Cụ thể, Agribank cho biết tổng tài sản của ngân hàng đạt gần 1,2 triệu tỷ đồng trong năm 2017. Nguồn huy động đạt gần 1,1 triệu tỷ đồng. Dư nợ cho vay nền kinh tế tăng 17,6% so với năm 2016, đạt gần 900.000 tỷ đồng. Với những con số này, Agribank là ngân hàng đứng đầu cả về tổng tài sản, huy động vốn và cả cho vay khách hàng hiện nay trong hệ thống ngân hàng.
Agribank sở hữu mạng lưới giao dịch lớn hơn rất nhiều so với Vietcombank, BIDV, Vietinbank khi có hơn 2.300 chi nhánh và phòng giao dịch ở khắp vùng miền cùng dàn nhân sự hơn 40.000 người. Chính điều này là lợi thế để ngân hàng có được nguồn huy động tiền gửi cực lớn từ dân cư cũng như cho vay đối tượng lĩnh vực nông nghiệp nông thôn và các diện theo chính sách của nhà nước. Được biết, dư nợ cho vay lĩnh vực nông nghiệp của Agribank chiếm tới 73,6% dư nợ của Agribank.
Bám sau sát nút Agribank là Vietinbank và BIDV, hai ngân hàng này hiện có dư nợ cho vay và nguồn huy động vốn tương đương nhau. Cụ thể, Vietinbank có dư nợ tín dụng đạt 839.000 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Ngân hàng này cũng cho biết tổng nguồn vốn ước đạt trên 1 triệu tỷ đồng, tăng 16% so với năm trước. Trong khi đó, cho vay khách hàng tại BIDV đến cuối năm 2017 là 862.604 tỷ đồng, huy động vốn đạt khoảng 1,1 triệu tỷ đồng.
Vietcombank là ngân hàng xếp cuối về cả tổng tài sản, cho vay khách hàng và huy động vốn. Tổng tài sản ngân hàng cuối năm 2017 là 1,035 triệu tỷ đồng, thấp hơn so với BIDV (1,176 triệu tỷ đồng), Vietinbank (hơn 1,1 triệu tỷ đồng), Agribank (gần 1,2 triệu tỷ đồng). Tiền gửi của khách hàng tại Vietcombank đạt 708.505 tỷ đồng, tiền gửi và vay các tổ chức tín dụng khác là 66.942 tỷ đồng. Dư nợ cho vay khách hàng tại Vietcombank là 535.321 tỷ đồng, chỉ bằng 64% so với Vietinbank.
Tuy nhiên, lợi nhuận trước thuế của Vietcombank đạt tới 11.337 tỷ đồng, trong khi BIDV báo lãi 8.800 tỷ đồng, Vietinbank 9.206 tỷ đồng và Agribank chỉ có 5.018 tỷ đồng. Vietcombank là ngân hàng có lợi nhuận cao nhất trong hệ thống.
Big 4 ngân hàng đang có sự chênh lệch đáng kể về lợi nhuận
Một trong những nguyên nhân để giải thích cho điều này đến từ nguồn vốn có chi phí rẻ của Vietcombank. Cụ thể, tiền gửi không kỳ hạn lãi suất thấp tại ngân hàng cao hơn hẳn so với các ngân hàng còn lại, cuối năm 2017 đạt tới 200.989 tỷ đồng, chiếm 28% tổng tiền gửi khách hàng. Trong khi đó, tiền gửi không kỳ hạn tại BIDV chỉ chiếm 17%, tại Vietinbank chiếm 14% tổng huy động tiền gửi (tính đến cuối quý III/2017).
Thu nhập lãi thuần năm 2017 của Vietcombank đạt 21.937 tỷ đồng, tăng 18% so với năm 2016. Bên cạnh hoạt động tín dụng, các hoạt động kinh doanh khác của ngân hàng cũng có kết quả khá tốt. Lãi từ hoạt động dịch vụ tăng 20%, lãi từ kinh doanh ngoại hối tăng 10%,… Mặc dù tăng trưởng tín dụng khá cao nhưng chi phí dự phòng rủi ro tín dụng giảm nhẹ 2% so với năm 2016. Đặc biệt, trong năm vừa rồi, ngân hàng đã thoái vốn thành công tại SaiGon Bank, Tài chính xi măng (CFC), và 2/3 vốn sở hữu tại OCB. Nhờ đó, thu nhập từ góp vốn, mua cổ phần của Vietcombank đạt 325 tỷ đồng, gấp 4,5 lần so với năm 2016.
Kết quả kinh doanh của Vietcombank – BCTC hợp nhất 2017
Trong năm 2018, Vietcombank có kế hoạch tiến hành thoái vốn tiếp tại Eximbank và MBBank nhằm đáp ứng Thông tư 36. Theo tính toán của nhiều công ty chứng khoán, Vietcombank sẽ thu về được hàng nghìn tỷ đồng nhờ việc thoái vốn này, trong đó HSC cho rằng số tiền thu được từ việc thoái vốn khỏi MBB và EIB có thể lên đến 2.200 tỷ đồng lợi nhuận còn tính toán của KIS thì VCB thu về được là khoảng 3.000 tỷ đồng.
Mặc dù có được nhiều lợi thế như vậy nhưng thứ hạng của Vietcombank có duy trì được vị trí số 1 trong năm 2018 về lợi nhuận hay không vẫn còn nhiều điều khó nói khi gần đây BIDV và VietinBank đang đẩy mạnh hơn mảng ngân hàng bán lẻ, đồng thời với sự giúp sức của Thông tư 42 về giải quyết nợ xấu có thể sẽ giúp 2 ngân hàng này ghi nhận được thêm nhiều khoản lợi nhuận bất thường từ việc bán nợ.