PetroVietnam Oil, Tổng công ty phân phối xăng dầu của Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam (PVN), sẽ tiến hành bán 20% cổ phần trên Sàn giao dịch chứng khoán TP.HCM (HoSE) vào ngày 25/01. Thương vụ nhận được sự quan tâm của Tập đoàn dầu khí đa quốc gia Anglo-Dutch Shell và PTT của Thái Lan và các nhà đầu tư tiềm năng khác.
Khi PVN tiến hành thoái vốn, một số công ty mong muốn trở thành nhà đầu tư chiến lược tại PV Oil, bởi PV Oil sở hữu hệ thống các cửa hàng xăng dầu khắp toàn quốc và cả ở thị trường Lào.
Một số nhà đầu tư chiến lược tiềm năng khác là công ty Idemitsu Kosan của Nhật Bản, Kuwait International Petroleum của Kuwait, SK của Hàn Quốc và quỹ đầu tư Sacom Investment.
Công ty cổ phần Sovico (Sovico Holdings), do CEO Nguyễn Thị Phương Thảo của Vietjet nắm 52% cổ phần, cũng sẽ tham gia thương vụ này. Nhà đầu tư nước ngoài chỉ được mua tối đa 49% cổ phần trong lĩnh vực năng lượng. Trong khi đó, các nhà đầu tư trong nước bày tỏ mong muốn mua đến 35% cổ phần, ông Cao Hoài Dương CEO của PV Oil cho biết trong buổi giới thiệu chào bán cổ phẩn tại TP.HCM vào tuần trước.
Theo Nikkei, một nhân viên tại Sovico Holdings cho biết PV Oil phù hợp với danh mục đầu tư của họ, danh mục này cũng bao gồm lĩnh vực ngân hàng, hàng không và bất động sản.
Hệ thống phân phối của PV Oil được cho là có thể hỗ trợ chiến lược mở rộng thị trường trong nước và khu vực của Vietjet Air. Vietjet không phân phối xăng dầu cho ngành hàng không nhưng có thể thâm nhập thị trường xăng dầu – thị trường hiện đang bị thống trị bởi Petrolimex và Công ty TNHH MTV Xăng dầu Hàng không Việt Nam (công ty con của Vietnam Airlines). PV Oil và hai công ty con khác của PVN tiến hành IPO trong tháng này. PV Oil sẽ giao dịch hơn 200 triệu cổ phần với giá khởi điểm là 13.400 VNĐ/cp. Thương vụ dự kiến sẽ đem về 120 triệu USD.
Sau đợt IPO, PVN sẽ tiến hành đấu giá hơn 44% cổ phần của PV Oil cho các nhà đầu tư chiến lược để rút vốn Nhà nước từ 100% xuống 35%. Thời điểm đấu giá chưa được công bố nhưng các thỏa thuận cần thiết phải được hoàn thành trong quý này.
Được thành lập 10 năm trước với số lượng cửa hàng xăng dầu ban đầu là 82, PV Oil hiện có 540 trạm xăng. Công ty hy vọng nâng con số này lên 1.570 trạm vào năm 2022 nhờ tăng trưởng cùng với hoạt động mua bán và sáp nhập. PV Oil hiện có hơn 30 kho lưu trữ với dung tích 1,3 triệu mét khối.
PV Oil là hãng bán lẻ xăng dầu lớn thứ hai Việt Nam chiếm 22% thị phần trong nước. Đối thủ của PV Oil là Petrolimex (hãng xăng dầu số 1), Saigon Petro, Công ty Cổ phần Hóa dầu Quân đội và Tổng Công ty Thương mại Xuất nhập khẩu Thanh Lễ. PV Oil cũng sở hữu 20% thị phần bán lẻ xăng dầu tại Lào.
Công ty ước đạt 56 nghìn tỷ đồng doanh thu hợp nhất và 405 tỷ đồng lợi nhuận trước thuế năm 2017, vượt kế hoạch cả năm.
Từ trước đến nay, PV Oil tập trung bán buôn. Tuy nhiên, hiện công ty có kế hoạch tăng doanh thu bán lẻ trong lĩnh vực công nghiệp và giao thông từ 24% và 18% lên 35%.
Theo bà Đinh Thị Thùy Dương, chuyên gia phân tích của Chứng khoán Bản Việt, những điểm thu hút nhà đầu tư nước ngoài bao gồm sự kiểm soát giảm dần của Nhà nước, thị phần và mạng lưới phân phối ngày càng rộng lớn của công ty và sự tin tưởng của người tiêu dùng.
Theo nghiên cứu của BMI, các sản phẩm dầu qua chế biến bao gồm xăng, dầu diesel, dầu nhiên liệu, nhiên liệu phản lực A1 được dự báo sẽ tăng trưởng 4,3%/năm trong giai đoạn 2014 – 2025. Tăng trưởng có được là do ngành công nghiệp phát triển, vận chuyển đường bộ, vận tải hành khách và số lượng ô tô hằng năm gia tăng.