Trong lộ trình điều chỉnh chính sách thuế nhằm mục tiêu cơ cấu lại ngân sách nhà nước, bảo đảm nguồn thu và phù hợp với thông lệ quốc tế, một số hàng hóa, dịch vụ có nguy cơ phải chịu tăng thuế cao so với quy định hiện hành. Một trong số đó là mặt hàng xăng dầu.
Giảm 1, tăng 2
Cụ thể, mặt hàng xăng dầu hiện vẫn đang được giảm thuế nhập khẩu và tiến tới được hưởng thuế suất 0% từ ngày 1-1-2018 đối với một số thị trường. Đến năm 2024, thuế nhập khẩu xăng dầu từ thị trường ASEAN theo hiệp định thương mại tự do ASEAN cũng về mức 0%.
Theo đề xuất của Bộ Tài chính, mặt hàng xăng dầu sẽ tăng 2 loại thuế gồm thuế bảo vệ môi trường (BVMT) và thuế GTGT. Trong đó, thuế BVMT được đề xuất tăng khung thuế từ 3.000-8.000 đồng/lít thay vì khung thuế hiện hành đang áp dụng là từ 1.000-4.000 đồng/lít. Dự thảo này sẽ trình Quốc hội cho ý kiến tại kỳ họp tháng 10 tới và dự kiến áp dụng từ ngày 1-7-2018.
Bên cạnh đó, thuế GTGT cũng được đề xuất tăng từ 10% lên 12%, bắt đầu từ ngày 1-1-2019.
Thuế bảo vệ môi trường và thuế GTGT nếu được thông qua sẽ tác động lớn đến giá xăng dầu Ảnh: TẤN THẠNH
Như vậy, trong 4 loại thuế mà xăng dầu đang phải “cõng” hiện nay, gồm có thuế nhập khẩu, thuế GTGT, thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế BVMT thì có tới 2 loại thuế được đề xuất điều chỉnh tăng trong khi chỉ có 1 loại thuế giảm.
Theo tính toán của Bộ Tài chính tại thời điểm tháng 2-2017, tỉ trọng thuế trong xăng RON 92 ở Việt Nam ở mức 41,5%, dầu diesel là 22,5%, dầu hỏa 11,4%. Bộ Tài chính đánh giá đây là mức thấp so với thế giới vì có quốc gia như Hàn Quốc, các loại thuế chiếm tới 70,3% giá bán lẻ xăng dầu.
Tuy nhiên, lãnh đạo một doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu cho biết tỉ trọng thuế trong giá bán lẻ xăng dầu có lúc đã lên đến xấp xỉ 50% giá bán lẻ và không phải là mức thấp so với thế giới. Khoảng 2 năm gần đây, cơ chế điều hành giá xăng dầu chuyển sang cách tính thuế gia quyền cộng với việc giá xăng dầu thế giới ổn định đã khiến thuế nhập khẩu giảm được khoảng 10%, góp phần giảm giá bán lẻ trong nước, có lợi cho người tiêu dùng.
Theo lãnh đạo doanh nghiệp này, vì lo ngại giảm thu từ thuế nhập khẩu xăng dầu mà Bộ Tài chính tính bù thu qua chính sách khác để cân đối nguồn thu cũng có thể chấp nhận được. Nhưng việc nâng mức trần thuế BVMT lên 8.000 đồng là quá cao, có thể khiến giá bản lẻ tăng sốc. Đối với thuế GTGT, nếu thu thêm 2% thì nên bỏ Quỹ Bình ổn để không gây áp lực lên giá bán lẻ xăng dầu. “Nếu tăng thuế GTGT như đề xuất, mỗi lít xăng tăng thêm 300-400 đồng/lít, còn thuế BVMT thu mức nào doanh nghiệp sẽ cộng ngay mức đó vào giá bán, khiến giá bán lẻ xăng dầu trở nên đắt hơn nhiều” – doanh nghiệp này tính toán.
Lo ngại lạm phát tăng
Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long lo ngại nếu đề xuất tăng thuế BVMT và GTGT được chấp thuận sẽ có tác động rất lớn đối với tiêu dùng của toàn xã hội nói chung và mặt hàng xăng dầu nói riêng. Xăng dầu là mặt hàng chiến lược, đầu vào của sản xuất, kinh doanh, an ninh quốc phòng… nên giá xăng tăng sẽ tác động rất lớn đến mặt bằng giá. Năm 2015-2016, giá xăng dầu giảm là một trong những tác động giúp Việt Nam kiểm soát lạm phát tốt hơn, đời sống người dân và hoạt động sản xuất – kinh doanh của doanh nghiệp được cải thiện, người tiêu dùng không phải chịu áp lực tăng giá. “Thuế nhập khẩu chỉ giảm một phần và giảm tùy thị trường thôi. Còn thuế BVMT và thuế GTGT tăng là lợi ít, hại nhiều. Tăng thuế GTGT sẽ tác động ngay đến mặt bằng giá, có thể gây lạm phát, làm giảm sức mua, ảnh hưởng đến sản xuất. Lạm phát tăng sẽ ảnh hưởng ngay đến ổn định kinh tế vĩ mô” – ông Long nói.
Trong văn bản góp ý về tăng thuế BVMT, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam cũng cho rằng tăng thuế này đối với mặt hàng xăng dầu sẽ ảnh hưởng ngay đến toàn bộ nền kinh tế. Cơ quan này phân tích: Các chi phí đầu vào và nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đang có xu hướng tăng mạnh trong thời gian qua, như chi phí sử dụng đường bộ đang tăng do nhiều dự án BOT đã và sẽ đi vào khai thác, chi phí sử dụng hạ tầng cảng biển… Do đó, việc tăng thuế đối với xăng dầu cần được đánh giá tác động một cách bài bản và khách quan đối với toàn bộ nền kinh tế và phúc lợi xã hội của đất nước.
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam dẫn chứng một báo cáo của Bộ Tài chính cho thấy năm 2016 mức đóng góp của thuế BVMT trong tổng thu ngân sách là 4,1%, trong đó 99% là từ xăng dầu. Nếu cộng cả thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế GTGT thì mức đóng góp của ngành xăng dầu vào khoảng 9,8% tổng thu ngân sách. Nếu mức thuế mới kịch khung được áp dụng là 8.000 đồng/lít cùng với loại bỏ thuế nhập khẩu theo lộ trình thì đóng góp của thuế BVMT khoảng 15% tổng thu ngân sách. Đây là tỉ lệ rất lớn và không có lợi cho kết cấu ngân sách quốc gia. Do đó, xét về dài hạn, việc nới khung thuế BVMT đối với xăng dầu nhằm bảo đảm thu ngân sách sẽ là giải pháp lợi bất cập hại. Nó làm giảm áp lực chuyển đổi hệ thống tài chính quốc gia theo hướng bền vững hơn.
Quỹ bình ổn xăng dầu còn 3.975 tỉ đồng
Bộ Tài chính vừa công bố tình hình trích lập, sử dụng và lãi phát sinh trên số dư Quỹ Bình ổn xăng dầu. Cụ thể, số dư quỹ tính đến hết ngày 30-6 là 3.975 tỉ đồng. Trong đó, số dư tại thời điểm ngày 1-1-2017 là 2.389,891 tỉ đồng, số còn lại được trích lập từ đầu năm đến thời điểm thống kê.
Trong số 27 doanh nghiệp kinh doanh xăng dầu, số dư quỹ lớn nhất thuộc về Petrolimex với hơn 2.552 tỉ đồng. Đứng thứ hai là Tổng Công ty Xăng dầu Quân đội có số dư gần 358 tỉ đồng. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp đang âm quỹ là Công ty CP Lọc hóa dầu Nam Việt âm quỹ gần 25 tỉ đồng, Công ty CP Xăng dầu và Dịch vụ hàng hải STS âm quỹ gần 16 tỉ đồng, Công ty CP Dầu khí Đông Phương âm quỹ gần 11 tỉ đồng…