Việt Nam đang tích cực đẩy mạnh bán cổ phần trong các doanh nghiệp nhà nước để tăng nguồn thu và giảm bớt áp lực cho ngân sách cũng như thúc đẩy nền kinh tế để có thể đạt, thậm chí vượt mục tiêu tăng trưởng đã đề ra cho năm 2018.
Trả lời phỏng vấn của Bloomberg Television, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho biết Chính phủ dự kiến bán ra lượng cổ phần lớn gấp 6,5 lần so với năm ngoái. Năm 2017, Chính phủ đã thu được 135,6 nghìn tỷ đồng (tương đương 6 tỷ USD) từ cổ phần hóa và thoái vốn.
“Chúng tôi mong muốn có thêm nhiều vốn đầu tư nước ngoài, nhưng cũng cần thu hút các nhà đầu tư chiến lược tốt để có thể giúp các doanh nghiệp nâng cao chất lượng quản trị”, Phó Thủ tướng cho biết. Theo ông, các tài sản mà Chính phủ có kế hoạch bán cổ phần trong những công ty dẫn đầu mảng năng lượng, điện lực và dầu khí.
Tuy lọt vào top những nền kinh tế tăng trưởng nhanh nhất thế giới trong năm ngoái với mức tăng trưởng đạt 6,8%, Việt Nam cũng đang có mức nợ công cao – yếu tố khiến khả năng tăng chi tiêu công của Chính phủ bị hạn chế. Báo cáo của HSBC công bố cách đây ít ngày dự báo Việt Nam có thể vượt trần nợ công 65% GDP vào năm tới, nhận định Việt Nam là nước cần phải củng cố ngân sách nhất ở khu vực Đông Nam Á.
Việt Nam đang dựa vào tầng lớp trung lưu đang ngày càng lớn mạnh và dân số trẻ để thu hút các nhà đầu tư. Năm 2018 nhà đầu tư có thể mua cổ phần ở 245 doanh nghiệp nhà nước đang dự kiến bán ra, trong đó có 4 vụ IPO lớn diễn ra ngay trong quý I, bao gồm Công ty lọc hóa dầu Bình Sơn, Tổng công ty dầu Việt Nam (PVOil), Tổng công ty điện lực dầu khí Việt Nam (PVPower) và Tổng công ty Cổ phần Bia – Rượu – Nước giải khát Hà Nội (Habeco).
Trong số các thương vụ thoái vốn của năm 2017 có thể kể đến vụ bán cổ phần ở Sabeco cho tập đoàn Thai Beverage của Thái Lan với giá 4,8 tỷ USD.
Trong nỗ lực cổ phần hóa các doanh nghiệp nhà nước ở Việt Nam, nhiều tập đoàn gặp khó khăn trong việc định giá cổ phần. Phó Thủ tướng cho biết Chính phủ hiện đang tích cực tiến hành các bước để có thể cho phép nâng tỷ lệ sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài trong nhiều lĩnh vực, trong đó có ngân hàng.
Theo ước tính của World Bank, đến năm 2019 nợ công và nợ được Chính phủ đảm bảo của Việt Nam sẽ tăng từ mức 62,6% của năm ngoái lên 64,2% GDP. Bộ Tài chính ước tính bội chi ngân sách năm 2018 có thể ở mức 204 nghìn tỷ đồng, tương đương khoảng 3,7% GDP, so với 3,5% của năm 2017.
Theo Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ, năm nay kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục duy trì mức tăng trưởng 6,8% đã đạt được trong năm 2017 – cao hơn một chút so với mục tiêu 6,7% mà Chính phủ đề ra, mặc dù những nguy cơ từ làn sóng bảo hộ thương mại vẫn đang dâng cao trên thế giới.
“Kinh tế Việt Nam vẫn đang phải đối mặt với một số rủi ro và thách thức, nhưng thách thức lớn nhất là chúng ta muốn tăng trưởng nhanh hơn nhưng vẫn phải đảm bảo bền vững trong bối cảnh kinh tế thế giới diễn biến khó lường”, ông nói.
Với tổng giá trị kim ngạch thương mại năm 2017 cao gấp 1,93 lần GDP, nền kinh tế Việt Nam có độ mở cao và khá nhạy cảm với những biến động trên thị trường thế giới. “Những biến động này có thể tác động nhanh chóng và trực tiếp đến các hoạt động thương mại, đầu tư và tiền tệ của Việt Nam”, ông cho biết.