Dự án xây dựng Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên do Công ty cổ phần kinh doanh dịch vụ cao cấp Dầu khí Việt Nam (PVR) là nhà đầu tư.
UBND TP Hà Nội giao Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở Quy hoạch Kiến trúc, Tài chính và đơn vị liên quan tiến hành đánh giá khả năng triển khai thực hiện dự án tại thời điểm hiện nay.
Nếu nhà đầu tư không trình Sở Quy hoạch Kiến trúc (đủ hồ sơ) để thẩm định đồ án quy hoạch chi tiết 1/500 của dự án theo cam kết thì báo cáo đề xuất, kiến nghị UBND thành phố xem xét thu hồi dự án theo quy định của Luật Đất đai và lựa chọn nhà đầu tư khác để triển khai dự án theo quy định.
Một thiết kế dự kiến của Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên
Dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên được PVR duyệt quyết định đầu tư từ năm 2008, với quy mô 1.024,8 ha và tổng mức đầu tư 4.690 tỷ đồng.
Tuy nhiên, do việc Hà Nội sát nhập với Hà Tây, dự án đã phải tạm ngừng triển khai đến tháng 5/2010. Bên cạnh đó, quy mô của dự án cũng bị cắt giảm từ 1.024,8 ha xuống chỉ còn 183,6 ha, tổng vốn đầu tư giảm từ 4.690 tỷ đồng xuống còn 3.500 tỷ đồng.
Trước đó, tại nghị quyết HĐQT PVR công bố hồi tháng 3/2014, Công ty đã thông qua các đề xuất của Giám đốc công ty về tình hình triển khai dự án Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên.
Đồng thời giao Giám đốc công ty chủ động làm việc với đơn vị tư vấn lập quy hoạch chi tiết dự án sau đó lập lại dự án đầu tư. Trên cơ sở quy hoạch được duyệt, công ty sẽ tìm kiếm đối tác để thoái vốn hoặc ký thỏa thuận hợp tác đầu tư… đảm bảo lợi nhuận dự án. Tuy nhiên, đến nay, PVR vẫn chưa tìm được đối tác để chuyển nhượng lại dự án.
Một thiết kế khác của Khu du lịch quốc tế cao cấp Tản Viên
Đối với dự án Nghĩa trang Yên Kỳ mở rộng (giai đoạn 1) do Công ty cổ phần Tập đoàn xây dựng và du lịch Bình Minh là nhà đầu tư. UBND TP Hà Nội giao Sở Quy hoạch Kiến trúc thẩm định hồ sơ điều chỉnh cục bộ Quy hoạch chi tiết tỷ lệ 1/500 của dự án phù hợp với hiện trạng, đảm bảo khớp nối hạ tầng khu vực và theo đúng quy định, trình UBND thành phố.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì kết hợp với UBND huyện Ba Vì kiểm tra, xử lý các trường hợp khai thác tài nguyên trái phép trên địa bàn huyện Ba Vì; sớm thống nhất với Trường Trung cấp kỹ thuật Công binh (Bộ Quốc phòng) về tiến độ cụ thể di dời Trường Trung cấp kỹ thuật Công binh để bàn giao ngay cho nhà đầu tư các vị trí đủ điều kiện.
Sở Kế hoạch và Đầu tư hướng dẫn và yêu cầu nhà đầu tư có cam kết cụ thể về tiến độ giải ngân vốn, tiến độ thi công công trình và kịp thời đề xuất xử lý nếu nhà đầu tư vi phạm cam kết.
UBND TP Hà Nội cũng yêu cầu Sở, ngành, nhà đầu tư, chủ đầu tư, UBND huyện Ba Vì và đơn vị liên quan tổ chức kiểm điểm, xác định rõ trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân có liên quan thuộc đơn vị mình từ đó đánh giá, rút kinh nghiệm trong từng dự án và đưa ra kế hoạch, biện pháp khắc phục những tồn tại, hạn chế, đẩy nhanh tiến độ thực hiện. 10 năm vẫn loay hoay quy hoạch, siêu dự án Tản Viên (Ba Vì) 3.500 tỷ có nguy cơ “vỡ trận”
|