Tất cả đều biết
Bác sĩ Nguyễn Trọng An, Phó Giám đốc Trung tâm RTCCD đánh giá, rõ ràng quy định pháp luật về quản lý, sử dụng Quỹ BHYT còn nhiều kẽ hở. Từ đó, cơ sở y tế cũng tìm cách trục lợi, người bệnh có thẻ BHYT cũng tìm cách khám thật nhiều để lấy thuốc đem bán hưởng lợi. “Ngành y tế muốn tốt cho người bệnh, tốt cho BV, ngành bảo hiểm muốn quản lý Quỹ chặt chẽ để sử dụng bền vững. Những phát sinh do quy định pháp luật cần cơ quan ban hành giám sát, sửa đổi kịp thời, để người bệnh và bác sĩ đều yên tâm, Quỹ BHYT cũng được sử dụng hiệu quả”, ông An nói.
Trao đổi với Tiền Phong, Vụ trưởng BHYT (Bộ Y tế) Lê Văn Khảm cho rằng, việc tăng chi phí khám chữa bệnh BHYT chủ yếu do điều chỉnh tăng giá dịch vụ y tế. Cùng đó, người dân cũng có điều kiện hơn trong tiếp cận các dịch vụ y tế nên lượng người đi khám chữa bệnh bằng BHYT tăng. Đồng thời, việc thông tuyến huyện, giúp người dân tới các cơ sở y tế thuận lợi hơn trước; các dịch vụ kỹ thuật hiện đại đã được chuyển giao rộng rãi hơn tới các BV tuyến dưới, nên dịch vụ kỹ thuật cũng được áp dụng rộng rãi hơn…
Tuy vậy, ông Khảm thừa nhận, cũng có trường hợp cơ sở y tế chỉ định các dịch vụ kỹ thuật quá mức cần thiết, sử dụng thuốc chưa hợp lý, thuốc đắt tiền. Ngoài ra, có BV chỉ định rộng rãi bệnh nhân vào điều trị nội trú, thời gian điều trị kéo dài không cần thiết, một số người dân lợi dụng thông tuyến để khám và lấy thuốc tại nhiều nơi… chi phí do BHYT chi trả. Theo đại diện Bộ Y tế, hiện cũng có một số dịch vụ kỹ thuật đang quy định giá chưa sát thực tế. “Ngành y tế sẽ xem xét lại để ban hành khung giá dịch vụ khám chữa bệnh mới sát thực tế hơn trong thời gian sớm nhất có thể”, ông Khảm nói.
Ông Lê Văn Phúc, Phó Trưởng ban phụ trách Ban Thực hiện Chính sách BHYT (Bảo hiểm Xã hội Việt Nam) cho biết, việc tăng giá dịch vụ y tế từ năm 2016 đã làm Quỹ BHYT tăng chi hơn 10.500 tỷ đồng mỗi năm. Cụ thể, chỉ riêng quy định tính ngày điều trị theo công thức mới (ngày ra viện trừ ngày vào viện cộng thêm 1 ngày) đã làm tăng chi Quỹ BHYT hơn 1.000 tỷ đồng mỗi năm. Ngoài ra, một số dịch vụ y tế quy định giá cao hơn thực tế, như tiền giường bệnh, nội soi tai mũi họng, các dịch vụ phục hồi chức năng, y học cổ truyền; BV thống kê sai chủng loại dịch vụ kỹ thuật, áp giá thanh toán không đúng quy định để tăng thanh toán chi phí từ Quỹ BHYT… “Tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT diễn ra tại nhiều cơ sở khám chữa bệnh, như việc dùng nhiều thuốc bổ trợ gây lãng phí…”, ông Phúc nói. Vị này dẫn chứng, thống kê 5 BV trung ương tại TPHCM, riêng 2 loại thuốc bổ trợ acid amin và albumin đã chiếm tới 8,5% tổng tiền thuốc tân dược của các BV này.
Đã làm hết trách nhiệm?
Về trách nhiệm của ngành y tế trong chi tiêu Quỹ BHYT, ông Lê Văn Khảm cho biết, ngành này luôn có ý thức phòng chống các hành vi lạm dụng Quỹ BHYT, như có nhiều văn bản, quy định để phòng chống, xử lý vi phạm. Đồng thời, ngành y tế phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội thực hiện kiểm tra, giám sát tại các cơ sở y tế. “Nhưng việc xử phạt lạm dụng Quỹ BHYT còn ít, chủ yếu khi phát hiện BV thực hiện chưa đúng, cơ quan bảo hiểm từ chối thanh toán. Đó cũng được xem như một hình thức xử phạt với các BV. Sau đó chúng tôi có cảnh báo, hướng dẫn các BV thực hiện cho đúng”, ông Khảm nói.
Còn ông Lê Văn Phúc thẳng thắn, để xảy ra tình trạng lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT trách nhiệm trước hết thuộc ngành y tế – đơn vị quản lý BV và ban hành các quy định sử dụng BHYT. Ông Phúc dẫn chứng, ngành y tế ban hành một số chính sách giá dịch vụ cao hơn thực tế, nên các BV lạm dụng, chỉnh định quá mức để thu lợi; thiếu các quy trình chuyên môn kỹ thuật, hướng dẫn điều trị. Cùng đó, ngành y tế xử lý chưa nghiêm tình trạng lạm dụng Quỹ BHYT, công tác tuyên truyền, giáo dục về y đức với nhân viên y tế còn hạn chế. “Chỉ qua thanh tra mới được xử phạt các vi phạm, trục lợi BHYT, nhưng chức năng này thuộc về ngành y tế, cơ quan bảo hiểm xã hội không được trao quyền thực hiện”, ông Phúc nói.
Đại diện Bảo hiểm Xã hội Việt Nam cũng thừa nhận có phần trách nhiệm của ngành. Như cơ quan bảo hiểm tại một số địa phương kiểm tra, giám sát chưa chặt chẽ. Đặc biệt, thời điểm trước khi có Hệ thống thông tin giám định BHYT điện tử (trước tháng 6/2016), việc kiểm soát khám chữa bệnh thông tuyến, thống kê sai dịch vụ y tế gặp nhiều khó khăn. Hiện Hệ thống thông tin giám định BHYT đã kết nối hơn 12.000 cơ sở khám chữa bệnh BHYT trên toàn quốc, nên việc giám sát đã có bước tiến bộ. Ngoài ra, theo ông Phúc, hiện chính quyền địa phương cũng chưa vào cuộc quyết liệt để chấn chỉnh công tác khám chữa bệnh BHYT; chưa xử lý các hành vi lạm dụng, trục lợi Quỹ BHYT…
Để đảm bảo quyền lợi của người bệnh và ổn định Quỹ BHYT, theo ông Phúc, cần có chế tài xử phạt nghiêm khắc hơn đối với các trường hợp nợ đóng, trốn đóng BHYT. Cùng đó là xây dựng lộ trình tăng mức đóng BHYT phù hợp điều kiện kinh tế – xã hội từng thời kỳ; sớm xây dựng và ban hành gói dịch vụ y tế cơ bản. Ngoài ra, ông Phúc cho rằng, cần xây dựng chính sách cung ứng, sử dụng thuốc, vật tư y tế đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả và an toàn. Đặc biệt, phải từng bước loại khỏi danh mục thanh toán BHYT các loại thuốc không có tác dụng điều trị rõ rệt, thuốc bổ trợ; tăng cường phối hợp giữa ngành y tế và bảo hiểm, nâng cao trách nhiệm chính quyền địa phương trong quản lý Quỹ BHYT… “Thuốc và vật tư y tế chiếm 50% tổng chi phí khám, chữa bệnh BHYT (khoảng 35.000 tỷ đồng/năm). Để đạt được mục tiêu giảm giá thành thuốc từ 10-15% so với hiện nay, ngoài đấu thầu thuốc tập trung, cần loại khỏi danh mục mua sắm các loại thuốc có hàm lượng không phổ biến, thuốc bổ trợ với giá cao”, ông Phúc nói.
Làm việc với Bảo hiểm Xã hội Việt Nam mới đây, Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ cho rằng, qua số liệu đã thấy rõ gian lận, trục lợi BHYT hầu như tỉnh nào cũng có, cơ sở khám chữa bệnh nào cũng có. Theo Phó Thủ tướng, việc trục lợi BHXH, BHYT do xử phạt chưa nghiêm, chưa công khai, làm cho quyền lợi của người lao động bị ảnh hưởng, do đó cần chú trọng vấn đề này và phải lên án. “Hành vi trục lợi BHXH, BHYT là tham nhũng, phải khẳng định như vậy”, Phó Thủ tướng nói.
Muôn kiểu “trục lợi” Quỹ Bảo hiểm Y tế