Tôn Tử nói: “Chiến tranh là đại sự của quốc gia, quan hệ tới việc sống chết của nhân dân, sự mất còn của nhà nước, không thể không khảo sát nghiên cứu cho thật kỹ”.
Thị trường chứng khoán cũng như chiến trường. Một trader khi đã ở trong thị trường cũng như một viên tướng ở giữa trận tiền, không thể không nghiên “chứng pháp”. Trên Stockbook – mạng xã hội chứng khoán đang có 45.000 người dùng- vừa có bài viết của nick name Lucas Trader bình về “Binh pháp Tôn tử trong chứng khoán”. Đây là người đã giành chiến thắng trong cuộc thi FA Thánh chiến và có nhiều bài viết thể hiện sự hiểu biết rộng, kinh nghiệm trading lâu năm.
Đạo – Thiên – Địa – Tướng – Pháp trong chứng khoán
Tôn Tử nói: “Phải dựa vào năm mặt sau đây mà phân tích, nghiên cứu, so sánh các điều kiện tốt xấu giữa hai bên đối địch, để tìm hiểu tình thế thắng bại trong chiến tranh: Đạo – Thiên – Địa – Tướng – Pháp.
Đạo là chỉ việc chính trị, đạo nghĩa, phải làm cho nguyện vọng của dân chúng và vua nhất trí với nhau, đồng tâm đồng đức. Có như vậy, trong chiến tranh mới có thể bảo nhân dân vì vua mà chết, vì vua mà sống, không sợ hiểm nguy.
Thiên là thiên thời, nói về ngày đêm, trời râm trời nắng, trời lạnh trời nóng, tức tình trạng về khí hậu thời tiết.
Địa là địa lợi, nói về đường sá xa gần, địa thế hiểm yếu hay bằng phẳng, khu vực tác chiến rộng hẹp, địa hình phải chăng có lợi cho tiến công, phòng thủ, tiến tới, thối lui.
Tướng là tướng soái, tức nói về tài trí, uy tín, lòng nhân ái, lòng can đảm, sự uy nghiêm của người tướng.
Pháp là pháp chế, nói về tình trạng tổ chức, biên chế, sự quy định về hiệu lệnh chỉ huy, sự phân chia chức quyền của tướng tá, sự cung ứng vật tư cho quân đội và chế độ quản lý…
Tình huống về năm mặt nói trên, người tướng soái không thể không biết. Chỉ khi nào hiểu rõ và nắm chặt được những tình huống đó thì mới có thể giành được sự thắng lợi. Không thật sự hiểu rõ và nắm chắc được thì không thể đắc thắng.”
Viên đại tướng phải nghiên cứu như thế nào thì người trader cũng phải tốn công như vậy. Đạo trong chứng khoán nghĩa là mục tiêu kiếm tiền của mình là gì, cho ai, đồng tiền kiếm được sẽ sử dụng thế nào, mình sẽ đi theo chính đạo hay tà đạo để kiếm tiền. Thiên trong chứng khoán chính là xu thế của thị trường, thị trường đang uptrend, downtrend hay đi ngang sideways. Địa trong chứng khoán chính là tiền của bản thân, tiền có sẵn sàng để đầu tư hay đầu cơ, khả năng chịu đựng rủi ro thế nào và có áp lực gì hay không… Tướng trong chứng khoán là bản thân người trader, mình đang khỏe hay yếu, tinh thần có vững không hay đang phải lo lắng điều gì, trí tuệ có minh mẫn hay đang rối loạn… Pháp trong chứng khoán là phương pháp, dù là trader nhưng bạn theo phương pháp nào, cơ bản hay kỹ thuật, đánh ngắn, trung hay dài hạn, đánh theo vị thế hay theo nhịp sóng hay đầu cơ trong ngày…
Bảy mặt của Tôn Tử và phương pháp CANSLIM
Tôn Tử viết: “Cho nên phải từ bảy mặt sau mà tính toán, so sánh những điều kiện đôi bên giữa địch và ta để tìm hiểu tình thế thắng bại trong chiến tranh. Tức là phải xem xét:
1. Vua bên nào có nền chính trị được lòng dân hơn?
2. Tướng soái bên nào có tài năng hơn?
3. Thiên thời địa lợi bên nào tốt hơn?
4. Pháp lệnh bên nào được quán triệt hơn?
5. Thực lực quân đội bên nào mạnh hơn?
6. Binh sỹ bên nào được huấn luyện thành thục hơn?
7. Thưởng phạt bên nào nghiêm minh hơn?“
Bảy mặt Tôn Tử viết trong Binh pháp cũng gần giống với các điều kiện cơ bản để đầu tư của nhà đầu tư huyền thoại O’ Neil. Ông chính là người đã đề ra phương pháp CANSLIM mà hiện nay nhiều nhà đầu tư trên thị trường Việt Nam ưa dùng.
CANSLIM là viết tắt của:
(1) C = Lãi ròng trên mỗi cổ phần quý hiện tại hay gọi nôm na là “EPS quý hiện tại” (Current Earning Per Share), tiêu chuẩn này yêu cầu EPS tăng dần và tăng càng cao càng tốt. Có thể kể đến mức EPS hấp dẫn và tăng đều như cổ phiếu VNM, FPT, BMP…
Tương ứng với điều 2: tướng soái bên nào có tài năng hơn? Và tương ứng với điều 6: Binh sỹ bên nào được huấn luyện thành thục hơn? Cũng có thể hiểu là lãnh đạo và nhân viên công ty nào có khả năng tạo ra nhiều lợi nhuận cho công ty mình hơn.
(2) A = Tỷ lệ tăng trưởng lợi nhuận hàng năm (Annually Earning Increases). Điều này có nghĩa là cổ phiếu tốt là cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận đều đặn năm sau so với năm trước (chỉ tiêu thông thường được tính cho 03 năm) và nhà đầu tư cần đặc biệt lưu ý tới các cổ phiếu có mức gia tăng lợi nhuận hàng năm trên vốn cổ phần đạt từ (ROE ) từ 17% trở lên, những công ty tốt nhất sẽ có lợi suất từ 25% – 50%. Có thể lấy ví dụ như TNG, HPG…
Tương ứng với điều 4: Pháp lệnh bên nào được quán triệt hơn? Một công ty tốt có tỷ lệ tăng trưởng hàng năm đều đặn chỉ có thể có được khi duy trì được tính chuyên nghiệp trong vận hành (pháp lệnh).
(3) N = Những thông tin mới về công ty như sản phẩm mới, ban lãnh đạo mới, đỉnh giá mới… (New Products, New Management, New highs). Thực tiễn cho thấy, giá cổ phiếu tăng thường gắn với một điều gì đó mới mẻ từ công ty.
Tương ứng với điều 7: thưởng phạt bên nào nghiêm minh hơn. Điều này hơi khiên cưỡng một chút trong cách so sánh, tuy nhiên có thể nghĩ rằng một ban lãnh đạo tốt sẽ có khả năng duy trì tính chuyên nghiệp và sáng tạo, điều tiên quyết để tạo ra sản phẩm mới (thưởng phạt nghiêm minh).
(4) S = Quan hệ cung cầu của cổ phiếu (Supply and Demand). Cổ phiếu cũng là một loại hàng hoá, do vậy, giá cả chịu sự điều chỉnh của quan hệ cung cầu. Cách tốt nhất để ước lượng cung cầu của một cổ phiếu là theo dõi số lượng cổ phần giao dịch hàng ngày của nó. Nếu một cổ phiếu giảm giá, khối lượng giao dịch không tăng thể hiện không có áp lực bán ra đáng kể, ngược lại, khi nó tăng giá khối lượng sẽ tăng dần thể hiện cổ phiếu đang được mua vào.
Tương ứng với điều 5: Thực lực quân đội bên nào mạnh hơn? Bên mua hay bên bán hiện đang chiếm ưu thế?
(5) L = Xem xét vai trò của cổ phiếu đó trên thị trường là cổ phiếu “dẫn đầu” hay chỉ là cổ phiếu “đội sổ” (leader/laggard). Hãy chỉ quan tâm đến cổ phiếu dẫn đầu trên thị trường và tránh xa những cổ phiếu “đội sổ” mặc dù giá cổ phiếu đó đã giảm rất mạnh và chỉ ngang cốc trà đá. Có thể kể đến các cổ phiếu dẫn dắt thị trường như VNM, VCB, BVH…
Tương ứng với điều 3: thiên thời địa lợi bên nào tốt hơn? Thực tế thị trường thì cổ phiếu nào đang dẫn dắt nhờ thiên thời địa lợi?
(6) I = Sự quan tâm của các tổ chức, định chế tài chính lớn đến cổ phiếu (Institutional Sponsorship). Nhà đầu tư sẽ an tâm hơn để đầu tư khi cổ phiếu mà mình đầu tư cũng được sự quan tâm và mua vào của các tổ chức lớn, các thiết chế tài chính lớn và có uy tín. Các quỹ ETFs và các quỹ đầu tư nước ngoài, các quỹ đầu tư lớn… nếu quan tâm và mua vào một cổ phiếu trên thị trường thì cổ phiếu đó đã được nghiên cứu rất kỹ và sẽ có một xu hướng tăng khá mạnh. Như các cổ phiếu được các quỹ nước ngoài yêu thích như: VNM, HSG, HCM, SSI, VCB…
Tương ứng với điều 1: vua bên nào được lòng dân hơn? Cổ phiếu nào, công ty nào đang được thị trường ưa thích?
(7) M = Xu hướng thị trường (Market Direction) là yếu tố quan trọng quyết định sự thành bại của phương án đầu tư. Hãy xác định xu hướng chung thị trường và sự vận động của các dòng cổ phiếu để lên kế hoạch trading hiệu quả.
Tương ứng với điều 3: thiên thời địa lợi của cả thị trường hiện đang ra sao?
Quan trọng là: Không thể quy định một cách máy móc
Tôn Tử viết: “Tất cả những điều nói trên đều là sự khôn khéo để thủ thắng của nhà quân sự, nhưng lại không thể quy định trước một cách máy móc. Phàm trước khi khai chiến, đoán được thắng là do tính toán đầy đủ. Trước khi khai chiến mà đoán không thắng là do tính toán không chu đáo. Tính nhiều hơn tính ít, huống hồ không tính toán gì. Quan sát đủ các mặt đó, ai thắng ai bại có thể đoán trước được.“
Quan trọng là đoạn “không thể quy định trước một cách máy móc”. Trên thị trường tính bất biến duy nhất chính là sự thay đổi liên tục của nó. Không có một công thức hoàn hảo để chiến thắng, do đó người trader sẽ phải linh hoạt trước những biến động mới của thị trường. Tất nhiên, linh hoạt trong sự tính toán, như Tôn Tử đã viết. Khi đó, bạn kiếm được tiền hay mất tiền, có thể đoán trước được.