Đại học Ngoại thương là một “con buôn”? Vậy thì chúng ta nên có nhiều con buôn hơn nữa!

Chúng tôi xin giới thiệu bài viết “Đại học Ngoại thương là một “con buôn”?” của ông Nguyễn Đức Sơn, CEO công ty Richard Moore Associates. Mời quý vị độc giả đón đọc.

Trường đại học có phải doanh nghiệp kinh doanh buôn bán đâu mà cần có thương hiệu. Nói trường đại học có thương hiệu nghe “con buôn” quá. Một cán bộ cao cấp làm trong ngành giáo dục đã nói vậy. May quá, bác nói điều này chỉ trong phạm vi tranh luận hẹp.

Trường đại học ở các nước phát triển đã từ rất lâu vận hành không khác gì một doanh nghiệp kinh doanh. Học sinh chọn trường không khác gì chọn mua một sản phẩm dịch vụ. Trường nào có “thương hiệu” trường đó được khách hàng chọn nhiều. Nhiều sinh viên nước ngoài khi đến Úc học business chọn The University of Sydney, học luật chọn đại học Melbourne, học banking chọn Monash. Những trường này ngoài thực tế về sản phẩm tốt ra họ còn có thương hiệu tốt. Các trường như ở Úc đi sales thật lực để “bán” được nhiều sản phẩm cho thị trường. Giáo dục ở Úc đóng góp đứng thứ 3 vào GDP hàng năm nhờ thu hút nhiều sinh viên quốc tế.

Giáo dục là một thị trường. Trường đại học là doanh nghiệp. Sinh viên là khách hàng.

Luôn luôn là như vậy.

Một tổ chức phi lợi nhuận cũng cần xây dựng thương hiệu gọi là thương hiệu tổ chức. Khi đào tạo về branding cho tổ chức vì quyền bình đẳng phụ nữ của LHQ, chị giám đốc chia sẻ với tôi rằng ngay cả giữa các tổ chức NGO cũng cạnh tranh nhau rất ghê. Bên nào cũng cần xây dựng hình ảnh thương hiệu hấp dẫn hơn để thuận lợi hơn trong các hoạt động của mình.

Ở Việt Nam trường đại học nào được coi là có thương hiệu nhất? Có thể là FTU – Trường đại học Ngoại thương? Sinh viên FTU được nhận biết là ổn hơn các trường khác về khả năng thích nghi và năng động trong tư duy của họ. Có vẻ sinh viên FTU ra trường xin việc dễ hơn các bạn trường khác (cùng chuyên ngành nghề) khi CV của họ có ghi là tốt nghiệp FTU? Một sinh viên tốt nghiệp FTU không đồng nghĩa luôn tốt hơn một sinh viên trường khác ở một chuyên ngành, nhưng có thể dòng CV “tốt nghiệp FTU” là một lợi thế của họ. Cái đó gọi là FTU “có thương hiệu”.

Nói như bác cán bộ trên đại học FTU là một “con buôn”?

Nếu con buôn đắt hàng và có khả năng cho ra nhiều sản phẩm tốt thì nên có nhiều con buôn hơn nữa cho thị trường giáo dục trong nước.

P/S: FTU có thương hiệu nhưng việc sử dụng thương hiệu này như thế nào cũng là vấn đề của các bạn sinh viên. Sự ngộ nhận thậm chí ảo tưởng về năng lực và về “nguồn gốc xuất xứ” có thể sẽ dẫn sự lệch lạc cho các bạn trong những năm đầu phát triển sự nghiệp của mình.

3 lý do không nên mạo hiểm bỏ học đại học để kinh doanh

Bài viết mới