Cuối tháng 4/2017, trong một lần trao đổi, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Lê Minh Hưng đặt ngược lại câu hỏi với phóng viên VnEconomy: “Bạn nhận thấy gì về mùa đại hội cổ đông ngân hàng năm nay?”.
Đó là một mùa đại hội đồng cổ đông trật tự và quy củ. Không còn cảnh lộn xộn, thậm chí nhốn nháo từng xẩy ra ở một số ngân hàng trước đây.
“Tranh thủ mà làm”
Ở lần trao đổi đó, Thống đốc Lê Minh Hưng nói rằng, Ngân hàng Nhà nước không quá lo ngại về vấn đề tỷ giá USD/VND, dù dự kiến Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ ba lần tăng lãi suất. Nhà điều hành cũng tự tin với nhiệm vụ kiểm soát lạm phát ở mức thấp, dù lạm phát kỳ vọng luôn dè chừng. Thị trường vàng dự tính sẽ tiếp tục yên ả.
Còn với hệ thống các ngân hàng thương mại, điều mà người đứng đầu Ngân hàng Nhà nước nói đến ở mùa đại hội đồng cổ đông thường niên năm qua đúng là sự trật tự đến “kỳ lạ” đối với người ngoài cuộc.
Bởi lẽ, những năm trước, cứ đến mùa, thông tin lại nóng lên ở những tình huống thâu tóm nào đó; hay những khoản vốn nóng, vốn ngầm, chuyển nhượng kiểu vay nợ “trả góp” cổ phần bí ẩn; hay cả trường hợp náo động giữa các nhóm cổ đông tại đại hội; hay cả trường hợp con thoi vừa chủ trì đại hội này xong lại sang ngân hàng khác báo cáo, phát biểu…
“Trước hết là phải trật tự, tất cả cùng nhìn về một hướng là lợi ích chung của ngân hàng, lợi ích quốc gia. Phải cùng trật tự, ổn định và đồng thuận với cái chung thì mới làm được việc, mới xử lý được các khó khăn, vướng mắc”, Thống đốc Lê Minh Hưng nói với VnEconomy sau mùa đại hội đồng cổ đông năm ngoái.
Thực tế, hệ thống ngân hàng thương mại Việt Nam đã thấm thía một sự thật: chính một số thành viên mạnh nhất, nổi bật nhất lại sa sút và rơi vào khó khăn nhất những năm vừa qua, mà một trong những nguyên nhân chính là nội bộ cổ đông lớn xáo trộn, và vấn đề là xáo trộn đó thường gắn với vốn vay, vốn ảo hoặc bị thao túng. Con thuyền vá víu tay chèo thì dễ chòng chành, thậm chí chìm.
Vậy nên, điểm khởi đầu của 2017 mà Ngân hàng Nhà nước đã làm được là chỉnh đốn trật tự hệ thống, sẵn sàng thanh tra ngay bất cứ biểu hiện xáo trộn nào, đặc biệt về khía cạnh sở hữu, để xử lý. Như trên, trật tự để còn làm việc.
Ngay từ đầu năm 2017, phát biểu tại hội nghị toàn ngành, Thống đốc Lê Minh Hưng đã nhấn mạnh quan điểm: sở hữu ngân hàng phải là tiền thật, “tiền tươi”; bất cứ cá nhân nào “có vết” thì kiên quyết không được trở lại ngành.
Theo ông, trật tự của hệ thống, cùng sự ổn định của các thị trường vàng, ngoại tệ là điều kiện, cũng là cơ hội để tranh thủ mà làm những vấn đề lớn khác.
Rường cột cho tương lai
Đến cuối 2017, Ngân hàng Nhà nước chính thức ban hành thông tư mới, sửa đổi bổ sung về các quy định an toàn hoạt động tổ chức tín dụng. Quan điểm trên của Thống đốc Hưng được cụ thể hóa.
Yêu cầu “tiền tươi” được quy định rõ và mở rộng: không được vay mượn để mua cổ phiếu ngân hàng – con đường đi đến những cuộc thâu tóm mà rủi ro, hệ lụy kéo dài đến nay.
Sở hữu chéo cũng thêm một lát cắt liên quan, quy định trong thông tư trên; ngân hàng không được cài cắm nhân sự cao cấp vào ngân hàng khác thông qua sở hữu.
Đó cũng là những quy định cụ thể hóa theo Luật sửa đổi và bổ sung Luật Các tổ chức tín dụng Quốc hội vừa thông qua. Bộ luật này cũng là một công trình Ngân hàng Nhà nước cùng đóng góp. Đây cũng là một kết quả lớn đối với ngành trong năm 2017, vì tạo khung rường cột quan trọng, chắc chắn hơn cho tương lai.
Một bổ sung lớn là các cơ chế, quy định khung cho tái cơ cấu và xử lý các ngân hàng yếu kém; trong đó, nhiều cơ sở pháp lý đã được luật hóa, cần thiết cho việc tái cơ cấu những trường hợp mua lại bắt buộc.
Rộng hơn nữa, bộ luật trên đánh thẳng vào thượng tầng lãnh đạo các ngân hàng thương mại, với quy định chủ tịch và tổng giám đốc không được kiêm nhiệm. Điểm mới này nhằm ngăn ngừa tình huống lạm quyền, tín dụng thân hữu mà ảnh hưởng tiêu cực đến hệ thống.
Cùng đó, với quy định “có vết” tuyệt đối không được trở lại ngành, cùng loạt đại án lần lượt xét xử, giới chủ ngân hàng hẳn sẽ phải chuyên tâm, trách nhiệm hơn nữa với tổ chức, cũng như cẩn trọng hơn nữa với các quyết định của mình.
Từ khi Thống đốc Lê Minh Hưng nêu quan điểm “tiền tươi” và siết lại tiêu chuẩn lãnh đạo quản trị điều hành tại hội nghị toàn ngành đầu năm, đến khi bộ luật trên ban hành (tháng 11/2017) chỉ một quãng thời gian ngắn. Điều này cho thấy tốc độ chuẩn bị, xây dựng và triển khai hoàn thiện khuôn khổ pháp lý cho hệ thống ngân hàng đã diễn ra rất tập trung và quyết liệt.
Và giá trị hiện hữu
Cũng tập trung và rất quyết liệt là xây dựng cơ chế hỗ trợ xử lý nợ xấu.
Từ 2011, đã 6 năm nợ xấu đặt ra nổi cộm, nóng bỏng ở mức độ hai con số, nhưng phải đến 2017 lần đầu tiên trong lịch sử ngành ngân hàng mới có được một khung khổ lớn, có sức nặng và chuyên biệt để hỗ trợ. Đó là Nghị quyết 42 của Quốc hội về thí điểm xử lý nợ xấu.
Ban hành giữa năm và có hiệu lực từ tháng 8/2017, Nghị quyết 42 cũng là kết quả lớn của ngành ngân hàng trong một thời gian ngắn xử lý, thậm chí không quá khi nói là đấu tranh với hàng trăm vướng mắc về pháp lý và thực tiễn, với nhiều phản biện.
Nghị quyết 42 cũng là kết quả của sự đồng thuận, ủng hộ lớn của cả thể chế chính trị mà ngành ngân hàng đạt được năm qua, và nó thể hiện ngay giá trị: chỉ trong hơn một quý cuối năm, thực hiện cơ chế từ nghị quyết, toàn hệ thống đã xử lý được hơn 50.000 tỷ đồng nợ xấu.
Nghị quyết 42 sẽ tiếp tục phát huy giá trị hỗ trợ từ năm 2018, để cùng với những giải pháp, động lực khác xử lý dứt điểm tình trạng nợ xấu cao đến năm 2020. Mà khi nợ xấu được xử lý, bớt chi phí khê đọng, vốn được tái tạo thì điều kiện giảm lãi suất cho vay thêm cơ sở để thực hiện.
Cũng với lộ trình đến 2020, trong năm 2017 Ngân hàng Nhà nước đã hoàn tất đề án tái cơ cấu hệ thống chung và riêng với các thành viên; trong đó với ba trường hợp mua lại 0 đồng được nhấn mạnh tại hội nghị toàn ngành vừa qua là có những giải pháp đột phá.
Bên cạnh con số lượng hóa về kỷ lục dự trữ ngoại hối quốc gia, về mức độ lãi suất giảm được, về ổn định tỷ giá và thị trường vàng, cùng những con số lợi nhuận nhiều thành viên khả quan lên, thì “núi công việc” hoàn thiện khung khổ pháp lý, rường cột cho hệ thống nói trên được xử lý và đạt được trong 2017 quả là kết quả quá lớn của ngành.