Mưa nhiều, các doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017


Năm 2017 được hầu hết các doanh nghiệp thủy điện cho là mưa nhiều, thuận lợi cho công tác tích nước và phát điện. Do vậy phần lớn các doanh nghiệp ngành đã công bố kết quả kinh doanh quý 4 và cả năm 2017 đều có kết quả khả quan, lãi tăng mạnh so với năm trước đó và vượt xa kế hoạch đặt ra.

Thủy điện Bắc Hà (BHA) chính thức phát điện từ năm 2012 nhưng đến tháng 7/2016 mới tham gia thị trường phát điện cạnh tranh và đến tháng 11/2016 mới hoàn thành quyết toán dự án Thủy điện Bắc Hà. Do vậy, điểm bất lợi nhất của Thủy điện Bắc Hà là khoản tiền vay nợ của công ty hiện rất cao dẫn đến chi phí lãi vay lớn.

Kết quả kinh doanh cả năm 2017 Thủy điện Bắc Hà đạt hơn 360 tỷ đồng doanh thu, tăng 22% so cùng kỳ. Lợi nhuận sau thuế đạt 65,6 tỷ đồng, gấp 6 lần lợi nhuận đạt được năm trước đó và vượt 37% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Con số lợi nhuận này đã giúp Thủy điện Bắc Hà giảm bớt lỗ lũy kế xuống còn hơn 30 tỷ đồng đến cuối năm 2017.

Mưa nhiều, các doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 1.

Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi (DNH) vừa đưa cổ phiếu lên giao dịch trên UpCOM từ tháng 6/2017. Kết quả kinh doanh, năm 2017 công ty đạt 1.664 tỷ đồng doanh thu, tăng 19% so với năm 2016, còn lợi nhuận sau thuế đạt 657,5 tỷ đồng, tăng đến 35% so với năm 2016. Trong đó riêng các công ty liên doanh liên kết ghi nhận lỗ gần 13 tỷ đồng về cho công ty.

Nguyên nhân chính khiến lợi nhuận năm 2017 tăng mạnh là lượng điện bán ra lớn, doanh thu tăng, giá vốn giảm nhẹ do giá điện tăng. Bên cạnh đó công ty cũng tiết giảm được nhiều chi phí liên quan.

Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi có vốn điều lệ 4.224 tỷ đồng tương ứng 422,4 triệu cổ phiếu đăng ký – là một trong những doanh nghiệp thủy điện lớn của Việt Nam. Tiền thân là Nhà máy Thủy điện Đa Nhim, được đưa vào vận hành từ năm 1964 – là một trong những công trình thủy điện đầu tiên được xây dựng ở nước ta – nhà máy khai thác nguồn thủy năng là hệ thống sông Đồng Nai.

Đến năm 2001 EVN thực hiện sáp nhập cụm nhà máy thủy điện Hàm Thuận và Đa Mi trở thành Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi và bắt đầu hạch toán độc lập từ năm 2005. Hiện công ty quản lý vận hành 4 nhà máy phát điện gồm 13 tổ máy với tổng công suất 642,5 MW, lượng điện bình quân hàng năm 2,6 tỷ KWh.

Mưa nhiều, các doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 2.

Diễn biến giá cổ phiếu DNH từ khi lên sàn.


Ngay khi lên sàn cổ phiếu DNH đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư. Dù lượng cổ phiếu khớp lênh trong mỗi phiên không nhiều, nhưng DNH cũng có 4 phiên tăng trần liên tiếp, đẩy giá lên mức 43.500 đồng/cổ phiếu. Sau đó lại là chuỗi giảm giá và hiện cổ phiếu DNH đang giao dịch ở mức 23.400 đồng/cổ phiếu.

Dù kết quả kinh doanh quý 4/2017 giảm sút cả về doanh thu và lợi nhuận sao với cùng kỳ, tuy nhiên tính chung cả năm 2017 Thủy điện Miền Trung (CHP) đạt trên 410 tỷ đồng lợi nhuận sau thuế, tăng trưởng 59% so với năm 2016 và vượt 85% chỉ tiêu lợi nhuận được giao. Tổng sản lượng điện sản xuất đạt gần 877,5 triệu kWh, vượt 35% kế hoạch.

Với kết quả khả quan đạt được, Thủy điện Miền Trung cũng vừa quyết định thông qua phương án chi tạm ứng 10% cổ tức bằng tiền ngay trong quý 1/2018 này.

Thủy điện Miền Nam (SHP) cũng cho biết năm 2017 lượng mưa tăng mạnh, điều kiện thời tiết khu vực Trung Trung bộ và Nam bộ thuận lợi khiến sản lượng điện sản xuất tăng. Doanh thu cả nam đạt 617 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ năm trước. Lợi nhuận sau thuế đạt 185 tỷ đồng, tăng đến 89% so với năm 2016 và vượt 23% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm.

Giá cổ phiếu SHP cũng tăng từ vùng giá 18.630 đồng/cổ phiếu hồi đầu năm 2017 lên mức giá 24.000 đồng/cổ phiếu như hiện nay, tương ứng mức tăng 29%.

Mưa nhiều, các doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 3.

Diễn biến giá cổ phiếu SHP trong 1 năm gần đây.

Tính chung cả năm 2017 Thủy điện Cần Đơn (SJD) đạt 495 tỷ đồng doanh thu, tăng trưởng 32% so với cùng kỳ còn lợi nhuận sau thuế đạt gần 193 tỷ đồng, tăng 35% so với lợi nhuận đạt được năm 2016 và vượt 25% kế hoạch năm.

Giải trình về nguyên nhân lợi nhuận năm 2017 tăng vọt so với cùng kỳ, hầu hết các doanh nghiệp thủy điện đều cho rằng do năm 2017 mưa nhiều, thuận lợi cho công tác tích nước phát điện. Bên cạnh đó, các công ty cũng tiết giảm chi phí, giá vốn giảm, giá điện tăng…

Cùng với kết quả kinh doanh khả quan, giá cổ phiếu SJD cũng tăng gần 50% kể từ đầu năm 2017 đến nay, từ mức giá 15.500 đồng/cổ phiếu lên mức 23.200 đồng/cổ phiếu như hiện nay.

Mưa nhiều, các doanh nghiệp thủy điện đồng loạt báo lãi vượt xa kế hoạch năm 2017 - Ảnh 4.

Giá cổ phiếu SJD trong 1 năm trở lại đây.

Theo báo cáo kết quả kinh doanh năm 2017, doanh thu hợp nhất Thủy điện Nậm Mu (HJS) đạt 166,7 tỷ đồng, tăng 4% so với năm 2016, tuy thế nhờ doanh thu tài chính tăng mạnh, đồng thời công ty cũng tiết giảm được nhiều chi phí nên lợi nhuận sau thuế đạt gần 39,3 tỷ đồng, tăng trưởng 73% so với năm 2016 và vượt 12% so với chỉ tiêu lợi nhuận cả năm mà ĐHCĐ giao phó.

Bên cạnh đó Thủy điện Nậm Mu cũng đã sớm xây dựng kế hoạch kinh doanh năm 2018 với mục tiêu đạt 152,3 tỷ đồng doanh thu, lợi nhuận sau thuế ước đạt 35 tỷ đồng.

Thủy điện Gia Lai (GHC) lãi sau thuế năm 2017 gần 115 tỷ đồng, tăng 66% so với năm 2016 và vượt 45% chỉ tiêu lợi nhuận đặt ra cho cả năm. CTCP Thủy điện Điện lực 3 (DRL) lãi sau thuế năm 2017 lên đến 63,8 tỷ đồng, tăng 86% so với năm 2016 và vượt 57% chỉ tiêu lợi nhuận cả năm. Đây cũng là số lãi kỷ lục công ty từng đạt được từ trước đến nay.

Nếu so với lợi nhuận đạt được trong năm 2016, thì hầu hết các doanh nghiệp thủy điện đều tăng trưởng mạnh trong năm 2017, đặc biệt là Thủy điện Bắc Hà, Thủy điện Miền Trung, Thủy điện Miền Nam hay Thủy điện Đa Nhim – Hàm Thuận – Đa Mi.

Năm 2017 lợi nhuận của nhiều doanh nghiệp thủy điện cũng đạt mức cao kỷ lục từ trước đến nay như Thủy điện Miền Trung, Thủy điện Bắc Hà… Cũng đã nhiều doanh nghiệp đã sớm lên kế hoạch hoạt động sản xuất kinh doanh cho năm 2018.

Lượng mưa tăng mạnh, thủy điện miền Nam (SHP) báo lãi tăng 89 trong năm 2017

Bài viết mới