Theo đề xuất của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (LĐ-TB-XH), kể từ ngày 1-1-2021 sẽ bắt đầu thực hiện theo lộ trình nâng tuổi nghỉ hưu trong dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi theo hướng nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi. Đề xuất này gây nhiều sự chú ý dư luận.
Lựa chọn theo 2 phương án
Trước băn khoăn của dư luận, trả lời phóng viên Báo Người Lao Động vào sáng 17-1, ông Doãn Mậu Diệp, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB-XH, cho rằng tuổi nghỉ hưu như hiện hành (nam 60 tuổi, nữ 55 tuổi) đã được quy định từ năm 1961. Hơn 50 năm qua, không hề điều chỉnh chính sách về tuổi nghỉ hưu.
“Đối với các nước cũng đã thực hiện nâng dần tuổi nghỉ hưu, nhiều nước đang thực hiện nghỉ hưu ở độ tuổi 65, 67. Chúng ta cũng mong muốn thu hẹp khoảng cách nghỉ hưu của nam và nữ, đây cũng là hướng đến việc không phân biệt đối xử về giới” – Thứ trưởng Diệp nói. Ông cho biết đã có rất nhiều tính toán, khuyến nghị của các tổ chức quốc tế rằng để bảo đảm cân đối quỹ BHXH trong dài hạn thì cần phải nâng tuổi nghỉ hưu.
Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp cũng cho rằng chúng ta phải nhìn vào thực tế để thấy sự cần thiết phải nâng tuổi nghỉ hưu, đó là vì dân số Việt Nam đang già hóa. Trước đây, mỗi năm có 1,5-1,7 triệu lao động tham gia vào thị trường lao động nhưng hiện nay chỉ còn 800.000-900.000 người, trong tương lai giảm nữa.
Công nhân nữ khó có thể làm việc đến 60 tuổi để nghỉ hưu. Trong ảnh: Công nhân ở KCN Bắc Thăng Long (Hà Nội) nhận quà Tết của tổ chức Công đoàn trong chương trình “Tết sum vầy”
Về đề xuất phương án nâng tuổi nghỉ hưu, Thứ trưởng Doãn Mậu Diệp nói có rất nhiều phương án được tính toán. Tuy nhiên, có 2 phương án được đưa vào dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi. Theo đó, từ ngày 1-1-2021, cứ mỗi năm tăng thêm 6 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi sẽ dừng. Về lâu dài có thể nâng tuổi nghỉ hưu lên 65. Phương án 2 là từ thời điểm trên, cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng cho đến khi nam đủ 62 tuổi, nữ đủ 60 tuổi sẽ dừng.
Về đối tượng nâng tuổi nghỉ hưu, ông Diệp khẳng định không phải áp dụng đại trà mà chỉ tính toán áp dụng theo một số đối tượng, ngành nghề. “Tăng trong dự kiến có ngành nghề, người lao động sẽ nghỉ hưu cao hơn 60 tuổi (đối với nữ) hay 62 (đối với nam) như lao động có trình độ, chuyên môn cao. Tuy nhiên, cũng có lĩnh vực, ngành nghề, người lao động sẽ nghỉ hưu thấp hơn như những ngành nghề lao động nặng nhọc, độc hại. Sự chênh lệch không quá 5 năm so với quy định” – ông Diệp giải thích.
Vị đại diện Bộ LĐ-TB-XH còn thông tin thêm theo chỉ đạo của Chính phủ, sắp tới đây, bộ này sẽ phối hợp với các bộ – ngành đánh giá lĩnh vực lao động chất lượng cao, đòi hỏi kinh nghiệm, kỹ năng… để quyết định ngành nghề nào kéo dài tuổi nghỉ hưu cao hơn.
Cần cẩn trọng
Ông Lê Đình Quảng, Phó trưởng Ban Quan hệ lao động thuộc Tổng LĐLĐ Việt Nam, cho biết hiện cơ quan soạn thảo chưa đưa dự thảo Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều Bộ Luật Lao động ra để lấy ý kiến nên Tổng LĐLĐ Việt Nam chưa thể có ý kiến về đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu hay không. “Khi nào cơ quan soạn sảo có dự thảo Bộ Luật Lao động (sửa đổi) và chính thức lấy ý kiến, lúc đó chúng tôi sẽ có quan điểm chính thức” – ông Quảng nói.
Trước đó, ngày 4-5-2017, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Nghị quyết 379/2017/UBTVQH14 về điều chỉnh Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017. Theo đó đưa ra khỏi Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2017 đối với Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ Luật Lao động với lý do còn có những ý kiến trái chiều cần được nghiên cứu kỹ hơn, như: tăng tuổi nghỉ hưu, tăng giờ làm thêm, tiền lương tối thiểu. Do đó, thay vì sửa đổi, bổ sung một số điều thì Bộ LĐ-TB-XH đề xuất thành dự án Bộ Luật Lao động sửa đổi và dự kiến trình vào thời điểm thích hợp.
Với đề xuất đang gây ra nhiều tranh luận của Bộ LĐ-TB-XH, ông Mai Đức Chính, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam, khẳng định Tổng LĐLĐ Việt Nam tiếp tục bảo lưu quan điểm không tăng tuổi nghỉ hưu đồng loạt trong tất cả ngành nghề, lĩnh vực. Thay vào đó, chỉ tăng tuổi nghỉ hưu với khu vực lao động gián tiếp, đơn vị hành chính, sự nghiệp, còn khu vực lao động trực tiếp (công nhân) không thể tăng. Thậm chí, ngay trong khu vực sự nghiệp cũng có một số ngành nghề khó tăng tuổi nghỉ hưu.
Lãng phí?
Tại Hội nghị tổng kết năm 2017 và triển khai nhiệm vụ năm 2018 của Bộ LĐ-TB-XH vào sáng 17-1, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu ngành lao động cần tiếp tục hoàn thiện cơ chế, chính sách pháp luật, khẩn trương xây dựng Đề án cải cách tiền lương, BHXH trình Hội nghị Trung ương lần thứ 7 (khóa XII). Thủ tướng lưu ý: “Có rất nhiều ý kiến nói rằng người Việt Nam thọ 74-75 tuổi rồi, vậy mà vẫn để tuổi về hưu là 60 tuổi đối với nam và 55 tuổi đối với nữ, làm như vậy có đúng không, có lãng phí không, có vỡ quỹ BHXH không? Những vấn đề này cần phải tính toán, nghiên cứu”.
Luật sư Nguyễn Văn Hậu, Đoàn Luật sư TP HCM:
Tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, nhà nước
Mục đích của đề xuất nâng tuổi nghỉ hưu một phần là nhằm bảo đảm cân đối quỹ hưu trí và tử tuất, bởi quỹ BHXH đang có nguy cơ mất cân đối trong tương lai gần.
Tại nước ta hiện nay, lao động phổ thông vẫn là lực lượng chiếm đa số nhưng cũng là lao động có sức khỏe bị suy giảm nhanh chóng bởi chế độ dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe y tế còn rất nhiều hạn chế. Do vậy, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến sức khỏe của người lao động, cũng như làm ảnh hưởng đến công việc trong trường hợp vẫn lao động khi không đủ điều kiện sức khỏe. Điều này còn ảnh hưởng đặc biệt đến người lao động làm công việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Ngoài ra, việc kéo dài tuổi hưu sẽ tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, cho nhà nước, điển hình như đối với lao động nữ, khi làm việc ở điều kiện cao tuổi thì doanh nghiệp cũng như nhà nước phải tạo điều kiện thuận lợi hơn, chi trả nhiều chi phí hơn để bảo đảm năng suất làm việc.
Do đó, đề xuất này chỉ nên áp dụng đối với một số lao động cũng như ngành nghề nhất định, để có thể bảo đảm cân bằng quyền lợi cho người lao động và xã hội.Tr.Hoàngghi