Sáng 16-1, Viện nghiên cứu kinh tế – chính sách (VERP) tổ chức công bố báo cáo kinh tế vĩ mô quý IV và cả năm 2017. Tại hội thảo này, báo chí đặt nhiều câu hỏi về Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp mới được thành lập.
Ông Trương Đình Tuyển trước khi trả lời các câu hỏi đã kể một câu chuyện mà ông khẳng định là “có thật”! Đó là câu chuyện thời ông Vũ Huy Hoàng còn làm Bộ trưởng Bộ Công Thương.
“Lúc đó, một số doanh nghiệp thép cạnh tranh không lành mạnh. Cục quản lý cạnh tranh nhận thấy điều này và lên kế hoạch đi thanh tra, kiểm tra. Tuy nhiên, một vị thứ trưởng phụ trách ngành đã ra lệnh không được kiểm tra việc này”, ông Tuyển kể.
Ông Trương Đình Tuyển nói việc thành lập Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp nên được ủng hộ. Ảnh: CHÂN LUẬN
Từ đó, ông Tuyển ủng hộ việc thành lập một Ủy ban quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp. Bởi đây chính là việc tách các doanh nghiệp nhà nước ra khỏi chế độ chủ quản tại các bộ.
“Việc tách các doanh nghiệp nhà nước ra phải gắn với đẩy mạnh cổ phần hóa. Ủy ban này chỉ quản lý SCIC và một số công ty cực kỳ quan trọng trong giai đoạn tư nhân chưa thể làm được hoặc không muốn làm. Nếu ôm nhiều doanh nghiệp quá thì chả có cách nào mà làm cả”, ông Tuyển nói.
Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan nhận định nếu muốn ủy ban nàythành công thì những người trong ủy ban phải là “nhà kỹ trị chứ không phải là chính trị”. Bởi để điều hành ủy ban thì phải hiểu được thị trường, các nguyên tắc kinh tế…
TS Lê Đăng Doanh cho hay, ủy ban này đã được Trung ương quyết định và việc thành lập vận hành ủy ban là một thách thức thực sự.
“Tôi rất mong báo chí ủng hộ vì ủy ban này sẽ lấy đi lợi ích nhóm của các chủ sở hữu là các bộ hiện nay, để họ thực hiện quản lý nhà nước, xây dựng chính sách”, TS Doanh nói.
Thận trọng hơn, TS Võ Trí Thành cho rằng: “Đã là sở hữu công và doanh nghiệp nhà nước thì muôn thuở bao giờ cũng vướng xung đột lợi ích và rủi ro đạo đức. Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn nhà nước của Trung Quốc vừa rồi mới bị bắt”.
Theo TS Thành, cần phải có cơ chế minh bạch, công cụ giám sát, nhân lực của ủy ban phải thực sự có năng lực và chuyên nghiệp. “Cơ chế này sẽ giảm được xung đột lợi ích ở các bộ, đẩy nhanh việc thu nhỏ khu vực doanh nghiệp nhà nowsc trước khi chúng ta có thể quản lý nó”, TS Thành nói.
Bổ sung thêm, ông Tuyển kể: thời điểm thành lập SCIC, ông đã nói với Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng rằng, đây là mô hình của Singapore và nếu học tập Singapore thì Việt Nam là “học sinh kém”.
Trả lời câu hỏi của Pháp Luật TP.HCM rằng: liệu có cách nào quản lý vốn nhà nước tốt hơn việc thành lập ủy ban này không, chuyên gia Phạm Chi Lan tríchBáo cáo Việt Nam 2035 và cho biết: “Báo cáo Việt Nam 2035 khuyến cáo Việt Nam chỉ cần duy trì tối đa 20 doanh nghiệp nhà nước thôi”.
Lấy ví dụ tại Pháp, bà Chi Lan nói ở đó cũng có một số doanh nghiệp nhà nước và mỗi doanh nghiệp như vậy đều có một luật đặc thù. “Từ nay đến 2035 còn dài và chúng ta đang tiếp tục thực hiện “kinh tế nhà nước là chủ đạo”, nên chắc vẫn cần ủy ban này”, bà Chi Lan nói.