NHNN gần đây đã ban hành Dự thảo Thông tư sửa đổi Thông tư 36 (thông tư này đã được sửa đổi trước đó bởi Thông tư 06/2016).
Tại dự thảo sửa đổi lần này, lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn một lần nữa được điều chỉnh. Theo đó, tỷ lệ này sẽ ở mức 45% vào năm 2018 và xuống mục tiêu 40% vào năm 2019 đối với ngân hàng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài.
Nếu được thông qua, việc giảm tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 60% (năm 2016) xuống 40% sẽ được lùi lại 2 năm so với những ý kiến ban đầu khi thực hiện sửa đổi Thông tư 36.
NHNN cho biết, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, thông tư trên có nội dung điều chỉnh theo hướng giãn lộ trình thực hiện tỷ lệ tối đa nguồn vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung hạn, dài hạn một cách phù hợp. Việc điều chỉnh này cũng nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu của Chính phủ về tăng trưởng kinh tế cũng như việc thực hiện các chương trình, dự án lớn theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ trong từng thời kỳ.
Mặt khác, trên cơ sở đánh giá tác động số liệu giám sát của Ngân hàng Nhà nước và số liệu kinh tế vĩ mô, tình hình kinh tế các tháng đầu năm 2017, cũng như định hướng điều hành chính sách kinh tế vĩ mô của Chính phủ trong những tháng cuối năm, Ngân hàng Nhà nước đã tính toán điều chỉnh tỷ lệ này cho phù hợp với chủ trương của Chính phủ và tình hình thực tế cho vay trung, dài hạn của các tổ chức tín dụng. Theo quy định lộ trình đã ấn định thời gian qua, đến 1/1/2018, các tổ chức tín dụng phải giảm tỷ lệ tối đa sử dụng vốn ngắn hạn để cho vay trung dài hạn xuống còn 40%, sau khi đã thực hiện giảm giới hạn từ 60% xuống 50% từ đầu năm 2017.
Nhưng theo định hướng điều chỉnh trên, việc thực hiện giảm giới hạn sẽ được giãn rải ra trong hai năm nữa: giảm từ 50% xuống 45% từ 1/1/2018, rồi giảm xuống 40% từ 1/1/2019. Với lộ trình dự kiến trên, áp lực sử dụng và cân đối lại cơ cấu vốn của các tổ chức tín dụng được giảm tải.
Tại sao phải giãn lộ trình?
Tại Hội nghị Thủ tướng với Doanh nghiệp 2017 diễn ra hồi cuối tháng 5 vừa qua, Thống đốc Lê Minh Hưng cho biết, hiện vốn trung dài hạn chỉ chiếm 13%-15% tổng huy động trong khi cho vay trung dài hạn lại chiếm tới 53%-55% tổng cho vay.
Theo đánh giá của các chuyên gia tại CTCK HSC, mặc dù sự chênh lệch này đặt ra một rủi ro hệ thống đáng kể cho ngành ngân hàng, NHNN có lẽ đã nhận ra rằng mục tiêu điều chỉnh tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn từ 50% xuống 40% trước cuối năm nay là không thực tế.
Hướng tiếp cận dè dặt này dường như xuất phát từ sự quyết tâm của Chính phủ trong việc sử dụng tăng trưởng tín dụng cao hơn để giúp hoàn thành mục tiêu tăng trưởng GDP năm 2017 là 6,7%, theo đó gần đây Thủ tướng đã chỉ đạo NHNN nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng từ 18% lên 21%.
Trong khi đó, NHNN cũng nhận thấy rằng 5 trong số 10 ngân hàng đã niêm yết vẫn có tỷ lệ này trên 40% vào cuối tháng 6/2017 dẫn đến rủi ro tăng trưởng tín dụng chậm lại vào cuối năm nay, là thời điểm được kỳ vọng tăng trưởng tín dụng sẽ tăng tốc.
Theo HSC, việc nới thời gian áp dụng tỷ lệ trần vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn như đề cập trong Dự thảo thông tư sửa đổi Thông tư 36 sẽ giảm bớt áp lực huy động vốn trung dài hạn và tránh đẩy chi phí huy động tăng cao hơn; và đây là yếu tố quan trọng để các NHTM có thể tăng cường cho vay trong nửa cuối năm 2017 nhằm đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng mới là 21%. Tín dụng hiện tăng 9,3% so với đầu năm, do đó dư địa tăng trưởng còn rất lớn.
Tuy nhiên, HSC cũng cho rằng, tác động tích cực từ động thái này phụ thuộc vào những diễn biến tiếp theo. “Tiếp theo chúng ta sẽ chờ đợi các dấu hiệu của NHNN về việc nâng hạn mức tăng trưởng tín dụng cụ thể cho các ngân hàng, từ mức 16% theo công bố từ đầu năm, do phần lớn các ngân hàng đều đặt kế hoạch tăng trưởng lợi nhuận cho năm 2017 dựa trên hạn mức tăng trưởng 16% tối đa này. Hiện tại, việc nâng mục tiêu tăng trưởng tín dụng lên 20% cho hầu hết các ngân hàng đã niêm yết sẽ tác động đáng kể lên lợi nhuận năm 2017 của các ngân hàng”, HSC nhận định.
CTCK Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, dự thảo sửa đổi Thông tư 36 với việc giãn lộ trình giảm tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn tiếp tục cho thấy định hướng hỗ trợ của NHNN đối với các NHTM trong việc phát triển tín dụng.
Điều này sẽ giúp các nhà băng có thêm thời gian để cơ cấu lại nguồn vốn huy động cũng như nắn dòng vốn đi vào các lĩnh vực sản xuất mang tính trung và dài hạn cũng là mục tiêu mà NHNN hướng đến cho hệ thống ngân hàng.
Nếu dự thảo này được thông qua, các NHTM sẽ có thêm điều kiện để phát triển tín dụng mà chưa phải lo lắng nhiều về khả năng đụng “trần” các tỷ lệ giới hạn như quy định ban đầu của Thông tư 36.
Đồng quan điểm, CTCK VCBS cho rằng quyết định này là bước đi tiếp theo trong chuỗi các chính sách nới lỏng nhất quán của Chính phủ cũng như NHNN nhằm hỗ trợ tăng trưởng kinh tế. Trong bối cảnh tăng trưởng tín dụng liên tục ở mức cao trong vòng 7 tháng đầu năm (đạt 9,3%, tăng cao so với mức 8,54% cùng kỳ năm ngoái) và định hướng sẽ tiếp tục được đẩy mạnh với mục tiêu trên 20% cho cả năm. Tỷ lệ vốn ngắn hạn sử dụng cho vay trung và dài hạn của hệ thống, theo VCBS ước tính, hiện vào khoảng quanh 45%, động thái thái kể trên của NHNN, nếu được chính thức áp dụng, sẽ hỗ trợ giảm đáng kể áp lực huy động với các ngân hàng thương mại.
Thông qua đó, chi phí vốn của các ngân hàng có thể được giữ ổn định hỗ trợ mục tiêu ổn định lãi suất, nhằm thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế. Như vậy, đối với thị trường chứng khoán, đây được xem là tín hiệu tích cực khi sự nhất quán chính sách nới lỏng liên tiếp được cụ thể hóa bằng các quyết định hợp lý, đúng thời điểm của cơ quan quản lý.