Vé xe Tết tại các bến xe trên địa bàn TP HCM không thiếu nhưng những hãng xe có chất lượng cao lại không nhiều. Thực trạng trên dẫn đến hàng loạt hãng xe bên ngoài kinh doanh dưới dạng hợp đồng cùng cảnh mua đi, bán lại vé xe thương hiệu trên “chợ mạng” lợi dụng để đẩy giá vô tội vạ. Người mua bị bắt chẹt, trong khi nguồn thuế cũng bị thất thu.
Lật tẩy chiêu mới đẩy giá xe thương hiệu
Trưa 24-1, chúng tôi đến Bến xe Miền Đông (BXMĐ) hỏi mua vé Tết từ TP HCM về Phú Yên ngày 26 tháng chạp nhưng tại các quầy vé của các hãng xe lớn đều thông báo không còn. Tuy nhiên, khi kiểm tra thông tin ở một số trang mạng xã hội thì phát hiện có nhiều tài khoản rao bán rất nhiều vé, thậm chí khẳng định vé Tết ngày nào cũng có.
Khi liên lạc qua số điện thoại 0974.23x.xxx từ một trang mạng, người phụ nữ xưng mình tên Trâm, con của một chủ đại lý bán lẻ vé xe ở huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên mời chào: “Bên em vé ngày nào cũng có nhưng giá cao hơn giá in trên vé 250.000 đồng bởi phải mua đi, bán lại” – Trâm nói qua điện thoại.
Trâm đề nghị chúng tôi nếu muốn nhận được vé thì phải nhờ người thân gửi tiền trực tiếp ở đại lý hoặc chuyển khoản. Trước nghi ngờ vé hiện đang bán là giả vì các hãng xe lớn tại bến đều thông báo “cháy” vé, người này phân bua: “Bên em là đại lý có địa chỉ rõ ràng nên không kinh doanh kiểu này. Trước khi mở bán đã chuẩn bị cả trăm vé rồi”. Người phụ nữ tên Trâm cũng khẳng định số lượng vé bán ra đã được đại lý này chuẩn bị khá nhiều nhưng do số lượng người mua rất lớn nên hiện tại các ngày từ 24 đến 27 tháng chạp chỉ còn từ 1-5 vé. Riêng các ngày khác, khách muốn mua 1 hay 10 vé, đại lý này đều có thể cung cấp.
Nhà xe X.T trên đường Đồng Đen (quận Tân Bình, TP HCM) bán vé Tết với mức giá cao gấp 3 lần vé ngày thường
Nhân viên của nhà xe V.T bán vé xe Tết cho khách lẻ dù hãng này không kinh doanh tuyến cố định Ảnh: GIA MINH
Thông tin trên đã khẳng định nghi ngờ của chúng tôi liên quan đến việc nhà xe thương hiệu “bơm vé cho người thân, người nhà hay đại lý ruột” trước khi mở bán cho khách tại bến hay tại quầy nên đã tạo ra tình trạng khan vé, hết vé khi mở bán là có cơ sở. Bởi trước đó, thông qua người thân tại Phú Yên, chúng tôi đã có thể mua vé Tết từ đầu tháng 11-2017 từ những người làm trong nhà xe, dù thời điểm này chưa công bố bán vé Tết. Sau khi mua một vé từ TP HCM về Phú Yên ngày 26 tháng chạp với giá 435.000 đồng, chúng tôi lên mạng rao bán lại thì chỉ trong vòng 10 phút đã có người hỏi mua với giá 780.000 đồng. “Hiện giờ đi đâu hỏi vé cũng hết và phải chấp nhận mua vé cao” – người đòi mua lại vé, nói.
Theo chủ một đại lý bán vé xe tại TP HCM, không như tàu hỏa hay máy bay, hành khách có vé phải đúng thông tin cá nhân mới được đi, vé xe không cần những thông tin này, chỉ cần có vé là được lên xe. Vì vậy, thực tế có tình trạng đầu cơ vé hoặc mua đi bán lại với giá cao do vào thời gian cao điểm Tết, nhu cầu của hành khách tăng cao.
Xe “ngoài” lộng hành
Tương tự, trong suốt 3 ngày từ 21 đến 24-1, chúng tôi gọi đến điểm bán vé Tết của hãng xe X.T trên đường Đồng Đen (phường 14, quận Tân Bình, TP HCM) hỏi mua vé về Quảng Ngãi. Chưa kịp dứt lời, một nhân viên nữ của nhà xe này đáp qua điện thoại: “Ngày mô cũng có! Tôi không tiếp chuyện qua đây, muốn mua thì đến trực tiếp mà hỏi”. Khi có mặt tại điểm bán vé của nhà xe này thì các nhân viên tại đây đang sửa lại bảng thông tin viết tay về lịch trình, thời gian của từng loại xe tuyến TP HCM đi Quảng Nam, Quảng Ngãi và Đà Nẵng.
Chúng tôi hỏi vé về Quảng Ngãi ngày 27 tháng chạp (tức ngày 12-2), nhân viên hãng xe này “nhiệt tình” hơn lúc gọi điện, báo giá 1.150.000 đồng đối với giường nằm. Thắc mắc tại sao giá vé tăng gấp gần 3 ngày thường và cao hơn nhiều so với trong bến, nhân viên này thản nhiên: “Tết mà em! Giá như vậy là nhẹ rồi”. Thấy chúng tôi còn lưỡng lự, người này tiếp tục: “Trong bến xe thương hiệu những ngày đó làm gì còn vé, không mua nhanh là hết”.
Cách nhà xe X.T không xa, trên đường Hồng Lạc đoạn qua phường 10 (quận Tân Bình), điểm bán vé xe Tết của nhà xe S.T có mức giá “mềm” hơn. Phía ngoài điểm bán vé của nhà xe này treo băng rôn quảng cáo phục vụ Tết tuyến TP HCM về Quảng Ngãi, Huế, Đà Nẵng. Khi tiếp tục hỏi vé về Quảng Ngãi ngày 27 tháng chạp, nhân viên nam tại đây mở sổ dò và thông báo còn 4 vé giường nằm phía sau, giá mỗi vé 850.000 đồng. Tuy nhiên, nhân viên này cũng thông tin vài ngày trước đó vé còn đắt hơn, trung bình khoảng 1 triệu đồng.
Còn hãng xe V.T cũng nằm trên đường Hồng Lạc, ngoài việc bán vé xe Tết giá cao còn nhận vận chuyển xe máy từ TP HCM về Quảng Ngãi, với mức giá cao nhất từ 650.000 đồng/xe số và 750.000 đồng/xe tay ga. Dù giá cao như vậy nhưng theo nhân viên của hãng xe này, không gửi bây giờ để cận đến ngày đi mới đem ra gửi thì còn cao hơn.
Trong khi đó, khảo sát ở một số khu vực khác như đường Lê Hồng Phong (quận 10); Phạm Ngũ Lão (quận 1)…, nhiều nhà xe hoạt động có tuyến TP HCM đi một số tỉnh Tây Nguyên và khu vực miền Trung cũng báo giá cao gấp 2-3 lần so với ngày thường. Trong đó, chủ yếu là các tuyến từ TP HCM về Quy Nhơn (Bình Định); Nha Trang (Khánh Hòa)…
Bất lực?
Theo lãnh đạo BXMĐ, các doanh nghiệp (DN) vận tải hoạt động trong bến dịp Tết nguyên đán 2018 chỉ được phụ thu tối đa 60% giá vé, nếu vi phạm thì lập tức bị xử phạt. Tuy nhiên, DN bên ngoài lại có thể tự tăng giá mà không bị xử lý bởi dù đăng ký dưới dạng hợp đồng nhưng thực chất, nhiều nhà xe hoạt động như tuyến cố định. Thực trạng này không bị xử lý đã khiến hành khách và DN trong bến bức xúc.
Thế nhưng, Thanh tra Sở Tài chính TP HCM, lại cho rằng cơ quan này chỉ kiểm tra giá vé xe khách tuyến cố định hoạt động tại các bến, còn với việc DN hoạt động bên ngoài tăng giá thì không thể xử lý do các xe này đăng ký kinh doanh vận tải dưới dạng hợp đồng, tự thỏa thuận giá với hành khách mà không phải đăng ký hay kê khai giá cước. Trong khi đó, Thanh tra Sở Giao thông Vận tải TP HCM lại “đổ ngược” là đơn vị chỉ có chức năng xử lý hành vi dừng đậu, đón – trả khách không đúng quy định nên cũng không thể can thiệp vào việc các nhà xe tự ý tăng giá.