Bài 1: Tận thu từ bệnh nhân tới tiền giường
Nhiều bệnh viện (BV) thưa vắng bệnh nhân, giường bệnh không dùng hết, vẫn kê thêm giường để khai thanh toán bảo hiểm. Kéo theo đó, các bác sĩ phải tìm cách chỉ định điều trị nội trú cho thật nhiều người nhằm “lấp đầy” các giường trống và tăng doanh thu.
Đã tới viện đều phải “nằm lại”
Bà Phạm Thị Hoa (56 tuổi, ở Như Xuân, Thanh Hóa) kể, hồi giữa năm có lần bà cảm thấy mệt mỏi, chóng mặt nên ra Bệnh viện Đa khoa huyện Như Xuân để khám bằng BHYT. Sau một hồi dò xét, bác sĩ kết luận bà Hoa bị cao huyết áp nên chỉ định phải nhập viện khiến cả gia đình sấp ngửa. Sau nửa ngày nằm viện và truyền nước, thấy khỏe hơn nên bà Hoa xin về, bác sĩ đồng ý nhưng với điều kiện mỗi ngày bà phải tới BV truyền nước 2 lần vào sáng và chiều. Nên cả tuần đó, bà Hoa mỗi ngày phải dành hơn 1 tiếng tới BV truyền nước, xong lại về làm việc đồng áng. Khi bà Hoa ra viện, toàn bộ chi phí điều trị nội trú đều do BHYT chi trả, bà chỉ phải ký hồ sơ.
Việc bệnh viện tìm đủ cách giữ bệnh nhân nằm viện như trường hợp bà Hoa đã không phải hiếm, đặc biệt với các bệnh viện tuyến dưới, khi bệnh nhân có thẻ BHYT đang trở thành nguồn thu chính của các BV. Đặc biệt, từ năm 2016, khi tiền giường bệnh được điều chỉnh tăng gấp đôi, thậm chí gấp 3, các BV đã tăng cường kê thêm giường. Theo Thông tư liên tịch 37/2015 của Liên Bộ Y tế – Tài chính, tiền giường bệnh được tăng theo lộ trình, như từ 1/7/2016, tại BV hạng 2, tiền ngày giường hồi sức cấp cứu, chống độc tăng từ 115.000 đồng/ngày lên 279.000 đồng/ngày; tiền ngày giường khoa hô hấp, ung thư, nhi, tiêu hóa tăng từ 80.000 đồng/ngày lên 178.000 đồng/ngày… Cùng với tăng tiền giường, việc các BV kê thêm nhiều giường cũng buộc bác sĩ phải chỉ định bệnh nhân vào điều trị nội trú nhiều hơn. Điều này vừa giúp lấp giường trống, vừa thêm doanh thu cho BV, lại có người để chỉ định dịch vụ kỹ thuật, thuốc men.
Như BV Phục hồi Chức năng Nghệ An (Cửa Lò, Nghệ An) được phê duyệt kê 200 giường, nhưng thực tế kê 406 giường; BV Y học Cổ truyền Nghệ An được phê duyệt 270 giường nội trú, 50 giường ngoại trú, nhưng thực kê là 350 giường; BV Đa khoa huyện Gia Lộc (Hải Dương) kế hoạch 180 giường thực tế kê 265 giường… Trong khi, theo quy định của Bộ Y tế, việc kê giường bệnh phải đảm bảo tỷ lệ 1 nhân viên y tế được kê 1 giường bệnh, nhưng hầu hết các BV không đạt tỷ lệ này, chỉ cần phòng còn trống là kê thêm giường. Đặc biệt, các BV đều báo cáo công suất sử dụng giường bệnh trên 100% công suất, vẫn xảy ra nằm ghép.
Số giường tăng, nên không lạ khi tại BV Phục hồi Chức năng Nghệ An và BV Y học Cổ truyền Nghệ An đều không có bệnh nhân nào điều trị ngoại trú. Tất cả bệnh nhân khi tới các BV này đều được chỉ định vào điều trị nội trú. Thậm chí, khi có bệnh nhân tới, không cần khám sàng lọc xem người tới có bệnh hay không, cần nằm viện hay không, bác sĩ BV Phục hồi Chức năng Nghệ An đều chỉ định tất cả cho vào điều trị nội trú từ 1-2 tuần. Thậm chí, có người tới thăm người thân, BV cũng động viên đi thăm khám và cho nhập viện luôn.
Điều này khiến chi phí BHYT thanh toán tiền giường tăng đột biến. Theo tính toán của cơ quan bảo hiểm xã hội, có những BV tăng hơn 40% chi phí do thêm giường bệnh. Trong 6 tháng đầu năm 2017, tổng số Quỹ BHYT chi cho tiền khám và tiền giường đã lên tới 9.214 tỷ đồng (chiếm 21,2% tổng chi Quỹ).
Bệnh viện huyện luôn quá tải?
BV Đa khoa huyện Gia Lộc (Hải Dương) được phê duyệt kế hoạch kê 180 giường, nhưng thực kê 265 giường. Theo báo cáo của BV, công suất sử dụng giường năm 2016 đạt 127%, Quý I/2017 đạt hơn 116%. Nhưng sáng 4/8/2017, Bảo hiểm Xã hội Hải Dương khảo sát thực tế tại một số khoa đã cho kết quả ngược lại. Như ở Khoa Liên chuyên khoa thực tế có 18 giường, nhưng BV kê khai 21 giường, thời điểm kiểm tra cũng chỉ có 8 bệnh nhân đang nằm điều trị. Khoa Cấp cứu có 17 giường cũng chỉ có 9 bệnh nhân đang điều trị nội trú; Khoa Nhi có 36 giường thực kê, với 22 bệnh nhân đang điều trị nội trú. Một số người nhà vào chăm người thân nằm viện cả tuần cũng cho biết, cả tuần hầu như phòng nào cũng có giường trống, người nhà vào chăm đều có giường trống nghỉ ngơi. Bác sĩ Nguyễn Văn Ngọc, Giám đốc BV Đa khoa Gia Lộc thừa nhận, BV kê giường nhiều nhưng không phải lúc nào cũng kín bệnh nhân.
Còn tại BV Phục hồi Chức năng Nghệ An, dù Bộ Y tế có quy định rõ về kiểu giường, diện tích kê giường bệnh, nhưng đơn vị này sử dụng hẳn giường gỗ loại nằm đôi và kê sát nhau như phản. Mỗi phòng chỉ có một lối đi nhỏ giữa phòng, bệnh nhân muốn lên giường chỉ có cách leo từ cuối giường lên. Lên giường đã khó, bác sĩ tới từng giường thăm khám bệnh nhân còn khó khăn hơn, cũng may đa số bệnh nhân ở đây đều khỏe mạnh, tự đi lại và tự phục vụ được.
Khai khống chiếm dụng thuốc
Tháng 8/2017, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Trà Vinh và Vĩnh Long đã phối hợp kiểm tra và phát hiện bác sĩ Lê Thành Phước (làm việc tại Trung tâm Y tế Nguyễn Văn Thụ, huyện Vũng Liêm, Vĩnh Long) kê khống hàng trăm lượt khám chữa bệnh để lấy thuốc BHYT trong 6 tháng đầu năm 2017. Bác sĩ Phước thừa nhận, đã dùng 39 thẻ BHYT và khai khống hồ sơ, với 272 lượt khám chữa bệnh để lấy thuốc, tổng số tiền thuốc do BHYT chi trả hơn 49,1 triệu đồng.
Tương tự, Bảo hiểm Xã hội tỉnh Sơn La kiểm tra thực tế hồ sơ năm 2016 và 5 tháng năm 2017, tại Trung tâm y tế xã Púng Tra và xã Bó Mười (huyện Thuận Châu, Sơn La), phát hiện nhiều hồ sơ bị làm giả để lấy thuốc đã thanh toán BHYT. Cụ thể, tại 2 xã có 33 trường hợp bị làm giả hồ sơ nhận thuốc; 3 trường hợp mượn thẻ người khác đi khám và lấy thuốc. Tất cả những trường hợp này đều do các nhân viên Trung tâm Y tế xã tự kê khai lấy thuốc đã được BHYT thanh toán.
(còn nữa)
Theo quy định của Bộ Y tế, số ngày điều trị được tính bằng ngày ra viện trừ đi ngày vào viện cộng thêm 1 ngày. Do đó, dù đã được cộng thêm 1 ngày so với thực tế thời gian nằm viện, nhưng thường ngày cuối ở bệnh viện bệnh nhân và người nhà thường chỉ đi làm thủ tục để xuất viện, nhưng vẫn được tính ngày đó là ngày chữa trị tại bệnh viện và Quỹ BHYT vẫn phải thanh toán.