Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Lực lượng hỗ trợ phiên tòa có mặt tại TAND từ 6h sáng. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng)
Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng
Phóng viên các cơ quan báo chí theo dõi phiên tòa. (Ảnh: Hoàng Mạnh Thắng)
Em trai ông Đinh La Thăng hầu tòa
Hôm nay (24/1), TAND TP Hà Nội xét xử sơ thẩm vụ tham ô tài sản tại Cty CP Bất động sản Điện lực Dầu khí Việt Nam (PVP Land). Dự kiến, phiên tòa kéo dài tới ngày 6/2, bao gồm cả thứ 7, chủ nhật. Có 8 bị cáo phải hầu tòa, cùng bị VKSND Tối cao truy tố về tội “Tham ô tài sản” theo điều 278 Bộ luật Hình sự. Số này gồm Trịnh Xuân Thanh- nguyên Chủ tịch HĐQT Tổng Cty CP xây lắp Dầu khí Việt Nam (PVC); Đào Duy Phong- nguyên Chủ tịch HĐQT PVP Land.
Tiếp đến, Nguyễn Ngọc Sinh – nguyên TGĐ PVP Land; Đinh Mạnh Thắng (em trai ông Đinh La Thăng) – nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP Đầu tư và Thương mại Dầu khí Sông Đà; Thái Kiều Hương – nguyên Phó TGĐ Cty CP đầu tư Việt Nam; Lê Hòa Bình – nguyên Chủ tịch HĐQT Cty CP xây dựng và dịch vụ 1/5, Cty CP Minh Ngân; Nguyễn Thị Kim Thoa – nguyên Kế toán trưởng Cty 1/5 và Cty Minh Ngân; Huỳnh Nguyễn Quốc Duy – kinh doanh tự do.
“Đi đêm” để mua đất
Theo cáo trạng, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) là doanh nghiệp Nhà nước, nắm gần 88% vốn của PVC và PVC nắm 28% vốn điều lệ của PVP Land. Trịnh Xuân Thanh đã cử Nguyễn Ngọc Sinh và Đào Duy Phong là đại diện phần vốn của PVC. PVP Land cũng nắm 50,5% cổ phần của Cty Dịch vụ Xuyên Thái Bình Dương tức PVP Land sở hữu 50,5% diện tích của dự án Nam Đàn Plaza (rộng 9.584m2, ở Nam Từ Liêm, Hà Nội).
Năm 2010, bị cáo Lê Hòa Bình cùng Nguyễn Thị Kim Thoa thông qua môi giới của Huỳnh Nguyễn Quốc Duy thực hiện mua lại toàn bộ diện tích của Nam Đàn Plaza. Tuy nhiên, Trịnh Xuân Thanh ra kết luận PVC sẽ hợp tác với PVP Land xây dựng Nam Đàn Plaza dù dự án có tổng mức đầu tư lớn, khoảng 220 triệu USD gồm giá trị đầu tư xây dựng 185 triệu USD và giá trị đất 25 triệu USD (ứng với 52 triệu đồng/m2). Như vậy, Trịnh Xuân Thanh đã được cấp dưới báo cáo về giá trị đất từ tháng 1/2010 và không đồng ý việc bán đất.
Tuy vậy, thông qua sắp xếp của Đặng Sỹ Hùng – nguyên Trưởng phòng Kinh tế Kế hoạch PVP Land, Lê Hòa Bình vẫn ký được hợp đồng đặt cọc với các cổ đông của Cty Xuyên Thái Bình Dương để mua toàn bộ dự án Nam Đàn Plaza với giá 52 triệu đồng/m2. Tiếp đến, Thái Kiều Hương nhờ Đinh Mạnh Thắng tác động, nhờ Trịnh Xuân Thanh cho phép PVP Land bán đất tại dự án. Theo cáo trạng, bị cáo Thắng là em trai ông Đinh La Thăng – nguyên Chủ tịch HĐTV PVN và có thể tác động đến bị cáo Thanh.
Tháng 3/2010, các bị cáo Hương, Thắng cùng gặp Trịnh Xuân Thanh tại một nhà hàng ở phố Xuân Diệu (Hà Nội). Tại đây, bị cáo Thắng nhờ Trịnh Xuân Thanh đồng ý việc PVP Land bán đất tại Nam Đàn Plaza. Được Thanh gật đầu, PVP Land đã bán đất cho Lê Hòa Bình với giá 34 triệu đồng/m2, thấp hơn 18 triệu đồng/m2 (tức giảm hơn 87 tỷ đồng) so với hợp đồng đặt cọc đã ký.
Lấy của công làm lợi túi riêng
Hợp đồng được thực hiện, Thái Kiều Hương và Lê Hòa Bình đã chuyển 5 tỷ đồng cho Đinh Mạnh Thắng để trả tiền “kết nối” với Trịnh Xuân Thanh. Tháng 4/2010, Hương cũng nhờ bị cáo Thắng chuyển 14 tỷ đồng cho Thanh. Thắng đồng ý và chuyển vali tiền cho lái xe của Thanh. Bị cáo Đào Duy Phong cũng được chia phần 8 tỷ đồng; Nguyễn Ngọc Sinh nhận 2 tỷ đồng. Riêng ông Đặng Sỹ Hùng được Lê Hòa Bình và Nguyễn Thị Kim Thoa “lại quả” 20 tỷ đồng. Do ông Hùng đã chết nên được VKSND Tối cao ra quyết định đình chỉ bị can.
Như vậy, trong số hơn 87 tỷ đồng chênh lệch, Lê Hòa Bình đã chuyển cho các lãnh đạo PVC và PVP Land 49 tỷ đồng. Ngoài ra, Bình khai đã chuyển cho Huỳnh Nguyễn Quốc Duy 13 tỷ đồng tiền môi giới nhưng Duy khai chỉ nhận 11 tỷ đồng. Theo kết luận giám định của Bộ Tài chính, qua việc bán cổ phần tại Cty Xuyên Thái Bình Dương (tức bán đất tại Nam Đàn Plaza), PVP Land bị thiệt hại 87 tỷ đồng. Sau đó, PVP Land nhận lại quyền sở hữu hơn 5,8 triệu cổ phần nên thiệt hại được rút xuống còn hơn 45 tỷ đồng.
Khi CQĐT khởi tố Lê Hòa Bình về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, Thái Kiều Hương đã yêu cầu Đinh Mạnh Thắng trả lại tiền. Bị cáo Thắng đã chuẩn bị 5 tỷ đồng mình chiếm đoạt và lấy lại 14 tỷ đồng của Trịnh Xuân Thanh để trả cho Hương. Các bị cáo khác cũng khắc phục một phần hậu quả vụ án, việc này được cơ quan truy tố đánh giá là tình tiết giảm nhẹ.
HĐXX vụ án gồm 5 thành viên chính thức trong đó thẩm phán Đặng Thị Thanh Huyền giữ vị trí chủ tọa. Nắm quyền công tố và kiểm sát xét xử tại tòa gồm 2 kiểm sát viên trung cấp của VKSND TP Hà Nội gồm ông Phạm Đức Long và bà Nghiêm Ngọc Hương. Ngoài ra, có 1 thẩm phán, 2 hội thẩm và 1 kiểm sát viên dự khuyết. Được biết, có 16 luật sư đăng ký bảo vệ cho các bị cáo tại tòa. HĐXX cũng triệu tập 10 nhân chứng, 3 người có quyền lợi nghĩa vụ liên quan, 1 phiên dịch và 1 nguyên đơn dân sự là PVP Land.
4 hy vọng sau phiên tòa xét xử ông Đinh La Thăng