KTS Hoàng Thúc Hào: Cần đưa Wechoice trở thành một giải thưởng tầm cỡ quốc gia

Sau khi trở thành Đại sứ truyền cảm hứng của WeChoice Awards năm 2016, ông có cảm nhận như thế nào về những điều mình đã và sẽ tiếp tục thực hiện?

Cảm giác trách nhiệm đã có từ lâu vì tôi cũng nhiều tuổi rồi. Thế nhưng, càng ngày tôi càng cảm thấy trách nhiệm nặng nề hơn mà cũng nhẹ nhàng hơn. Tức là một mặt rất nặng nề, một mặt lại cảm thấy enjoy (thích thú) với trách nhiệm đó. Chắc bởi vì một số trải nghiệm cá nhân nên tôi thấy thanh thản, trách nhiệm nhưng thanh thản.

Ở góc nhìn của ông, giải thưởng WeChoice có tác động như thế nào đến xã hội, đặc biệt là các bạn trẻ?

Giải thưởng này cổ vũ các tấm gương có đóng góp cho xã hội. Người Việt Nam có văn hóa nêu gương, hô khẩu hiệu thì không hiệu quả lắm nhưng nêu gương thì người ta dễ bắt bước và có ảnh hưởng hơn. WeChoice là một tấm gương điển hình như vậy.

Thông điệp của chương trình năm nay là “Bình tĩnh sống”, ông có cảm nhận như thế nào về thông điệp này?

Nó gần với triết lý “ngạc nhiên bền vững” của tôi. Ngạc nhiên thường gắn với sốc, với tức thời nhưng cũng có ngạc nhiên chậm, trong một quá trình dài hạn. Phố cổ Hội An là một ngạc nhiên bền vững, khi các thế hệ kế tiếp nhau xây dựng và ý thức về tính bền vững. Điều đó tạo ra sắc thái riêng, chồng lớp lên nhau qua hàng trăm năm, tạo nên bản sắc, tạo thành nội lực cho không gian đô thị đó.

Có những người kiên nhẫn đến mức đáng ngạc nhiên. Ngạc nhiên ở đây nó là ngạc nhiên chậm. Nó mang lại cho con người cái “nhiệt tình lạnh”, nhiệt tình lạnh là rất quan trọng để người ta an tâm kiên định theo đuổi một điều gì đó lâu dài. Như vậy mới đem lại nhiều giá trị.

Nhiệt tình nóng quan trọng nhưng cũng cần có nhiệt tình lạnh, kiên định làm gì đó lâu dài, không dễ thỏa mãn, không dễ chóng chán. Thông điệp “Bình tĩnh sống” là bước đầu để người ta suy nghĩ về nhiệt tình lạnh.

Nếu được đề cử thêm một nhân vật cho giải thưởng năm nay thì ông sẽ chọn ai?

Chị Giang của Nhà chống lũ (chị Phạm Thị Hương Giang còn gọi là Jang Kều). Chị Giang huy động được các nguồn lực xã hội, truyền cảm hứng lớn cho xã hội để mọi người tập trung nguồn lực, cùng chia sẻ với những cộng đồng yếu thế, đang gặp khó khăn. Đây là cách làm rất hiệu quả. Phương thức cũng rất thông minh, Nhà chống lũ chia sẻ và giúp đỡ cộng đồng để cùng họ gánh vác trách nhiệm.

Ông có nhận xét gì về công tác tổ chức cũng như đơn vị tổ chức chương trình WeChoice?

VCCorp tổ chức quá tốt. Đây là chương trình lần thứ 4 với thông điệp mới mẻ, được truyền thông rất rộng rãi. Những nhân vật truyền cảm hứng được đề cử năm nay và những năm trước cũng rất thú vị, kết quả bầu chọn từ khán giả cũng không bị ảnh hưởng bởi showbiz. Ví dụ, năm ngoái, thầy giáo ung thu dạy học cho trẻ em trên đảo, Trần Lập hay Viện của tôi cũng lọt vào danh sách.

Ông có đề xuất gì để chương trình năm nay được tổ chức tốt hơn và tạo được lan tỏa rộng rãi hơn trong xã hội?

Theo tôi cần làm sao để chương trình được chính thức hóa hơn nữa, đưa WeChoice trở thành một giải thưởng tầm cỡ quốc gia. Làm sao để kể cả các cơ quan Nhà nước hay Hội Liên hiệp thanh niên Việt nam hay nhiều tổ chức tư nhân cùng tham gia vào, làm sao để biến giải thưởng này thành một diễn đàn có uy tín lớn.

Thứ hai là Ban giám khảo có thể chọn những nhân vật uy tín, tầm cỡ quốc tế. Chương trình cũng có thể triển khai giải thưởng lớn về mặt tài chính, từ giải thưởng đó mà người nhận giải tiếp tục có thể lập ra quỹ truyền cảm hứng trong lĩnh vực của họ.

WeChoice Awards 2017: Hành trình của những người bình thường nhưng truyền cảm hứng phi thường

Bài viết mới