Chuyện ngân hàng “nhìn trước ngó sau” lợi nhuận

Kết thúc năm 2017, 30 và 31/12 rơi vào hai ngày nghỉ cuối tuần, nhưng lãnh đạo một số ngân hàng vẫn phải họp, nhấc lên đặt xuống những con số.

Hôm qua họp, lợi nhuận tạm định một con số. Hôm nay họp xong, đành chốt lại và nhún một chút. Cao quá có phần “bất tiện”.

Giống như cuốn sách vậy, yết giá 200.000 đồng dễ đẹp mắt người bán, nhưng để 199.000 đồng dễ thuận mắt người xem hơn, dù chỉ chỉnh rất nhỏ.

Tránh đi một cuộc đua

Về kết quả riêng lẻ, ở mùa báo cáo tài chính sắp tới, để ý sẽ thấy một số ngân hàng thương mại chỉ cần nhấn thêm chút nữa sẽ vượt con số đẹp. Ví như thêm vài chục tỷ đồng thì chạm mốc hoặc vượt mức độ nghìn tỷ nào đó, như giá cuốn sách trên vậy.

“Thực ra về thành tích thì ai cũng muốn lợi nhuận vượt mốc này mốc kia. Nó là kết quả của một năm phấn đấu, sau giai đoạn nhiều khó khăn từ 2011 đến nay. Nhưng cũng phải trù liệu, nhìn trước ngó sau, mà có cân đối nhất định”, tổng giám đốc một ngân hàng cho biết.

Cá nhân ông mong ghi nhận một cách đầy đủ và đạt con số vượt mốc. Kết quả như vậy sẽ cổ vũ, động viên cán bộ nhân viên, rồi lương thưởng Tết gần kề…

“Con số lợi nhuận động viên toàn hệ thống. Anh em sẽ vui và tự hào. Đó là thành quả, vì những giai đoạn khó khăn, nhìn chúng nó (nhân viên ngân hàng – PV) trải chiếu ra sàn tranh thủ nghỉ khi làm thêm giờ, họp hành suốt đến nửa đêm, có những lúc tôi phải vào rửa mặt để tránh họ thấy mình xúc động. Năm qua, ngân hàng có hơn 200 nhân viên nghỉ và chuyển việc vì áp lực, vì cả lo ngại rủi ro… mà có dám nói với ai đâu. Nên về mặt nào đó, con số lợi nhuận rất ý nghĩa”, vị tổng giám đốc trên nói.

Nhưng vì sao phải nhìn trước ngó sau, phải trù liệu căn chỉnh?

Sau giai đoạn 2011 – 2016, lợi nhuận ngân hàng nói chung mới thực sự bùng nổ trở lại năm qua. Về kỹ thuật, họ có thể điều chỉnh được qua mức độ giá trị tài sản đảm bảo để đối ứng trích lập dự phòng, hoặc ghi nhận từng phần những khoản thu nào đó…

Theo lãnh đạo một ngân hàng thương mại, mấy tháng gần đây thị trường chứng khoán mới thực sự khởi sắc, còn nhiều năm qua môi trường và điều kiện khó khăn nên nhiều ngân hàng không tăng mạnh được vốn.

Vậy nên, việc ghi nhận lợi nhuận quá cao sẽ tạo sức ép, thậm chí dồn đẩy cỗ máy hoạt động công suất “quá tải” vì các chỉ tiêu tăng trưởng năm tới.

Thực tế, đặc biệt ở khối ngân hàng thương mại Nhà nước, vốn điều lệ đã ba năm qua gần như không tăng được. Dư địa khai thác để tạo lãi ngày càng hạn hẹp, sức ép tăng trưởng ở năm sau càng lớn nếu để tham chiếu kết quả năm trước quá cao.

Một sức ép vô hình khác nữa, các nhà băng trong nhóm luôn nhìn vai nhau về lợi nhuận. “Lớn nhất”, “dẫn đầu” từng có những năm so kè quyết liệt.

Thậm chí có chuyện bên lề, ngân hàng A thăm dò ngân hàng B, chờ đến phút cuối để vượt qua cho được con số lợi nhuận, dù chỉ chênh nhau mấy chục tỷ.

Lãnh đạo một ngân hàng thương mại cho rằng, sự so sánh thứ hạng lợi nhuận giữa các thành viên tương đồng tưởng như “vô thưởng vô phạt”, nhưng khi nó mở rộng trong hệ thống có thể gây quan ngại.

Theo phân tích của người trong cuộc này, 80-90% lợi nhuận hầu hết các nhà băng đều nhìn vào tín dụng. Sự so kè và quyết đẩy lợi nhuận vượt nhau sẽ cản trở nhất định đến mục tiêu giảm lãi suất cho vay mà Chính phủ, Ngân hàng Nhà nước đề ra.

Của để dành và xu hướng

Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, tổng tín dụng của toàn hệ thống hiện đã lên tới hơn 130% GDP – một mức rất cao so với nhiều quốc gia khác và tiềm ẩn dồn đẩy rủi ro, như đối với lạm phát.

Đó cũng là một trong những lý do trong năm 2017 tăng trưởng tín dụng chung chỉ 18,17%, mà không rướn lên 21% như Chính phủ từng gợi ý. Và năm 2018, Ngân hàng Nhà nước bước đầu cũng hạ định hướng tăng trưởng xuống còn 17%.

Tín dụng nói chung không thể đẩy cao, trong khi tỷ lệ lãi biên (NIM) của hệ thống đang ở mức thấp so với khu vực (theo Ủy ban Giám sát tài chính Quốc gia), thêm nữa là áp lực tiếp tục giảm lãi suất cho vay. Tăng trưởng lợi nhuận ngân hàng năm nay ở khía cạnh này không nhận được nhiều ủng hộ.

2018 cũng là năm sát kề thực hiện trích lập dự phòng rủi ro toàn bộ cho lượng nợ xấu đã bán sang Công ty Quản lý tài sản các tổ chức tín dụng Việt Nam (VAMC).

Tới đây, các ngân hàng thương mại sẽ lần lượt đưa ra chỉ tiêu lợi nhuận, dự kiến với những mức tăng trưởng khiêm tốn cho năm 2018. Còn thực tế đạt được, phía trước còn cả một quãng đường dài.

Nhưng một thực tế riêng lẻ, một số ngân hàng năm nay lợi nhuận đã có phần của để dành.

Trước hết, nợ xấu không có nghĩa là mất đi. Ngân hàng Sài Gòn Thương Tín (Sacombank) đang là điển hình cho kết luận này. Sau hơn 19.000 tỷ đồng xử lý được năm qua, Sacombank tiếp tục đặt mục tiêu làm được tối thiểu quy mô đó trong năm nay.

Với các ngân hàng, nợ xấu những năm qua giống như của để dành, càng xử lý được thì càng giảm chi phí trích lập dự phòng và hoàn nhập vào lợi nhuận. 2018 được kỳ vọng kinh tế vĩ mô tiếp tục hậu thuẫn, cùng Nghị quyết 42 của Quốc hội với những cơ chế hỗ trợ ngấm sâu hơn vào thực tiễn để tiếp tục đưa của để dành đó vào lãi.

Cũng là của để dành, đầu năm nay một số ngân hàng thương mại đã, đang và nhiều khả năng sẽ cụ thể hóa được khoản lợi nhuận đáng kể từ kế hoạch đầu tư những năm trước. Nổi bật như việc thoái vốn của Eximbank và LienVietPostBank tại Sacombank; hay Sacombank bán ra cổ phiếu quỹ; Vietcombank thoái vốn tại MB và EIB, cũng như đang có khoản đầu tư lãi hơn gấp đôi sau hơn ba năm tại Vietnam Airlines…

Và chung hơn nữa, năm 2017 nhiều ngân hàng thương mại lần lượt đón mùa vàng hợp tác kinh doanh bảo hiểm. Những khoản hoa hồng 20-25% bắt đầu cụ thể hóa và dày hơn qua quá trình mở rộng triển khai, ghi nhận cụ thể hơn nữa vào lợi nhuận.

Còn ở một xu hướng chung khác, đang ngày càng có ảnh hưởng lớn tới lợi nhuận: tín dụng bán lẻ và dịch vụ bán lẻ.

Báo cáo tài chính 2017 lần lượt công bố sắp tới sẽ cho thấy nhiều hơn những ngân hàng Việt Nam có tỷ trọng thu dịch vụ đạt trên 15%; cơ cấu tín dụng bán lẻ tiếp tục gia tăng trên 30%, thậm chí nhiều thành viên đạt 40-50%.

Động lực bùng nổ lợi nhuận ngân hàng 2017

Bài viết mới