵn hàng.

“Đây là kinh nghiệm vô cùng quan trọng và có thể nói đem lại tác dụng lớn lao vô cùng cho tôi trong sự nghiệp sau này. Tôi cảm thấy thực sự may mắn khi tiếp xúc môi trường kinh doanh từ sớm”, ông Phú tự hào về công việc buôn bán đầu tiên của mình. Sau khoảng 2 năm khi Liên Xô sụp đổ, ông Phú tốt nghiệp đại học, các thùng hàng không còn được chuyển về. Đây lại là bước ngoặt tiếp theo.

Shark Phú thời chưa có Sunhouse: Chàng trai gốc Nghệ đi buôn từ thời sinh viên, cãi bố mẹ bỏ việc nhà nước ổn định, sang lăn lộn ở công ty nước ngoài - Ảnh 1.

“Cãi” bố mẹ bỏ việc nhà nước

Sau khi tốt nghiệp, ông Phú được tuyển dụng vào làm cho Tổng công ty xăng dầu. Theo doanh nhân này tổng công ty chọn 5 người tốt nghiệp từ trường Kinh tế quốc dân và không hiểu may mắn vì sao mà mình được chọn.

“Thời đó vào làm công ty đó là ước mơ của nhiều sinh viên. Tuy nhiên khi tôi vào cảm thấy công việc rất nhẹ nhàng, không dùng hết thời gian của mình. Chính vì vậy tôi cũng có cảm giác không thỏa mãn niềm mong mỏi của mình khi đã vào ngành kinh tế”, ông Phú nhớ lại. Sau 9 tháng làm việc, khi đã được ký vào biên chế nhà nước chừng tháng rưỡi thì ông Phú quyết định nghỉ việc.

Quyết định này không được bố mẹ ông Phú đồng ý. Ông Phú quyết tâm ở nhà 3 tháng để học tiếng Anh. Bởi tiếng Nga mà ông học trong nhà trường không được sử dụng khi ra trường, xã hội bắt đầu có xu hướng dùng tiếng Anh. Shark Phú đặt quyết tâm thi vào một công ty nước ngoài để tìm hiểu văn hóa cũng như cách thức làm ăn của họ.

Năm đó có duy nhất 1 doanh nghiệp liên doanh là VMET với 100% vốn Đài Loan chuyên sản xuất xe máy tuyển dụng và ông Phú trúng tuyển sau khi nộp hồ sơ. “Công việc này nâng tôi lên tầm cao mới”, ông Phú kể lại. Ông và đồng nghiệp phải lo đi tìm kiếm nguồn hàng, ký kết hợp đồng, tìm kiếm các hãng vận chuyển, thủ tục xuất nhập khẩu. Điều này giúp ông có các mối quan hệ với chính quyền, hải quan, Bộ công thương.

“Người nước ngoài họ rất khó tính”, ông Phú cho hay. Ví dụ một lô hàng gửi máy bay về thì phải đáp ứng đúng thời gian nếu không sẽ ảnh hưởng tới cả dây chuyển. Trong khi giai đoạn này các thủ tục còn rườm rà do đó đòi hỏi người thực hiện phải có các mối quan hệ cũng như am hiểu thủ tục quy trình hồ sơ làm sao cho đúng nhất.

“Sếp của tôi, tôi thấy cũng như mình. Sau 1-2 năm tôi thấy mình đã có thể bắt kịp. Hồi đó tổng giám đốc Đài Loan có sang thăm và họp với nhân viên VMET họ trả lương cho mình rất thấp, trong khi người Đài Loan được trả rất cao 4.000-5.000 USD trong khi chúng tôi chỉ 150 USD”, ông Phú nhớ lại quãng thời gian làm cho VMET. Ông Phú đã chất vấn và yêu cầu tăng lương nếu không sẽ nghỉ việc. Đồng thời ông cũng muốn tìm công việc trong một công ty toàn cầu thực sự lớn trên toàn cầu. Lúc đó, Ford bắt đầu tuyển dụng và ông Phú quyết định nộp đơn sang.

Ngay từ khâu phỏng vấn đã là thách thức với 3 vòng phỏng vấn. Ông Phú cho biết bản thân ông còn không nghe được họ nói gì, bởi từ người Đài Loan nói tiếng Anh khác hẳn người Mỹ, người Úc nói tiếng Anh. May mắn là ông cũng được chọn.

Cách quản lý của công ty Mỹ theo ông Phú khác hẳn doanh nghiệp châu Á: Quản lý dựa trên các mục tiêu. “Họ giao cho mình những quyền thực sự chủ động trong mục tiêu họ đề ra”, doanh nhân này nhận xét.

Điều này giúp cho ông Phú rất nhiều. Ông được giao xây dựng phòng vật tư cho Ford, cùng với một cố vấn người Úc đã về hưu và ngân sách 1 triệu USD. Tất cả mọi việc đều phải tự làm. “Hàng tuần họ luôn bắt họp và đưa ra những câu hỏi như phòng vật tư cần xe nâng không, cần kho không? Họ cho chúng tôi tham quan 3 nhà máy trên thế giới để học, tham quan để xây dựng cho Ford Việt Nam”, ông Phú nhớ lại.

Trái ngược với cách quản lý của Đài Loan làm theo quy trình, cách quản lý của người Mỹ là họ chỉ đứng sau, điều chỉnh, góp ý. Và theo doanh nhân này thời gian làm ở Ford đã giúp nuôi dưỡng sự tự tin, dám quyết định với ông.

Tuyên bố “chưa tháng nào lỗ”, nhưng Shark Phú từng cắn răng chịu lỗ khi làm sản phẩm đầu tiên: Sản xuất bộ nồi 190 nghìn, bán ra 130 nghìn, năm đầu lỗ hơn 1 tỷ, 4 năm sau mới có lãi!

Bài viết mới