Điều gì giúp giá có thể giảm sâu tới 50%?
Anh Phạm Văn Dũng, trưởng nhóm phát triển ứng dụng TaxiGo cho biết, mức giá trên là kết quả sau một quá trình tiếp cận và giải quyết vấn đề theo hướng khác biệt. Lấy ví dụ từ việc lái xe riêng đưa người thân ra sân bay Nội Bài, anh Dũng đánh giá rằng chuyến trở về trung tâm thành phố thường lãng phí do các ghế sau thường không chở người. Nếu có người cùng đi chung cung đường thì chủ xe có thêm thu nhập, còn hành khách sẽ chỉ phải trả chi phí thấp.
Hiện tại, các xe Uber, Grab phải vận chuyển hàng khách từ A đến B, rồi từ B đến C,… và liên tục như vậy để tránh việc chạy không khách. Từ việc tối đa công suất sử dụng chiếc xe, giá thành cước vận chuyển được giảm xuống. Thay vì cách làm trên, ứng dụng TaxiGo cho phép tài xế đăng ký tuyến đường họ muốn di chuyển. Trên cơ sở đó, ứng dụng sẽ đề xuất mức giá tương đương 50% so với taxi hoặc Uber, Grab.
Theo anh Dũng, nhóm cũng đã tính tới kịch bản tài xế chọn người cùng đi, bên cạnh việc hành khách chọn tài xế. Hành khách chỉ cần nhập các nhu cầu di chuyển vào ứng dụng. Khi có tài xế chạy xe chung cung đường, ứng dụng TaxiGo cũng sẽ kết nối với hành khách và chi phí vẫn được giảm.
Những mức giá “không tưởng” đang có trên ứng dụng kết nối của các startup Việt Nam. Ảnh chụp màn hình
Carento – một ứng dụng của startup Việt – cũng đưa ra những mức giá gây “sốc” đối với người lần đầu sử dụng. Anh Vũ Trọng Nghĩa, đại diện nhóm phát triển ứng dụng Carento tự đánh giá rằng, mức giá như Carento giúp người dùng “chỉ trả đúng số tiền cần phải trả” và cũng bảo đảm tài xế có thu nhập đủ. Bởi vì, “Carento đã phát triển được một số công nghệ về tối ưu giữa sắp xếp chuyến đi và nhu cầu đặt xe của khách hàng” – anh Nghĩa chia sẻ.
Tập trung vào tuyến đường dài
Vũ Trọng Nghĩa cho biết, Carento sẽ tập trung phục vụ tuyến đi sân bay và đường dài liên tỉnh. Theo anh Nghĩa, nhóm muốn cung cấp thêm một sự lựa chọn với giá thành “hợp lý” bên cạnh dịch vụ hiện có như taxi hay công ty du lịch.
Cùng với việc thu hút những khách hàng có điện thoại thông minh, các startup Việt vẫn tiếp tục duy trì hình thức đặt xe qua website và tổng đài điện thoại để tiếp cận nhiều đối tượng người dùng. Đại diện những startup này cũng cho biết, ứng dụng được xây dựng theo mô hình nền tảng cho nhiều dịch vụ, vì vậy việc triển khai tại vùng miền mới sẽ được tiến hành nhanh chóng.
Ứng dụng đặt xe Việt Nam “lật ngôi” giá rẻ của Uber, Grab trên tuyến sân bay
Hiện nay, Thủ tướng Chính phủ mới chỉ cấp phép thí điểm triển khai ứng dụng khoa học công nghệ hỗ trợ quản lý và kết nối hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng tại 5 thành phố. Không chỉ vậy, thời gian kết thúc thí điểm (01/2018) đang đến gần.
Anh Phạm Văn Dũng mong muốn Nhà nước sớm ban hành khung pháp lý đầy đủ và ổn định để startup có điều kiện phát triển nhanh. Dũng tự tin rằng nếu điều kiện kinh doanh thông thoáng, trong 3 năm tới, khách đi đường dài sẽ nhớ đến ứng dụng thuần Việt, thay vì Uber hay Grab.