Bộ Giao thông vận tải đang xây dựng dự thảo Nghị định thay thế Nghị định số 86/2014/NĐ-CP của Chính phủ về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô. Theo các chuyên gia, dự thảo còn thiên về xử lý kỹ thuật, chủ trương siết chặt thay vì thúc đẩy hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
Dự thảo sửa đổi Nghị định mới đã có một số cải thiện về cách thức quản lý Nhà nước và điều kiện kinh doanh như bãi bỏ một số quy định không phù hợp. Ví dụ như quy định về quy mô số lượng xe tối thiểu, sửa quy định người điều hành vận tải…
Tuy nhiên, nhìn chung ngay tại các quy định mới hoặc sửa đổi lại xuất hiện hàng loạt bất cập theo cách cấm đoán hoặc hạn chế quyền kinh doanh của một số loại hình doanh nghiệp. Theo chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan, điều này “vừa phản cạnh tranh, vừa đi ngược lại quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng”.
Dự liệu cho tương lai
Theo bà Lan, tình hình cung cầu trong ngành vận tải trong những năm gần đây đã có nhiều thay đổi. Quá trình đô thị hóa, phát triển kết cấu hạ tầng, mở cửa thị trường hàng hóa và dịch vụ, ứng dụng công nghệ thông tin…tạo nên những thay đổi liên tục về phía cung. Mặt khác, thu nhập, nhu cầu cũng như cách thức tiêu dùng của các tổ chức và cá nhân cũng ngày một đổi khác.
Vì vậy, nếu không đánh giá đầy đủ và dự liệu được bối cảnh thị trường để đưa những điều chỉnh cần thiết vào Nghị định mới thì Nghị định mới vừa khó đáp ứng được nhu cầu của cuộc sống, vừa nhanh chóng trở nên lạc hậu.
“Chưa kể những năm tới sẽ còn những dòng xe mới ra, ở các nước bây giờ họ đã thực hiện rồi như xe không người lái hay những phương tiện khác nhau”, chuyên gia Phạm Chi Lan cho biết.
Thực tế, nhiều quốc gia trong khu vực và trên thế giới đã tiến hành đánh giá lại hệ thống pháp luật giao thông trong bối cảnh hiện nay. Ví dụ, Canada thậm chí còn ban hành hệ thống pháp luật giao thông để áp dụng cho 30 năm tới. Theo đó, nhiều sáng kiến trong tương lai được dự liệu trước để đưa vào quy định. Nước này đưa ra những quy định có thể áp dụng với taxi không người lái hay phương tiện bay không người lái trên mặt đất.
“Ngành kinh doanh vận tải của nước ta đang có những thay đổi rất mạnh, không thể nhắm mắt trước việc đấy được. Mình phải sẵn sàng tiếp nhận những mô hình mới, những thách thức mới đưa vào thị trường, tạo thêm phong phú cho phía cung. Và nếu có những cạnh tranh mới tăng lên thì các doanh nghiệp phải dám tự đổi mới mình”, bà Lan nói.
Đứng từ góc độ của người tiêu dùng
Theo bà Lan, các loại hình mới trên thị trường mang đến cho người tiêu dùng nhiều sự lựa chọn. Tuy nhiên, Nghị định mới lại thể hiện ý đồ loại trừ các phương thức kinh doanh mới như Uber hay Grab. Dự thảo Nghị định không đưa ra các quy định rõ ràng, hợp lý về đăng ký hoạt động hay quy định về phù hiệu cho loại dịch vụ này.
“Tranh cãi về quản lý là cần thiết nhưng không thể giới hạn công cụ để hạn chế họ rõ rệt”, bà Lan nêu quan điểm.
Ông Bùi Danh Liên, Phó Chủ tịch Hiệp hội vận tải tại Hà Nội, cho rằng việc quản lý Uber, Grab không phải bất khả thi. Ông Liên nêu ví dụ về quản lý thuế: “Uber hay Grab chạy 1m cũng thể hiện trên phần mềm, quản lý được phần mềm đó thì thu được thuế thôi”.
Theo ông Phan Đức Hiếu, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương, lợi ích của người tiêu dùng cần được coi là nền tảng để thiết kế pháp luật. Nghị định mới phải làm sao hài hòa được lợi ích của các bên thay vì chỉ dừng lại ở mục tiêu xử lý doanh nghiệp. Đặc biệt, việc quản lý của Nhà nước không được giới hạn tính sáng tạo và cạnh tranh.
Ông Hiếu nhận định dự thảo sửa đổi Nghị định định 86 vẫn lấy cái cũ làm cơ sở, trong khi đó “đưa cái mới vào giỏ của cái cũ”. Ông nói thêm: “Cần lấy cái mới làm cơ sở để bãi bỏ cái khung, cái áo cũ chật hẹp”, từ đó nới lỏng và xóa bỏ các hạn chế, rào cản.