Chỉ 9% rau quả được chế biến

Theo Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường: Hiện nay, khâu chế biến và thị trường vẫn là những điểm yếu của ngành nông nghiệp Việt Nam.

Ví dụ, mặt hàng rau quả, trái cây có tổng sản lượng 22 triệu tấn/năm, nhưng mới chế biến được 9%. “Phải tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ nhiều hơn nữa, đặc biệt phải tiếp tục chú ý hai nút thắt mà hiện nay chúng ta chưa làm tốt là chế biến sâu và mở rộng thị trường”, Bộ trưởng Nguyễn Xuân Cường nói.

Cụ thể, ngay trong năm 2018, ngành nông nghiệp sẽ tập trung nhiều hơn vào công tác chế biến. Ví dụ, với ngành hàng rau quả, Bộ NN&PTNT và các địa phương sẽ tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp sớm khởi công 5-6 nhà máy chế biến rau quả ở 6 vùng kinh tế trọng điểm của đất nước. Trong đó, tập trung vào những nhà máy lớn với công suất cao và công nghệ hiện đại.

Các nhà máy sẽ liên kết chặt chẽ với vùng nguyên liệu của bà con nông dân, các chủ trang trại, hợp tác xã, hình thành vùng sản xuất tập trung gắn chế biến với thị trường.

Liên quan tới vai trò của chế biến sâu đối với mặt hàng rau quả, ông Nguyễn Hữu Trí, Giám đốc Công ty Trí Việt phân tích: Sản lượng trái cây tại khu vực ĐBSCL và Tây Nguyên qua các năm đều tăng, nhưng đầu ra sản phẩm vô cùng khó khăn. Nghịch lý ở chỗ nhu cầu của thị trường về trái cây tươi và trái cây chế biến vẫn rất cao.

Các nhà NK nước ngoài sẵn sàng nhập các sản phẩm rau, củ, quả Việt Nam nếu đáp ứng các tiêu chí về an toàn thực phẩm. Đầu tư chế biến sâu sẽ giúp nâng cao giá trị của nông sản Việt Nam. Đơn cử với mặt hàng thanh long, để chế biến được 1 tấn bột thanh long, phải cần đến hàng nghìn tấn thanh long tươi. Như vậy, sức tiêu thụ sản phẩm cho nông dân tăng gấp hàng trăm, thậm chí hàng nghìn lần.

Một số chuyên gia trong ngành nông nghiệp cũng bày tỏ quan điểm, đẩy mạnh chế biến sâu là giải pháp căn cơ giúp ngành rau quả nói riêng và nhiều ngành hàng nông nghiệp khác nói chung nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững hơn.

Rau quả vào Top 4 mặt hàng nông lâm sản chủ lực

Bài viết mới