Báo cáo của UBND thành phố Hà Nội, trong đợt rà soát hơn 132.000 ha đất nông nghiệp ở các quận, huyện, thị xã trên địa bàn thành phố, đã phát hiện 744 ha đất nông nghiệp có vi phạm xây dựng. Rà soát gần 30.000 ha đất công, phát hiện có 665 ha đất sử dụng vi phạm.
Đến hết năm 2017, toàn thành phố mới xử lý, khắc phục vi phạm được 279 ha đất nông nghiệp (đạt 37,5%) xử lý, khắc phục 163 ha đất công, đất chưa sử dụng bị lấn chiếm (đạt 24,6%). Gần 1.000 ha đất nông nghiệp và đất công xảy ra vi phạm xây dựng vẫn chưa bị xử lý.
Xây dựng trên đất nông nghiệp ở xã Đông La, huyện Hoài Đức (Hà Nội).
Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội phối hợp với UBND các quận, huyện, thị xã và các sở, ngành liên quan để đánh giá, phân loại vi phạm để đề xuất, báo cáo UBND thành phố các biện pháp xử lý. UBND thành phố Hà Nội giao UBND cấp huyện tổ chức thanh tra, kiểm tra, xác định hành vi vi phạm và áp dụng các biện pháp buộc khôi phục lại hiện trạng ban đầu…
Đối với các trường hợp sử dụng đất nông nghiệp nhỏ lẻ, xen kẹt, nhưng chủ sử dụng đã tự chuyển đổi mục đích sử dụng làm nhà ở, nay phù hợp với quy hoạch và không có tranh chấp (đủ điều kiện cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất). Chính quyền địa phương sẽ tạo điều kiện hướng dẫn các hộ gia đình, cá nhân lập hồ sơ, kê khai đăng ký làm thủ tục xin chuyển mục đích sử dụng đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính theo quy định.
Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, trong năm 2017, đã phát hiện và tiến hành kiểm tra 17.442 công trình xây dựng, phát hiện 1.916 công trình vi phạm. Trong đó, có 765 công trình không phép, 334 công trình sai phép, sai quy hoạch, sai thiết kế; 748 công trình xây dựng trên đất lấn chiếm, đất nông nghiệp, lâm nghiệp… Một số quận ven đô và huyện ngoại thành vẫn còn nhiều trường hợp xây dựng trên đất nông nghiệp, đất công như: Đông Anh, Hoài Đức, Hoàng Mai, Mê Linh, Mỹ Đức, Nam Từ Liêm, Sóc Sơn, Thanh Trì…/.
Sở Xây dựng Hà Nội kêu khó giải quyết triệt để vi phạm xây dựng VOV.VN – Đó là 2 nhóm vấn đề về quản lý đô thị (quản lý đất đai, trật tự xây dựng, xử lý nhà siêu mỏng siêu méo) và kinh tế.