[Review Umbala] Ý tưởng không mới, nhưng với Startup thì team là quan trọng nhất, ý tưởng hay mà không có đội ngũ mạnh cũng vứt!

Kết thúc Shark Tank tập 9, bên cạnh màn thuyết trình nhanh như “bắn súng”, Nguyễn Minh Thảo còn gây ấn tượng với chất “điên” và máu lửa của một Startup cùng với đội ngũ toàn thành viên tài năng như Hùng Trần – sáng lập và CEO GotIt! trong vai trò ‘Product advisor’ (Cố vấn sản phẩm); Tiến sĩ ĐH Stanford Thức Vũ – một trong những người Việt khởi nghiệp thành công nhất tại Silicon Valey – cố vấn đồng thời là nhà đầu tư thiên thần; Thanh Lê – cựu kỹ sư của Google tại Mỹ từng đạt giải lập trình toán quốc tế…

Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhận xét trái chiều về dự ánp này khi Startup của Thảo na ná như Bigo Live hay Musically, và anh đã mất 1 năm sang Silicon Valley ở Mỹ để gọi vốn nhưng không thành công.

Từ góc nhìn của người ngoài cuộc, ông Trần Hải Quang – CEO Clingme, một ứng dụng di động giúp khách hàng vừa tìm được địa điểm ăn uống, mua sắm tốt nhất; vừa nhận lại một phần tiền (cashback) sau mỗi lần thanh toán – cho rằng ca gọi vốn của Umbala “rất thú vị”.

Clingme cũng là Startup có màn gọi vốn ấn tượng khi đã gọi vốn thành công vòng 3 với 2,5 triệu USD.

* Ông nhìn nhận thế nào về case gọi vốn của Umbala trong Shark Tank tập 9 vừa qua?

Tôi nghĩ là rất thú vị. Điểm nổi bật nhất là đội ngũ của Thảo rất mạnh. Với Startup thì đội ngũ quan trọng nhất. Mô hình kinh doanh và sản phẩm cụ thể có thể thay đổi. Nhưng ý tưởng hay mà không có đội ngũ mạnh thì cũng vứt.

Cái mạnh mà tôi đánh giá cao nhất là sự quyết tâm và “máu lửa”. Đấy mới là yếu tố quyết định. Không có yếu tố này thì ngay cả làm việc ở công ty lớn cũng thất bại.

* Về ý tưởng thì sao, thưa ông?

Tôi chưa rõ Umbala sẽ xoay chuyển thế nào. Nếu bạn ấy làm về livestream, và tặng quà idol, thì giống với Bigo Live, Musically. Nhưng nói như thế không có nghĩa là không có cơ hội. Facebook khá lớn vẫn có Instagram xuất hiện. Sau Instagram lại có Snapchat xuất hiện. Mỗi người sẽ có tệp đối tượng khách hàng và cách đi riêng.

Bigo Live hay Musically rất mạnh. Ở Việt Nam, Bigo Live lại càng mạnh hơn, những Startup livestream khác khó có cơ hội. Ở Trung Quốc, dịch vụ livestream có tới 20 – 30 công ty nhưng công ty nào cũng vốn khủng, và họ livestream về bán hàng.

Tôi không biết hướng đi tới của Umbala sẽ thế nào, nhưng tôi nghĩ có team tốt, họ sẽ xoay xở được.

* Về tỷ lệ gọi vốn, Founder Thảo Nguyễn cho rằng deal vừa rồi trên Shark Tank (260.000 USD đổi lấy 15% cổ phần) là thấp hơn so với giá trị của Startup được định giá với các nhà đầu tư trước. Trường hợp định giá Startup trong vòng gọi vốn tiếp theo thấp hơn vòng gọi vốn trước có phổ biến không?

Trong Startup, down round (vòng gọi vốn tiếp theo giá thấp hơn vòng gọi vốn trước) là chuyện bình thường. Một ví dụ lớn nhất có thể thấy là case Uber vừa huy động vốn với 30% discount.

Cụ thể, Softbank chi 7,7 tỷ USD để mua lại 15% cổ phần từ các cổ đông nhưng chia làm 2 đợt. Đợt 1 chi 1,25 tỷ USD mua cổ phần mới của Uber dựa theo mức định giá 68 tỷ USD của hãng gọi xe này. Đợt 2 Softbank mua số cổ phần từ các cổ đông hiện hữu của Uber với mức định giá 48 tỷ USD (tức giảm 30% so với mức định giá trong lần mua đầu tiên).

Đấy là cách cực khôn ngoan, giá thực tế Softbank phải bỏ ra để mua thì thấp hơn nhiều so với vòng trước. Nhưng với các nhà đầu tư thì họ vẫn vui vẻ, kể cả nhà đầu tư trước. Đó là 1 cách làm down round rất hay. Nhưng thường các Startup khác không may mắn như vậy.

Down round có nghĩa là hầu như không ai exit được. Trong trường hợp của Umbala, với vòng gọi vốn này các nhà đầu tư mới vào thì không ai exit. Nói như Thảo cũng đúng, tức những người góp vốn trước đó như Thức, các bạn đã chấp nhận mức định giá khác là hơn 2 triệu USD. Round này gọi vốn thành công 260.000 USD đổi lấy 15%, tức định giá Umbala giảm còn khoảng 1,7 triệu USD. Đây là mức down round bình thường.

Công ty phát triển lúc tốt lúc xấu, công ty niêm yết trên sàn chứng khoán còn giá lên giá xuống nên chuyện này quá bình thường. Vấn đề là người trong cuộc có chấp nhận hay không. Tôi nghĩ chẳng ai không hài lòng trong trường hợp gọi vốn này.

Đầu tư vào công ty ai cũng nhìn vào câu chuyện tương lai, không ai nhìn vào câu chuyện quá khứ để đánh giá. Câu chuyện đắt – rẻ không phải vấn đề, vấn đề quan trọng mà Startup cần quan tâm là “Mình gọi vốn để làm gì?”.

Người Founder phải biết mình cần gì? Đối tác ấy có thể giúp mình làm việc đó hay không? Nói tóm lại, gọi vốn chỉ có một quy luật nhất định là “cộng với nhau thì tạo ra được cái gì”. Cái tạo ra ấy nó quyết định giá trị Startup là bao nhiêu. Tức, đó là về chuyện tạo ra giá trị mới, đừng đặt nặng chuyện bán ở đây là tôi phải chia miếng bánh. Không phải! Câu chuyện ở đây là tạo ra miếng bánh mới và miếng bánh đó lớn đến đâu.

* Xin cảm ơn ông!

Tiền ảo quá ‘hot’: CEO ứng dụng Umbala cho biết sẽ gọi vốn bằng ICO, thừa nhận ‘may mắn vì được bước vào thời kỳ của Bitcoin’!

Bài viết mới