Bitconnect “sập sàn”, còn cửa nào cho tiền ảo?

Kịch bản được định sẵn?

Cụ thể, thông báo từ Bitconnect được đưa ra ngay sau khi nhận được 2 lệnh đình chỉ từ Ủy ban Chứng khoán Texas và North Carolina với lý do cảnh báo những người đứng sau sàn cho vay tiền ảo Bitconnect không được bán tiền ảo ở những bang này.

Theo thông báo trên trang chủ của Bitconnect, toàn bộ tiền của nhà đầu tư sẽ được trả lại dưới dạng đồng bitconnect với giá quy đổi 363,6 USD/bitconnect, tỷ lệ này dựa trên 15 ngày gần đây trung bình của giá đóng cửa đăng ký trên coinmarketcap.com. Đến thời điểm này, sàn giao dịch nội bộ đã hoạt động trở lại, nhưng giao dịch chập chờn, lúc được lúc không.

Ở Việt Nam, để trấn an nhà đầu tư, trên sàn bitconnect.win có bày cách giao dịch bitconnect khi sàn đóng cửa, nhưng khi link vào thì cửa sổ báo lỗi và thông báo sàn đã đóng cửa nên không thể giao dịch. Còn riêng hoạt động cho vay – hoạt động chính để hút vốn của nhà đầu tư vẫn chưa được khởi động lại. Hiện đồng tiền số đang loanh quanh mức trên 30 USD/bitconnect.

Được biết, bitconnect là 1 trong 20 đồng tiền ảo thành công nhất trên thị trường tiền kỹ thuật số. Mô hình hoạt động của đồng tiền ảo này được gọi là nền tảng lending (cho vay) và MLM (multi-level marketing – đa cấp), và thu hút được rất nhiều nhà đầu tư với mức trả lãi từ 30-40% cho người dùng gửi tiền ảo và đầu tư trên sàn của mình. Khi chạm mốc kỷ lục 400 USD, giá trị vốn hóa thị trường của đồng tiền này đạt đỉnh 1 tỷ USD.

 Bitconnect “sập sàn”, còn cửa nào cho tiền ảo? - Ảnh 1.

Sàn Bitconnect “sập”, nhiều nhà đầu tư thiệt hại.

Xung quanh câu chuyện “sập sàn” này, LS Trương Thanh Đức – Chủ nhiệm CLB Pháp chế Ngân hàng cho rằng, mức lãi suất từ 30-40%/tháng quá hấp dẫn nên nhiều người đã lao vào đầu tư. Tất nhiên, cũng có những nhà đầu tư mù quáng đầu tư theo phong trào, vì “tham”, nhưng cũng có những người dù biết không bền vững, họ vẫn chấp nhận tham gia để kiếm lời, vì rủi ro càng lớn thì cơ hội lại càng cao.

Do không có quy định nào về việc tham gia tiền ảo nên khi xảy ra sự cố, những người tham gia sẽ phải chấp nhận thiệt hại. Song, theo LS Trương Thanh Đức, thì hình thức đầu tư của bitconnect “có vấn đề”, vì việc trả lãi suất cao không xuất phát từ cơ sở nào cả, nên nó chỉ có thể cao trong 1 thời gian ngắn nhất định, và đặc biệt dễ bị làm giá để kiếm lời của một nhóm người.

Nhiều chuyên gia tính toán, với mức lợi nhuận lên tới gần 500%/năm thì việc sập là 1 kịch bản đã được chuẩn bị sẵn từ trước: khi chiếm được một khoản tiền lớn từ cộng đồng, những người lập sàn sẽ chủ động cho “sập”.

Rủi ro từ tiền ảo

Như vậy, cho đến thời điểm này, giá trị mà tiền ảo mang đến cho nền kinh tế thực sự chưa tạo ra sản phẩm cho xã hội, mà chỉ là tiền chảy vào túi những người tham gia: người này được thì người kia mất. Trong khi đó, những rủi ro mang lại đã hiện hữu.

Ông Noah Eric Silverman, Sáng lập Công ty Helios. AI – chuyên gia trí tuệ nhân tạo, tiền ảo nhận định, trong năm 2017, tiền ảo được nhiều nhà đầu tư coi như một dạng đầu tư vàng. Còn với doanh nghiệp, một số coi bitcoin là công cụ trong hoạt động kinh doanh của mình, nhưng 95% là thất bại.

“Nhưng đáng mừng là 5% đang phát triển và họ sẽ là những doanh nghiệp đột phá”, ông Noah Eric Silverman thông tin và cho rằng, vì bitcoin hoạt động không theo khuôn khổ nào, nhiều rủi ro, nên Chính phủ cần xây dựng khuôn khổ phù hợp quản lý tiền bitcoin tốt hơn.

Ông Đặng Huy Đông, nguyên Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư khuyến cáo, không nên xem bitcoin là phương tiện thanh toán. Vì bitcoin rủi ro cao nên phải cung cấp cho xã hội các thông tin về sự rủi ro đó. “Theo tôi biết, gốc của loại tiền này là một hình thức rửa tiền, được tạo ra từ những nhóm rửa tiền không muốn công bố nguồn gốc dòng tiền từ đâu. Nhưng khi bitcoin ra đời thì tính công nghệ của nó đã vượt lên, trở nên tiện dụng cho thanh toán và nhiều mặt khác. Xu thế trên thế giới đang hướng tới sự ưu việt về công nghệ của bitcoin và chấp nhận các rủi ro còn lại”,, ông Đông nói.

Còn LS Trương Thanh Đức cho rằng, bitcoin là ứng dụng công nghệ, không nên cấm kinh doanh, cấm đầu tư, cấm giao dịch dù nó rất rủi ro. “Nếu chúng ta không công nhận nó là hàng hoá thì nó vẫn là giao dịch tài sản. Bản chất của tiền này khác so với các loại tiền tệ khác khi nó không phải qua bất kỳ hệ thống giao dịch nào mà hoàn toàn tự giao dịch với nhau. Tôi nghĩ rằng rất khó có kịch bản cấm. Rủi ro hay bong bóng đó là nhận thức của nhà đầu tư. Cấm là cấm như phương tiện thanh toán thôi. Còn nếu là phương thức đầu tư thì không phạm luật”, ông Đức đề xuất.

Nhà đầu tư Việt nháo nhào, hoảng loạn vì tiền ảo

Bài viết mới