Chấp nhận để SoftBank trở thành cổ đông lớn nhất, Uber dẫn hổ vào nhà

Thương vụ giữa Uber và tập đoàn SoftBank của Nhật Bản đã chính thức được hoàn thành. Theo đó, SoftBank đầu tư 9,3 tỷ USD để nắm giữ 15% cổ phần của Uber. Với 15% cổ phần, tập đoàn Nhật Bản chính thức trở thành cổ đông lớn nhất của Uber và có quyền quyết định những chiến lược tương lai của startup này.

Ông Rajeev Misra, thành viên mới của hội đồng quản trị Uber đến từ SoftBank, cho biết rằng Uber sẽ đạt được lợi nhuận nhanh hơn nếu như rời bỏ một số thị trường quốc tế và tập trung vào những thị trường chính. Theo đó, ông Misra muốn Uber tập trung phát triển tại Mỹ, Châu Âu, Mỹ Latinh và Úc.

Chấp nhận để SoftBank trở thành cổ đông lớn nhất, Uber dẫn hổ vào nhà - Ảnh 1.

Trong chia sẻ của thành viên hội đồng quản trị mới, không hề nhắc đến thị trường Châu Á – một thị trường đầy tiềm năng. Mặc dù Uber đã gặp nhiều khó khăn và thất bại tại Trung Quốc, cũng như Nga, nhưng việc bỏ qua thị trường Châu Á chắc chắn sẽ là một tổn thất rất lớn.

Quyết định này có thể sẽ ảnh hưởng tới sứ mệnh mà Uber đã đặt ra, đó là “cung cấp dịch vụ vận tải đáng tin cậy, ở mọi nơi và cho tất cả mọi người”. Quan trọng hơn đó là CEO Dara Khosrowshahi đã xây dựng thương hiệu Uber tại Châu Á như một công ty thiện chí, hợp tác và chấp hành luật pháp.

Thậm chí tại Ấn Độ, thị trường mà Uber gặp phải nhiều sự cạnh tranh và các vụ scandal liên quan đến tấn công tình dục, thì cuối năm 2016 Uber vẫn tuyên bố đạt được 40% thị phần. Trong khi đó, các nỗ lực của Uber tại London lại gặp phải trở ngại khi bị cắt giấy phép hoạt động, liên quan đến việc sử dụng công nghệ Greyball để qua mặt các nhà quản lý.

Con hổ SoftBank điều khiển Uber để đạt được tham vọng của mình

Nếu như Uber hoàn toàn rút khỏi thị trường Châu Á, điều đó sẽ rất có lợi cho SoftBank. Bởi vì tập đoàn Nhật Bản không chỉ đầu tư vào mỗi Uber, mà thậm chí còn rót vốn vào hầu hết các startup cho đi nhờ xe tại Châu Á.

Trước đây, SoftBank đã từng đầu tư vào rất nhiều đối thủ cạnh tranh của Uber. Có thể kể đến như Didi Chuxing tại Trung Quốc, Grab tại Đông Nam Á hay Ola tại Ấn Độ.

Chấp nhận để SoftBank trở thành cổ đông lớn nhất, Uber dẫn hổ vào nhà - Ảnh 2.

Chính vì vậy mà ngay ngày đầu tiên sau khi hoàn tất thương vụ thâu tóm phần lớn cổ phần của Uber, SoftBank đã muốn startup này rút khỏi thị trường Châu Á. Như vậy, SoftBank sẽ không phải lo ngại các khoản đầu tư của mình đấu đá với nhau và có thể thâu tóm thị trường trên toàn thế giới.

Ngay cả khi điều đó không phù hợp với tham vọng toàn cầu mà Uber đặt ra từ ban đầu. Trên thực tế, không phải Mỹ hay Châu Âu, mà chính Châu Á mới là thị trường có tốc độ tăng trưởng cao nhất của Uber.

Tất nhiên ý kiến này của SoftBank sẽ cần phải được cả hội đồng quản trị của Uber thông qua, trong đó có cả nhà sáng lập và cựu CEO Travis Kalanick – mặc dù đã từ bỏ quyền lực nhưng vẫn nắm giữ một lượng lớn cổ phần của công ty.

Tuy nhiên sự việc trên cho thấy việc SoftBank thâu tóm Uber và có quyền tác động tới tương lai của công ty không phải là một điều tốt. Mặc dù với số tiền đầu tư gần 10 tỷ USD, Uber có thể tiếp tục kế hoạch mở rộng thị trường của mình và cạnh tranh với các đối thủ khác.

Nhà báo Mike Isaac của tờ New York Times đã bình luận trên trang cá nhân của mình: “Mực thậm chí còn chưa khô trên bản hợp đồng, vậy mà Rajeev Mishra của SoftBank đã nói với Financial Times về cách mà Uber phải hoạt động như thế nào. Thật ngạc nhiên. Màn kịch lố bịch này chỉ mới bắt đầu”.

Tham khảo: Business Insider

Chủ sở hữu nhà mạng Sprint, tập đoàn SoftBank chuẩn bị cho thương vụ IPO mảng điện thoại di động với giá trị lớn nhất lịch sử Nhật Bản

Bài viết mới