Năm 2018, Việt Nam sẽ triển khai nhiều Hiệp định Thương mại tự do. Vừa qua, Bộ Tài chính đã công bố thuế nhập khẩu với nhiều mặt hàng sẽ giảm về 0% hoặc 5 – 10% trong năm nay theo cam kết trong khung khổ 10 Hiệp định FTA mà Việt Nam đã ký kết. Nhiều ý kiến cho rằng nguồn thu từ thuế nhập khẩu giảm sẽ gây áp lực lên ngân sách Nhà nước. Nói cách khác, Việt Nam có nguy cơ không thực hiện được các mục tiêu như giảm thâm hụt ngân sách cũng như giảm nợ công.
Tuy nhiên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn, Thứ trưởng Bộ Tài chính, lại có quan điểm khác về vấn đề này. “Hội nhập thì không phải mới bây giờ mà chúng ta thực hiện từ năm 2007, tức hơn 10 năm nay”, ông phát biểu trong Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2018 do Ban Kinh tế Trung ương tổ chức.
Theo ông Tuấn, cắt giảm thuế nhập khẩu sẽ không ảnh hưởng lớn đến thu ngân sách do tỷ lệ động viên từ thuế và phí năm 2017 đạt 25,6% so với GDP, con số này vẫn ở mức thấp. “Trong thu ngân sách, thuế nhập khẩu chỉ chiếm 4,7% nên nguy cơ của thuế nhập khẩu không phải nguy cơ ngân sách”, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhận định. Theo ông, rủi ro đối với bội chi ngân sách và nợ công chủ yếu đến từ 3 nguyên nhân khác.
Thất thu do đâu?
Thứ nhất, rủi ro đối với ngân sách nằm ở việc quản trị tài chính, quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp. Luật quản lý sử dụng vốn Nhà nước đầu tư vào sản xuất kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 và Nghị định Nghị định 91/2015/NĐ-CP về quản lý, sử dụng vốn tại doanh nghiệp được kỳ vọng sẽ mang lại sự công khai, minh bạch về tình hình tài chính của doanh nghiệp cũng như việc sử dụng nguồn vốn Nhà nước. Tuy nhiên, theo ông Tuấn, luật này trên thực tế vẫn còn nhiều thiếu sót.
Thứ hai là những ưu đãi thuế bất hợp lý đối với khu vực FDI. Vị Thứ trưởng cho biết mặc dù thuế thu nhập doanh nghiệp hiện nay là 20% nhưng khu vực FDI thực tế chỉ phải nộp 10,2%. Năm 2017, tổng số tiền thuế mà khu vực này đóng góp là 37.000 tỷ VND thì miễn giảm thuế lên đến 35.000 tỷ đồng.
Thứ ba là quản trị thuế với khu vực kinh tế phi chính thức và hướng tới thanh toán không dùng tiền mặt. Khu vực kinh tế phi chính thức vẫn đang phát triển mạnh mẽ, nhất là trong kỷ nguyên số hiện nay, tuy nhiên, đóng góp của khu vực này vào thu ngân sách còn hạn chế. Cuối năm 2017, Cục Thuế TP.HCM đã tích cực truy thu thuế đối với người bán hàng qua Facebook, thậm chí có cá nhân bị truy thu đến 9 tỷ đồng.
Giải pháp nằm ở luật và chính sách
Để giải quyết các vấn đề trên, ông Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng việc quan trọng đầu tiên cần làm là sớm ban hành hệ thống các luật thuế, các chính kế toán đơn giản, phù hợp với doanh nghiệp siêu nhỏ, vừa và nhỏ. Từ đó các doanh nghiệp tư nhân được khuyến khích phát triển, kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế theo Nghị Quyết TW 5.
Ngoài ra, Thứ trưởng cho biết Bộ Tài chính đã bước đầu ban hành các quy định pháp luật về chống chuyển giá, chống xói mòn nguồn thu. Trước đó, vào tháng 06/2017, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên thứ 100 của Diễn đàn hợp tác thực hiện các giải pháp chống xói mòn cơ sở tính thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS).
Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cũng cho rằng sửa đổi chính sách thuế hiện nay là điều cần phải làm. Tuy nhiên, việc sửa đổi cần dựa trên mở rộng cơ sở thuế, đối tượng tính thuế thay vì tăng thuế suất. Đặc biệt cần tập trung vào nhóm thuế liên quan đến bảo vệ môi trường, liên quan đến tài sản. Chính sách thuế phải vừa khuyến khích sản xuất kinh doanh vừa đảm bảo được công bằng xã hội.
Cuối cùng, Chính phủ cần có các giải pháp quản lý thuế khu vực phi chính thức. Về vấn đề này, Chính phủ giao Bộ Tài chính thực hiện dự thảo Nghị định về quy định hóa đơn điện tử. Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng đang phối hợp với Ngân hàng Nhà nước thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Ông Tuấn nói: “Kinh nghiệm thế giới cho rằng đây là 2 điều hết sức quan trọng”.