Còn 3 tuần nữa sẽ đến Tết Nguyên Đán năm 2018. Thông thường, vào thời điểm gần Tết, nhu cầu tiền lẻ mệnh giá nhỏ từ 20.000 đồng trở xuống của các doanh nghiệp và người dân rất lớn. Và đây cũng là thời điểm Ngân hàng Nhà nước thường bơm số lượng lớn tiền mệnh giá nhỏ vào lưu thông (tiền mệnh giá nhỏ ở đây là tiền đủ tiêu chuẩn lưu thông chứ không phải tiền mới phục vụ nhu cầu lì xì Tết).
Ngân hàng khan hiếm tiền lẻ
Tuy nhiên, vài ngày trở lại đây, theo phản ánh của các ngân hàng, hầu hết các ngân hàng thương mại tại TP. HCM và các tỉnh phía Nam không có đủ lượng tiền mệnh giá nhỏ để phục vụ nhu cầu của nhân dân và doanh nghiệp.
Cán bộ phụ trách ngân quỹ của một ngân hàng chia sẻ, nhiều ngân hàng ở khu vực phía Nam khan hiếm tiền mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống, thậm chí có ngân hàng còn không có đủ tiền mệnh giá 50.000 đồng để nạp ATM chứ đừng nói đến là để đổi cho khách hàng. Các ngân hàng cũng chỉ dám để dành tiền mệnh giá nhỏ để trả lại cho khách hàng chứ không đủ để đáp ứng nhu cầu đổi tiền.
Cũng theo vị cán bộ ngân hàng này, đây là một hiện tượng lạ trong những năm gần đây. Mọi năm NHNN vẫn chủ trương hạn chế tiền mệnh giá nhỏ nhưng không đến mức khan hiếm như vậy.
Thời điểm cuối năm thường nhu cầu tiền mệnh giá nhỏ của doanh nghiệp, tiểu thương và nhân dân rất lớn. Mục đích sử dụng tiền mệnh giá nhỏ để chi lương (đối với các doanh nghiệp, cơ sở nhỏ chưa chi lương qua ngân hàng), để thối tiền cho khách hàng khi kinh doanh, mua bán hàng hóa phục vụ Tết,…
Việc các ngân hàng khan hiếm tiền mệnh giá nhỏ chắc chắn sẽ ảnh hưởng ít nhiều đến thị trường, doanh nghiệp và hoạt động mua bán của khách hàng và nhân dân. Vì tiền mệnh giá nhỏ có vai trò rất quan trọng trong dòng chu chuyển tiền tệ, nhất là trong thời điểm cận Tết nhu cầu thối tiền mệnh giá nhỏ là rất lớn.
Theo giải thích của một cán bộ cấp cao ngân hàng, sở dĩ có hiện tượng khan hiếm này một phần vì tiền mệnh giá nhỏ (mệnh giá từ 20.000 đồng trở xuống) qua thời gian lưu thông đã phát sinh rất nhiều tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông như bị rách, phai màu,…nhất là đối với tiền polymer mệnh giá 20.000 đồng và 10.000 đồng. Do đó, tiền mệnh giá nhỏ từ dân cư nộp trở lại các ngân hàng thương mai, các ngân hàng thương mại nộp về Ngân hàng Nhà nước thường là tiền không đủ tiêu chuẩn lưu thông nên không thể cung ứng trở lại thị trường. Trong khi đó, lượng tiền mới mệnh giá nhỏ lại khan hiếm theo chủ trương tiết giảm chi phí in tiền mới mệnh giá nhỏ của Chính phủ trong những năm gần đây.
Với hiện tượng khan hiếm cục bộ, nên tâm lý các ngân hàng và khách hàng đều muốn tranh thủ giữ lại tiền mệnh giá nhỏ để đáp ứng nhu cầu sử dụng của mình, nhưng thực tế lại không sử dụng hết. Khi dòng chu chuyển bị tắc nghẽn, tất yếu sẽ dẫn đến tiền mệnh giá nhỏ trong lưu thông càng khan hiếm khi mà những năm qua Ngân hàng Nhà nước lại hạn chế việc in ấn tiền mệnh giá nhỏ.
Ngoài chợ đen vẫn ầm ầm đổi tiền
Trong khi ngân hàng kêu khan hiếm tiền lẻ thì ngoài thị trường chợ đen vẫn mọc lên các điểm đổi tiền lẻ với chi phí đắt đỏ.
Trên mạng xã hội, việc đổi tiền được rao công khai với chi phí ăn chênh lệch từ 5 – 20% tùy thuộc mệnh giá tiền, thậm chí 50% – 70% nếu tiền mệnh giá 1.000 đồng hay 500 đồng. Liên hệ với một điểm đổi tiền lẻ trên Facebook, chủ hàng cho biết cần bao nhiêu cũng có, miễn là đặt trước và giữ uy tín.
Trong khi đó ở bên ngoài, nhất là gần các địa điểm đền, chùa, việc đổi tiền diễn ra đã bớt công khai so với mọi năm, nhưng vẫn không khó để đổi được tiền. Thay vì công khai mức chênh lệch như mọi năm, thì nhiều địa điểm đổi tiền ngang mệnh giá cho người đổi nhưng kèm theo đó là yêu cầu mua đồ lễ hoặc hoa quả với giá cao hơn thông thường. Như vậy phí đổi tiền sẽ “ăn” vào giá các hàng hóa mà người đổi tiền bán kèm.
Còn tại các phố nổi tiếng với việc giao dịch đổi tiền ở Hà Nội như Nguyễn Xí, Đinh Lễ, người dân có nhu cầu cũng chẳng có khó khăn gì khi đổi tiền. Chị Hạnh, một “đầu mối” lâu năm về đổi tiền ở khu vực này cho biết, việc đổi tiền lẻ năm nay khó hơn nhưng vẫn có thể sắp xếp. Nếu “mối quen” thì chỉ cần hẹn trước 1-2 ngày thì cần bao nhiêu cũng có thể sắp xếp được.
Cần khai thông dòng chảy của tiền mệnh giá nhỏ
Trở lại với dòng chảy tiền mệnh giá nhỏ ở ngân hàng, cán bộ quản lý ngân quỹ của một ngân hàng nhận xét, mặc dù hiện nay Ngân hàng Nhà nước đã bơm một số lượng tiền mới in ra thị trường để phục vụ nhu cầu đổi tiền mới của nhân dân. Tuy nhiên, tiền mới in mệnh giá nhỏ chỉ phục vụ cho nhu cầu đổi tiền lì xì chứ không giải quyết được bài toán về nhu cầu sử dụng tiền lẻ để trả lại trong giao thương, càng làm cho tình trạng tiền lẻ trở nên khan hiếm hơn.
Vị này đề xuất, việc cung ứng thiếu tiền mệnh giá nhỏ cho thị trường sẽ ảnh hưởng nhất định đến hoạt động mua bán và giao dịch của nhân dân. Do đó, Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng thương mại cần sớm điều tiết và xử lý tình trạng này để đáp ứng nhu cầu của nhân dân trong dịp Tết như bơm lại lượng tiền mệnh giá nhỏ đã qua lưu thông vào những nơi đang khan hiếm lớn như ở khu vực phía Nam để tránh tâm lý người dân thấy khan hiếm lại tiếp tục tích trữ trong khi không có nhu cầu sử dụng hết tiền mệnh giá nhỏ mà mình đang có.
Còn các doanh nghiệp, hộ kinh doanh, tiểu thương – những người bán lẻ trực tiếp cho khách hàng cần sớm đưa lượng tiền mệnh giá nhỏ vượt quá nhu cầu sử dụng của mình vào tài khoản mở tại các ngân hàng thương mại. Doanh nghiệp và người dân cần tránh tâm lý sợ không đủ tiền mệnh giá nhỏ mà tiếp tục nắm giữ số lượng lớn tiền mệnh giá nhỏ.
Còn các cơ quan chức năng cần xử lý nghiêm khắc hơn nữa các hàng vi mua bán tiền mệnh giá nhỏ để trục lợi. Có như thế mới giải quyết được tình trạng khan hiếm tiền mệnh giá nhỏ như hiện nay.